Vùng áp thấp sẽ di chuyển vào Biển Đông và mạnh lên thành bão trong những ngày tới. Sự tương tác của không khí lạnh khiến đường đi của hình thái này khó lường.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã cập nhật bản tin dự báo thời tiết 10 ngày tới cho các khu vực trên cả nước, đồng thời đưa ra nhận định về thiên tai 3 tháng cuối năm.
Trước mắt, một vùng áp thấp trên khu vực miền nam Philippines khả năng đi vào Biển Đông trong chiều và tối nay (5/10). Hình thái này được dự báo mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và thành bão trên khu vực giữa và nam Biển Đông trong những ngày tới.
Ngày 10-11/10, một đợt không khí lạnh cường độ mạnh khả năng ảnh hưởng đến nước ta và tương tác với xoáy thuận nhiệt đới trên. Cơ quan khí tượng cảnh báo diễn biến của áp thấp nhiệt đới và bão trong những ngày tới rất phức tạp.
Hình ảnh cơn bão sắp hình thành trên Biển Đông trong những ngày tới theo mô hình dự báo của cơ quan khí tượng Hong Kong. Ảnh: HKO. |
Từ đêm 4/10 đến ngày 6/10, ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế bước vào đợt mưa lớn diện rộng. Tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm.
Mưa dông cũng xuất hiện ở đồng bằng và ven biển Bắc Bộ nhưng với lượng nhỏ hơn, dao động 30-60 mm/ngày, có nơi trên 80 mm. Nhưng cơn mưa lớn diễn ra gián đoạn trong thời gian ngắn.
Ngày 5/10, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng tiếp diễn mưa dông. Lượng mưa trung bình 40-70 mm/ngày, có nơi mưa trên 100 mm. Thời gian mưa tập trung về chiều và đêm với nguy cơ xảy ra lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh.
Về tình hình thiên tai 3 tháng cuối năm, chuyên gia cho biết nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương dần chuyển sang pha lạnh (La Nina). Hiện tượng này có thể được xác lập trong tháng 10, duy trì cường độ yếu đến hết năm và gây mưa nhiều ở Việt Nam.
Trong tháng 10 và tháng 11, nhiều áp thấp nhiệt đới và bão hoạt động trên Biển Đông do đây là cao điểm của mùa mưa bão. Năm nay, lượng mưa ở các tỉnh miền Trung được dự báo cao hơn 15-30% so với cùng kỳ nhiều năm. Khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ đặc biệt đề phòng mưa lớn trong thời gian tới.
Các sông suối nhỏ và vùng thượng lưu sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất. Những trận lũ lớn tại hai khu vực này tập trung trong tháng 10 và tháng 11.
Từ nay đến hết năm 2021, Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tình hình xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, do mùa mưa kết thúc muộn nên lượng mưa trong các tháng mùa khô tại đây cao hơn nhiều năm và có thể xuất hiện các đợt mưa trái mùa.
Chuyên gia cho biết tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL vì vậy có thể ít nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2019-2020.
Nguồn: News.zing.vn