Bình Phước: Căn cứ Tà Thiết – một thời vang danh

0
Bình Phước: Căn cứ Tà Thiết – một thời vang danh

Trong những dịp lễ hội, Tết, các ngày kỷ niệm lịch sử quan trọng, nếu như các bạn muốn thực hiện một chuyến du khảo, du lịch “về nguồn” thì đến với Bình Phước, về Lộc Ninh thăm Căn cứ Tà Thiết là một lựa chọn tuyệt vời.


Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tà Thiết (Căn cứ Tà Thiết), còn được gọi là Căn cứ Bộ Chỉ huy Miền, là một di tích lịch sử đặc biệt tọa lạc tại xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đây là nơi ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn 1973-1975.

Khu căn cứ Tà Thiết nằm giữa rừng nguyên sinh bạt ngàn, cách thị trấn Lộc Ninh khoảng 20km. Có địa thế hiểm trở và kín đáo, cách xa các tuyến giao thông lớn. Vị trí này được lựa chọn vì địa hình hiểm trở, dễ phòng thủ và khó bị phát hiện bởi quân địch.

 Khu Đền thờ tại Khu Di tích 

Căn cứ được xây dựng có kiến trúc hài hòa với thiên nhiên, bảo đảm yếu tố bí mật và an toàn tuyệt đối. Đây là nơi Bộ Chỉ huy Miền gồm nhiều lãnh đạo cao cấp như Đại tướng Trần Văn Trà, Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng, và nhiều cán bộ cấp cao khác đưa ra những quyết sách quan trọng cho chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khu căn cứ Tà Thiết được xây dựng sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973. Lúc bấy giờ, vùng đất này trở thành trung tâm chỉ huy chiến lược của Bộ chỉ huy Miền, nơi tập trung các cơ quan đầu não như Bộ tư lệnh Miền, Cục Chính trị Miền, Cục Hậu cần và Cục Tham mưu. Từ căn cứ Tà Thiết, nhiều quyết định quan trọng đã được đưa ra, đóng vai trò then chốt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dẫn đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.

Đài Tưởng niệm chiến thắng Lộc Ninh. 

Ngày nay, khu căn cứ đã được phục dựng, bảo tồn để giữ nguyên giá trị lịch sử. Đi sâu vào khu di tích, ta sẽ gặp Nhà làm việc của Bộ chỉ huy Miền. Đây là nơi các lãnh đạo họp bàn các chiến lược quân sự quan trọng. Rải rác trong khu rừng thưa của căn cứ Tà Thiết có nhiều hầm trú ẩn, được thiết kế chắc chắn, chống bom pháo… Lần lượt du khách sẽ được tiếp cận khu vực hậu cần với những lán trại tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm cho lực lượng tại căn cứ.

Bếp Hoàng Cầm là sáng tạo nổi tiếng trong kháng chiến, giúp đun nấu an toàn, tránh bị kẻ thù phát hiện bởi khói. Ta sẽ gặp dãy bệnh xá Quân y. Đây là nơi chữa trị cho các cán bộ và chiến sĩ bị thương. Cuối cùng, du khách sẽ tiếp cận một hội trường khá lớn theo quy mô thời ấy. Đây là nơi tổ chức các cuộc họp và sự kiện quan trọng.

Có một điều đặc biệt là các cơ sở, nhà cửa, lán trại của khu căn cứ đều được lợp mái, dùng vách bằng lá “trung quân”. Lá trung quân có một đặc tính rất độc đáo là khó bắt lửa, nên ít có khả năng bị hỏa hoạn, chống chịu được bom, pháo, đạn lửa của kẻ thù. Lá rất bền, có khi đến mười năm mới thay một lần! Ngoài ra, trong và xung quanh căn cứ Tà Thiết còn có rất nhiều rau “tàu bay”, lá giang, lá tai tượng, rau xá xị, xanh tốt quanh năm, cung cấp nguồn rau xanh tự nhiên cho cán bộ, chiến sĩ ta trong suốt những năm tháng ở chiến khu…

Nơi làm việc của Bộ Chỉ huy Miền. 

Căn cứ Tà Thiết là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây cũng là nơi lưu giữ ký ức về sự lãnh đạo tài tình của Bộ Chỉ huy Miền. Với những giá trị đặc biệt đó, khu căn cứ Tà Thiết đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Ngày nay, nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch và giáo dục lịch sử quan trọng, thu hút nhiều thế hệ đến tìm hiểu và tri ân những đóng góp to lớn của cha ông trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Du lịch, du khảo “về nguồn” đến khu căn cứ Tà Thiết, du khách sẽ có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu thấu đáo về quá khứ, lịch sử kháng chiến vẻ vang, hào hùng của thế hệ cha anh qua các hiện vật, tài liệu, và kiến trúc được phục dựng. Hòa mình, đắm chìm vào không gian thiên nhiên hoang sơ của rừng Tà Thiết; tham gia các hoạt động tưởng niệm và tri ân tại di tích sẽ cho bạn nhiều cảm xúc sâu sắc và những ấn tượng khó quên… Căn cứ Tà Thiết không chỉ là một điểm đến văn hóa mà còn là nơi khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho mọi người. 

Bài và ảnh: Đặng Hoàng Thám

Nguồn: Dulichvn.org.vn