Bồ Đào Nha, Pháp và những ông lớn chơi bóng thế nào tại Euro 2020?

0
52

Các đội đã đấu trận vòng bảng Euro 2020 đầu tiên của họ. Có thể lướt một vòng để xem lối chơi của từng đội bóng ông lớn thế nào.

Bình luận

Euro 2020 anh 1

Mỗi giải bóng đá quốc tế tầm thế giới và châu lục đều mang những nét đặc trưng của nước chủ nhà tổ chức giải. Những dải băng rợp các sân bóng Argentina, làn sóng người Mexico, kèn vuvuzela Nam Phi chẳng hạn.

Khác biệt của Euro 2020

Euro 2020 tổ chức tại 11 quốc gia khắp châu Âu, để nhấn mạnh tính thống nhất của châu lục này. Nhưng có lẽ vì “thống nhất” nên nó không có đặc trưng, cá tính, tâm hồn cho lắm, hoặc tâm hồn bị phân thành nhiều mảnh. Thêm nữa, vì dịch Covid-19 và do tổ chức ở nhiều nơi nên thiếu các loại màu sắc cổ động viên hội tụ lại như tổ chức ở một nước.

Giải đấu thiếu cá tính quốc gia, bóng đá trên sân cũng như vậy. Ngày trước, có phân loại rõ ràng, nhìn là biết ngay, nói là biết ngay, đâu là kiểu bóng đá Anh, bóng đá Đức, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha.

Ngày nay, mọi thứ không như vậy nữa. Nếu không nói đội Italy đá trận khai mạc, sẽ có người xem bảo đó không phải đội Italy, vì đội này phải đá phòng thủ catenaccio chứ sao lại đan bóng kiểu tiki-taka thế kia.

Cách đây 1 thập kỷ, sự khác biệt về phong cách vẫn còn khá rõ rệt. Tại World Cup 2010 và Euro 2012, hai đội châu Âu mạnh nhất rõ ràng là Đức và Tây Ban Nha.

Euro 2020 anh 2

Tuyển Pháp vừa có trận ra quân tại Euro, thắng Đức 1-0. Ảnh: Reuters.

Đức thì tập trung vào việc chuyển đổi trạng thái từ phòng thủ sang tấn công nhanh. Tây Ban Nha kiểm soát trận đấu thông qua việc cầm bóng thật lâu. World Cup 2010, Tây Ban Nha dự giải với 20 cầu thủ đá ở Liga và 3 cầu thủ đá thuê ở Anh, còn Đức chọn tất cả cầu thủ từ Bundesliga.

Dần dần, lối chơi của họ thay đổi. Tây Ban Nha thì bỏ dần tiki-taka sau khi Xavi Hernandez và Xabi Alonso giã từ.

Đức nhận ra rằng lối chơi của mình có sự hạn chế. Rồi các cầu thủ Tây Ban Nha như Thiago Alcatara, Javi Martinez, Xabi Alonso theo Pep Guardiola đến Bayern Munich chơi bóng. Ngược lại, Sami Khedira, Mesut Ozil, Toni Kroos gia nhập Real Madrid.

Thế là hai phong cách bóng đá này rút dần sự khác biệt, một vài cầu thủ có thể đổi đội tuyển mà không gặp trục trặc khi chơi bóng. Khán giả có lẽ cũng không nhận ra nếu họ làm điều đó.

Đến Euro 2020, Tây Ban Nha gọi 10 cầu thủ chơi ở Liga và 10 cầu thủ đá tại Premier League vào đội hình. Lần đầu tiên trong lịch sử không có cầu thủ nào của Real Madrid vốn là linh hồn của bóng đá xứ sở này.

Đức có các cầu thủ đá thuê ở Anh, Italy, Pháp, Tây Ban Nha. Đến bây giờ có thể thấy rằng Đức đan bóng còn mượt mà hơn Tây Ban Nha. Ngược lại, Tây Ban Nha lại chơi có vẻ nhanh theo kiểu Anh.

Hà Lan còn đâu “bóng đá tổng lực” với các chuyên gia chạy cánh giỏi. Họ giờ đá kiểu phòng thủ khu vực chặt chẽ, rồi nhồi bóng lên phía trên cho Memphis Depay, cầu thủ tấn công tốt nhất của họ bây giờ. Đáng nói, có những thời điểm trong quá khứ, Hà Lan sở hữu nhiều cầu thủ tấn công có trình độ cỡ Depay trở lên.

Khi trước, Italy thiếu cầu thủ chạy cánh tốt, họ chăm chú tập trung đào tạo những mẫu số 10 như Francesco Totti, những số 9 rưỡi như Alessandro Del Piero hay kiểu trung phong săn trộm trong vòng cấm Filippo Inzaghi.

