Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 16/26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các ngành nghề du lịch đã và đang rà soát chỉnh lý, biên soạn chương trình cho phù hợp với Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) và áp dụng thành quả của Dự án “Kỹ năng Nghề nghiệp Việt Nam” (VSEP). Đồng thời, tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác với các trường đại học, cao đẳng nghề trong và ngoài nước để đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN.
Tiết học tại Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận
Trên 80% lao động có việc làm
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyển sinh, đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực du lịch cho 2.743 người. Cụ thể, cao đẳng là 286 người, trung cấp là 246 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 2.211 người. Trong đó, dạy nghề cho lao động nông thôn có liên quan đến du lịch là 2.106 người. Các ngành nghề đào tạo thu hút nhiều học viên tham gia như: Quản trị khu resort; Kỹ thuật chế biến món ăn; Quản trị kinh doanh nhà hàng khách sạn du lịch; Tiếng Anh; Lễ tân khách sạn; Tiếng Anh chuyên ngành nghiệp vụ lễ tân; Tiếng Anh chuyên ngành phục vụ nhà hàng; Kỹ thuật chế biến món ăn…
Hiện nay một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo theo nhu cầu của các doanh nghiệp du lịch. Số học viên được đào tạo có việc làm đạt trên 80% tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong năm qua, Hiệp hội Du lịch đã phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận thực hiện dự án hợp tác với Trường Cao đẳng Bắc Đại Tây Dương – Canada dựa trên khảo sát các doanh nghiệp du lịch để xây dựng chương trình đào tạo các ngành nghề liên quan đến quản trị kinh doanh nhà hàng, khách sạn và du lịch. Cùng với các doanh nghiệp du lịch hỗ trợ Trường Đại học Phan Thiết đóng góp, xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch và tham gia ngày Hội việc làm; định hướng nghề nghiệp du lịch cho sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận sau khi tốt nghiệp… Tuy nhiên, theo nhận định của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác tuyển sinh đối với các nghề du lịch tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn khó khăn. Nổi rõ nhất là công tác tuyển sinh các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp do tư tưởng còn nặng về bằng cấp, xem nhẹ việc học nghề. Mặt khác, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề du lịch cho người có nhu cầu học nghề đôi lúc chưa được thường xuyên, hình thức chưa đa dạng. Một số địa phương chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người lao động đăng ký tham gia học nghề…
Đào tạo theo tiêu chuẩn ASEAN
Dự kiến năm 2018, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho 11.000 người, trong đó tuyển mới cao đẳng nghề 830 người, trung cấp nghề 900 người, sơ cấp nghề và đào tạo dưới 3 tháng 9.270 người. Dự kiến tuyển mới đào tạo nghề thuộc lĩnh vực du lịch cho 2.500 người, trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn có ngành nghề liên quan đến du lịch là 1.800 người.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn và tổ chức đào tạo nghề cho lao động đang làm việc tại các khu du lịch nhưng chưa qua đào tạo. Cùng với đó, hoàn thiện chương trình, giáo trình giảng dạy phù hợp với điều kiện thực tiễn của các doanh nghiệp du lịch, tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS). Đồng thời, tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác với các trường đại học, cao đẳng nghề trong và ngoài nước để đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN. Song song, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập theo mô hình xã hội hóa hoặc tổ chức đào tạo nghề tại doanh nghiệp du lịch để trực tiếp đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Tăng cường liên kết, hợp tác các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch trong nước có đội ngũ giáo viên lành nghề, có kinh nghiệm trong công tác quản lý nguồn nhân lực du lịch như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng…
THU HÀ
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn