Bình Liêu (Quảng Ninh) đưa du lịch về xã khó khăn

0
165

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thì chỉ riêng giai đoạn 2016-2020, Bình Liêu cần phải đầu tư cho du lịch khoảng 760 tỷ đồng. Hầu hết các tuyến điểm du lịch trong kế hoạch đầu tư của huyện đều nằm ở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), như thác Khe Vằn (xã Húc Động), thác Sông Moóc A, Khe Tiền, đỉnh Cao Ba Lanh (xã Đồng Văn)…

Thác Khe Vằn, xã Húc Động, huyện Bình Liêu là một trong những điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến tham quan

Đầu tháng 7 vừa qua, tuyến đường Nà Ếch – Khe Vằn, xã Húc Động đã hoàn thành giai đoạn 1 với chiều dài gần 3,6km; tổng đầu tư toàn tuyến đường gần 24 tỷ đồng. Hiện tại, khu vực thác Khe Vằn, thôn Khe Vằn là nơi đón được nhiều khách du lịch nhất. Du khách đến đây ngất ngây với cảnh sắc ruộng bậc thang, thác nước, bãi đá trập trùng. Từ xa nhìn Khe Vằn giống như bức tranh nên thơ về thiên nhiên núi rừng.

Anh Trần Văn Chung, một du khách đến từ TP Cẩm Phả cho biết: “Chúng tôi đi thăm đồng đội cũ, được biết huyện Bình Liêu đã đầu tư đường đến được tận chân thác Khe Vằn nên chúng tôi tranh thủ đến đây tham quan. Lần trước tôi tới đây đường khá xấu, đi lại mất thời gian, nay thì chỉ đi một lúc là đến nơi”. Theo những người dân sống ở thôn Khe Vằn thì cứ vào cuối tuần, thác Khe Vằn đón hàng trăm du khách đến đây. Húc Động còn đang thi công đường giao thông khu vực thôn Thông Châu nối với thôn Nà Cam, xã Đại Thành, huyện Tiên Yên. Khi con đường hoàn thành, du khách đến Húc Động từ Tiên Yên sẽ rút ngắn được khoảng 15km so với đường cũ.

Xã Đồng Văn có 2.000ha rừng hồi, khoảng 500ha rừng phòng hộ. Những khu rừng này có chức năng giữ và tạo nguồn nước dồi dào, phục vụ đời sống, tưới tiêu cho các cánh đồng và nuôi 2 dòng thác Sông Moóc (bản Sông Moóc) và thác Khe Tiền (bản Khe Tiền). Huyện đã đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến đường giao thông liên bản Sông Moóc và hệ thống điện lưới quốc gia nhằm tạo điều kiện cho du khách đến đây tham quan, khám phá. Huyện cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, mở các tour, tuyến, cải tiến hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, Bình Liêu còn phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội thảo Du lịch cộng đồng – tiềm năng thế mạnh của xã Đồng Văn, nhằm quảng bá cho Đồng Văn.

Hiện nay đã có Công ty CP Sen Á Đông (TP Hạ Long) lập kế hoạch đầu tư khai thác phát triển cộng đồng tại bản Sông Moóc. Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân làm du lịch như kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư, phối hợp với UBND huyện Bình Liêu và Công ty CP Du thuyền Đông Dương cùng một số đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức 4 lớp đào tạo bồi dưỡng về dân ca, ẩm thực, trò chơi dân gian và nghiệp vụ cho 60 thanh niên xã Đồng Văn. Hiện nay nhiều thanh niên từ lớp học này cũng đang sửa sang nhà cửa đón khách du lịch theo hướng Homestay.

Đồng Tâm cũng là xã đặc biệt khó khăn, từ 2015, huyện giúp xã tổ chức ngày hội hoa sở đầu tiên. Đến nay lễ hội này luôn được xã duy trì hàng năm vào tháng 11. Ngày hội tôn vinh loài cây kinh tế dùng để ép dầu ăn của đồng bào dân tộc miền núi. Đây là loại dầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kháng được nhiều bệnh. Thông qua ngày hội hoa sở cũng là dịp để xã Đồng Tâm và huyện Bình Liêu giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch của mình.

Như vậy, việc đầu tư du lịch vào các xã khó khăn của huyện Bình Liêu, giúp người dân nâng cao hơn ý thức cộng đồng, năng động hơn trong việc tìm việc làm, nhiều người từ chỗ không biết làm gì, nay đã mở các dịch vụ ăn uống, chủ động mở homestay, tự đầu tư chăn nuôi gà đồi, dê… tạo nguồn thực phẩm phục vụ khách du lịch. Do vậy phát triển du lịch cũng là cách để sớm đưa các xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Liêu sớm ra khỏi diện này.

Công Thành

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn