Biển Chết nằm giữa biên giới Israel, Palestine và Jordan, là nơi có vị trí địa lý thấp nhất trong đất liền. Biển Chết có diện tích nhỏ hơn diện tích của Địa Trung Hải 400 m2. Nơi đây được mệnh danh là “cái rốn của địa cầu”.
Chiều dài của Biển Chết theo hướng bắc – nam là 80 km, rộng 5-16 km, có diện tích 1.049 km2, độ sâu trung bình 301 km. Từ kết cấu địa chất, Biển Chết nằm trong khu vực vết nứt của lục địa châu Phi (Đông Phi) vươn dài về hướng bắc, còn được gọi là “cống ngầm” của Biển Chết. 70 triệu năm trước, vết nứt này tụ nước và trở thành hồ. 250 năm trước, Biển Chết rộng hơn ngày nay rất nhiều. Lúc đó, chiều dài bắc – nam là 300 km, rộng gấp 4-5 lần so với ngày nay. Do vị trí của Biển Chết nằm trong khu vực sa mạc, khí hậu nóng, khô hanh, lượng mưa trung bình hàng năm là 50-60 mm, nhưng lượng nước bốc hơi lại hơn 1.000 mm nên diện tích của nó ngày càng thu hẹp. Thậm chí, có người dự đoán rằng cuối thế kỷ XXI, Biển Chết sẽ biến mất khỏi bản đồ thế giới.
Biển Chết chụp từ vệ tinh. |
Biển Chết thực ra là một hồ trong đất liền, nước chỉ có thể chảy vào mà không thể chảy ra được. Nguồn nước cung cấp chủ yếu chỉ dựa vào dòng sông Jordan chảy từ phía bắc. Mỗi năm, lưu lượng nước từ sông Jordan chảy vào hồ bình quân 5 tỷ m3, chiếm 2/3 tổng số lượng nước chảy vào “Hồ”. Lượng mưa hằng năm ở khu vực này không ổn định, lượng nước bổ sung lại thất thường nên mực nước trong “Hồ” cũng không ổn định, dao động 60-70 cm. Những năm gần đây, do lượng nước của dòng sông Jordan được sử dụng nhiều vào việc tưới tiêu nên mực nước trong “Hồ” giảm dần, diện tích bị thu hẹp lại. Tuy Biển Chết chỉ là một cái hồ nhưng do diện tích rộng, nước xanh nên được gọi là biển.
Theo Kinh thánh, hồ này được gọi là Biển Chết vì những vùng đất và thành phố tội lỗi nhất trong lịch sử sẽ bị hủy diệt và nhấn chìm xuống nhưng nơi sâu nhất của biển này. Trong ngôn ngữ Hila, Biển Chết còn có tên là Biển Muối vì hàm lượng muối trong biển cao gấp 9 lần các biển khác. Bề mặt Biển Chết có hàm lượng muối 300%, dưới đáy có hàm lượng 332%.
Theo số liệu thăm dò, lượng muối có trong Biển Chết khoảng 110 tỷ tấn, đủ cho 40 tỷ người sử dụng trong 2.000 năm. Đây quả là kho muối thiên nhiên vô cùng lớn. Do lượng muối trong nước quá cao nên ngoài một số loại vi khuẩn ra, không có sinh vật nào tồn tại được trong Biển Chết. Tôm cá xuôi theo dòng sông chảy vào Biển Chết cũng bị “muối” chết ở đây. Cả một vùng đất rộng hàng trăm mét ven bờ cũng không có một bóng cây nào, chim muông cũng không bén mảng tới.
Do hàm lượng muối trong biển cao, sức đẩy của nước rất lớn. Lỡ có người sảy chân rớt xuống cũng không chết chìm. Nhờ đó mà một nhóm tù binh đã thoát chết. Vào thế kỷ I, một viên thống soái người La Mã dẫn một đám tù binh tới Biển Chết để hành quyết. Lính La Mã ném những tù binh mang xiềng xích xuống biển. Nhưng họ vẫn nổi bồng bềnh trên mặt nước. Có người bị sóng đánh dạt vào bờ. Quân lính La Mã khiếp sợ trước hiện tượng lạ đó và cho rằng đám tù binh được thượng đế phù hộ nên ra lệnh phóng thích tất cả. Đám tù binh nọ thoát chết mà chẳng hiểu vì nguyên do gì. Vài năm sau người ta mới phát hiện ra điều kỳ diệu này.
Nồng độ muối cao giúp du khách nổi bồng bềnh trên mặt nước. |
Tuy trong Biển Chết chẳng có sinh vật nào sinh tồn được nhưng nơi đây lại là địa điểm du lịch nổi tiếng. Du khách đến đây được bơi đùa thoải mái. Điều thú vị là dù có biết bơi hay không, khi đến nơi này, lúc nào bạn cũng như một con sóng bồng bềnh trên biển. Nhưng du khách không thể bơi đua ở đây được vì sức đẩy của nước lớn. Lúc quạt nước, chân tay khó đạp vào nước được nên khó bơi về phía trước. Phần lớn du khách để thân thể nổi lên mặt nước và nằm xem sách báo. Lúc trở lại bờ, dưới ánh sáng mặt trời, toàn thân lấp lánh ánh muối và muối kết lại bám vào da.
Do nước của Biển Chết chứa nhiều khoáng chất, có tác dụng tốt đối với các loại bệnh như phong thấp, co thắt cơ, bệnh về da… nên mỗi năm, vào mùa thu và mùa xuân, hàng nghìn người mắc bệnh kéo tới đây. Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, họ điều trị 3 tuần và khoảng 80% số họ có được kết quả như ý.
Bờ đông của Biển Chết có bán đảo Sali nhô ra, chia biển thành 2 phần: biển Bắc rộng và sâu, biển Nam rộng và hẹp. Dọc theo bờ biển là những tòa nhà cao tầng, lều bạt, dù lộng, bar rượu, vũ trường… Phần lớn những công trình này được trang trí bằng màu trắng, màu hòa trộn với màu xanh của biển và màu vàng của cát, tạo nên một vẻ đẹp rực rỡ. Ven bờ biển còn có những đụn muối trắng xóa trông như những chiếc lô cốt. Đó là do nước biển bốc hơi năm này qua năm khác, lâu dần mà tạo thành. Bầu trời ở đây lúc nào cũng ngập nắng. Không khí thoáng đãng, mát mẻ. Tất cả hòa quyện vào nhau, tiếng rao hàng và tiếng cười nói của du khách khiến nơi đây có một sức sống mãnh liệt. Biển Chết nhưng không chết.
Năm 1947, một người chăn cừu khi đi tìm một con cừu lạc ở bờ tây của Biển Chết đã phát hiện ra một cái động. Những nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều đồ gốm và các cuốn kinh thánh trong đó. Kinh thánh được viết trên giấy và cuộn lại thành cuộn. Do khí hậu ở đây khô ráo nên những cuốn kinh thánh đó không hề bị hư hỏng.
Sau đó không lâu, người ta tiếp tục phát hiện ra những hang động khác, trong đó cũng có những cuốn kinh thánh và những bản chép tay. Tất cả những thứ này được xếp vào hệ thống văn vật, có giá trị và ý nghĩa rất lớn trong lịch sử khảo cổ học.
(Theo Những nền văn minh thế giới)
Nguồn: Vnexpress.net