Giờ không thấy ai tương tự như Totti, Del Piero, ngược lại có nhiều cầu thủ chạy cánh Domenico Berardi, Lorenzo Insigne, Federico Chiesa, Federico Bernardeschi. Chỉ có 7 trong tổng số 26 thành viên đội đá cho Juventus, Milan và Inter, tức là không chịu ảnh hưởng gì của 3 ông lớn nhất bóng đá Italy.

Nhiều đội bóng thay đổi

Bồ Đào Nha trước có nhiều cầu thủ chạy cánh và tiền vệ kiến tạo tài ba nhưng luôn kêu thiếu chân sút đẳng cấp. Nay họ lại không có cầu thủ chạy cánh nào đáng chú ý.

Cristiano Ronaldo đã chuyển vào đá trung phong từ lâu, Andre Silva là số 9 đích thực, Joao Felix, Bernardo Silva, Diogo Jota toàn bó vào giữa sân đảm nhiệm các vai trò khác nhau, Bruno Fernandes khi đá số 8 khi đóng vai số 10. Nên cách tấn công của họ giờ chỉ là con đường trung lộ.

Euro 2020 anh 3

Ronaldo vừa tỏa sáng trong chiến thắng 3-0 của Bồ Đào Nha trước Hungary. Ảnh: Reuters.

Đội tuyển Anh kỳ này có nhiều tài năng tấn công trẻ nhưng sau trận ra quân, người được giới truyền thông nhắc đến nhiều nhất lại là tiền vệ phòng thủ Calvin Phillips. Họ so sánh đội Anh với CLB Leeds của Phillips và HLV Marcelo Bielsa, rằng đội Anh đã vây ráp các cầu thủ Croatia quá hay, 3-4 cầu thủ presssing đối thủ ngay khi mất bóng.

Họ gợi ý rằng đội Anh nên tiếp tục sử dụng 2 tiền vệ mỏ neo ở giữa sân là Phillips và Declan Rice. Chơi khắc khổ, chặt chẽ, khoa học như kiểu bóng đá lục địa hồi thập niên 1990 liệu sẽ đưa đoàn quân của HLV Gareth Southgate đi xa hơn các giải khác?

Danh tính lối chơi của đội Pháp khó định nghĩa nhất, lúc họ hào hoa, khi lại thực dụng, như sự đa sắc tộc trong đội bóng của họ, khó gọi thành một cái tên cụ thể. Nhưng rõ ràng HLV Didier Deschamps vẫn tiếp tục trung thành với lối chơi mà thế hệ 1998 khi ông là thủ quân áp dụng.

Đó là hàng tiền vệ bó chặt, hai cầu thủ tấn công chạy xung quanh một “trung phong mồi”. Ngày trước trung phong này là Stephane Guivarc’h, bây giờ là Olivier Giroud. Họ không được yêu cầu phải ghi bàn. Tại World Cup 1998, Guivarc’h không ghi bàn nào. 20 năm sau, Giroud cũng vậy. Đội Pháp vẫn đăng quang ngôi vua bóng đá thế giới.

Mấy lần đội Pháp đá chệch công thức này ra thì lại thảm bại, như Euro 2008 hay World Cup 2010, họ bị loại ngay ở vòng bảng, chỉ kiếm được 1 điểm sau 3 trận. Thế nên ông Deschamps chẳng dại gì đi thay đổi công thức chiến thắng.

“Lần này, Karim Benzema thay Giroud nhưng công thức vẫn thế. Benzema đa năng hơn Giroud, biết làm tường, lùi về sân nhà tham gia kiến tạo, tổ chức tấn công, ghi bàn, nhưng nhiệm vụ chính của Benzema vẫn như ông Deschamps giao cho Giroud khi trước”, nhà cầm quân người Pháp nói.

Ngày trước, lối chơi khác biệt và được định hình rõ rệt vì giao lưu bóng đá cũng như giao lưu văn hóa không nhiều. Bây giờ đi lại tự do, đi lại nhiều, truyền hình, công nghệ, Internet phủ sóng mọi chỗ, khó mà hình dung được một chú bé người Anh lớn lên chỉ với giấc mơ duy nhất là trở thành Wayne Rooney, chứ không phải là mơ trở thành Lionel Messi.

Hay chẳng có lý do gì mà một HLV trẻ người Hà Lan cứ phải bám lấy phương pháp của Johan Cruyff, Ronald Koeman, chứ không phải của Jurgen Klopp hay Thomas Tuchel. Bóng đá hiện đại như thế. Và Euro 2020 cũng khác những giải trước.

Video Pháp – Đức: Trung vệ đá phản lưới Sau đường chuyền của Lucas Hernandez, Mats Hummels đá phản lưới tuyển Đức trong trận ra quân gặp Pháp ở bảng F Euro 2020.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn