Sau ngày đầu tiên phun rượu lên người nhau, du khách sẽ được theo dõi các cuộc chạy đua gay cấn với bò tót tại thành phố Pamplona, Tây Ban Nha, trong 8 ngày tiếp theo của lễ hội San Fermin.
Sáng ngày 6/7, cả biển người ngập chìm trong hai sắc trắng đỏ cùng phun rượu vang lên nhau tại quảng trường thành phố Pamplona. Đây là hoạt động khởi đầu cho lễ hội truyền thống San Fermin.
Những người tham gia lễ hội phấn khích phun rượu vào người nhau. Ảnh: AFP. |
Lễ hội diễn ra trên đường phố và kéo dài suốt 9 ngày, tới hết 14/7. Những người tham gia mặc trang phục màu trắng truyền thống, thắt khăn đỏ lên cổ và hông. Họ còn đeo thêm một bao da đựng rượu và tất cả cùng phun rượu lên người nhau trong ngày đầu tiên.
Một số còn đổ rượu từ trên các ban công xuống đầu những người tham gia dưới phố. 5 màn hình ti vi cỡ lớn được dựng lên tại trung tâm thành phố để phát sóng cùng lúc sự kiện diễn ra.
Lễ hội từng được miêu tả trong tiểu thuyết nổi tiếng “Mặt trời vẫn mọc”, ra đời năm 1926 của Ernest Hemingway. Nhà văn mô tả về những nghi thức truyền thống thời trung cổ, các điệu nhảy, buổi biểu diễn văn nghệ dân gian cùng các bữa tiệc thâu đêm suốt sáng.
Hơn 6 tấn pháo hoa được sắp đặt để tạo không khí sôi động trong suốt các đêm lễ hội. Tuy nhiên, phần cao trào nhất vẫn là cuộc đua giữa hàng trăm người với 6 con bò tót. Cả người và bò phải chạy hết chặng đường dài khoảng 847 m qua các con phố nhỏ hẹp dẫn tới trường đấu. Mỗi con bò được chọn thi có thể nặng tới hơn 500 kg.
Cuộc đua gay cấn với những con bò tót khỏe mạnh thu hút nhiều du khách. Ảnh: sacbee. |
Thí sinh dũng cảm nhất là người chạy gần sừng bò nhất mà không bị húc. Ngày kế tiếp là 7/7 diễn ra cuộc đua bò tót đầu tiên cũng là buổi thi thu hút nhiều người chơi nhất. Trung bình một cuộc đua chỉ kéo dài chưa đầy 4 phút.
Pamplona là thành phố nằm ở phía nam Rioja, một vùng trồng nho và làm rượu vang nổi tiếng hàng thế kỷ qua của Tây Ban Nha. Năm 2014, hơn 17.000 người tham gia lễ hội với 8 cuộc chạy đua bò tót. Theo hội đồng thành phố Pamplona thống kê, 56 % số người chơi là du khách nước ngoài. Phần đông đến từ Mỹ, Australia, New Zealand và Anh. Hầu như những người tham gia chạy đua là đàn ông.
Hương Chi
Nguồn: Vnexpress.net