Bố đơn thân ở TP.HCM sáng nấu cơm cho bác sĩ, chiều hỗ trợ người nghèo

0
40

Gần một tháng nay, anh Tình cùng nhóm từ thiện nấu hàng nghìn suất cơm mỗi ngày cho các y, bác sĩ, khu phong tỏa. Buổi tối, anh lái xe đi phát quà cho người nghèo.

Từ 5h mỗi sáng, anh Phạm Hữu Tình (sinh năm 1984) lại tất bật cùng các thành viên CLB Suối Mát Từ Tâm vo gạo, thổi cơm, gọt, rửa rau củ quả để chuẩn bị nấu các suất ăn miễn phí cho lực lượng chống dịch, người cách ly trong khu phong tỏa.

Chia sẻ với Zing, anh Tình cho hay gian bếp hoạt động hơn nửa tháng nay với sự tham gia của gần 50 người. Ban đầu, nhóm dự định nấu 1.000 suất cơm/ngày. Tuy nhiên, số lượng đăng ký ngày càng nhiều thêm, dao động 2.000-3.000 suất, thậm chí lên tới 3.800 suất/ngày.

Nhìn người đàn ông luôn tay xào, nấu trong căn bếp đỏ lửa không khác gì đầu bếp chuyên nghiệp, ít ai nghĩ anh là chủ chuỗi thời trang ở TP.HCM.

Bo don than nau com mien phi o TP.HCM anh 1

Anh Tình phụ trách nấu nướng trong gian bếp 0 đồng.

Sáng nấu cơm, tối đi phát quà

Theo anh Tình, hàng ngày, gian bếp của CLB Suối Mát Từ Tâm được thông báo số suất ăn cần chuẩn bị cho hôm sau để 2 thành viên mua nguyên vật liệu. Sau các khâu sơ chế, từ 6h sáng, anh cùng 3 người phụ trách nấu nướng bắt tay vào việc. Tới khoảng 9h30, đồ ăn sẵn sàng để đóng vào hộp kèm trái cây, nước uống, cà phê.

Anh Tình cho biết nơi tiếp nhận các suất ăn là đội truy vết và nhập dữ liệu F0, F1 ĐH Y Dược TP.HCM; bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM; Ủy ban Mặt trận các quận 6, 8, Tân Bình, Bình Thạnh; Thành Đoàn; các khu cách ly công nhân nghèo ở quận 7, 12, Bình Thạnh; khu cách ly điều trị F0 quận 7, 10; đội phun khử khuẩn thành phố… Để đảm bảo an toàn, người của các đơn vị này tự chạy xe đến lấy đồ.

“Mọi người trong bếp làm việc theo dây chuyền, khá chuyên nghiệp. Ai cũng đeo găng tay để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ 12h trưa, chúng tôi lại chuẩn bị nấu cho buổi tối”, anh nói.

Kinh phí cho hoạt động trên hầu hết đến từ sự đóng góp của mạnh thường quân, hội diễn viên trẻ TP.HCM, nghệ sĩ, hoa hậu.

Kết thúc công việc ở gian bếp, khoảng 19h, anh Tình lại dùng xe cá nhân rong ruổi đi khắp ngõ, hẻm để phát quà gồm gạo, rau củ quả đến tận tay người gặp khó khăn. Thỉnh thoảng, anh phải đi nhờ xe của các chiến sĩ công an phường.

“Tôi gặp nhiều trường hợp là người tàn tật, mẹ đơn thân, bán vé số. Một số mới vào Sài Gòn còn khó khăn, không biết chỉ đường qua điện thoại nên tôi không thể tiếp cận để giúp đỡ. Mỗi lần như vậy tôi khá buồn. Vì số người cần hỗ trợ nhiều, có hôm 22h tôi mới về đến nhà”, anh Tình kể.

Trước khi tham gia nấu cơm và đi phát quà, anh từng làm tình nguyện viên xét nghiệm Covid-19 hay hỗ trợ siêu thị.

Bo don than nau com mien phi o TP.HCM anh 4

Anh Tình đi phát quà cho người khó khăn ở TP.HCM.

Làm từ thiện hơn 10 năm nay

Đi sớm về khuya mỗi ngày, anh Tình nói gia đình hoàn toàn ủng hộ vì đã quen với việc anh làm thiện nguyện hơn 10 năm nay.

Cuối năm 2010, với nền tảng là giám đốc marketing cho một công ty và có mối quan hệ rộng, anh bắt đầu đứng ra kêu gọi quyên góp cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM được 50 triệu đồng. Anh cảm thấy rất vui khi trao tận tay mỗi hoàn cảnh khó khăn 200.000 đồng.

Năm 2011, anh Tình sáng lập CLB Nghĩa Tình Đất Việt hướng đến hỗ trợ các vùng sâu vùng xa, trẻ em và người già neo đơn. Đến nay, CLB có hơn 100 thành viên rải rác khắp tỉnh thành trên cả nước.

Bo don than nau com mien phi o TP.HCM anh 5

Ông bố đơn thân tham gia nhiều hoạt động tình nguyện trong dịch.

Dịch Covid-19 bùng phát khiến công việc kinh doanh của anh Tình lao đao hơn 1 năm qua. Anh quyết định đóng góp sức mình cho các hoạt động tình nguyện để sớm đẩy lùi dịch. Chị gái anh được truyền lửa, cũng tích cực làm từ thiện trong mùa dịch.

Hiểu rằng những việc đang làm có thể khiến bản thân trở thành F0, anh Tình chủ động phòng tránh như dùng kính chắn giọt bắn, khẩu trang, nước sát khuẩn và giữ khoảng cách với người khác.

Hơn 3 tháng nay, anh Tình phải xa con vì 2 bé về ở với mẹ tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để tránh dịch.

“Tôi là bố đơn thân. Mỗi tối đi làm về, tôi hơi buồn vì nhớ các con mà chỉ có thể gọi video để hỏi han. Giờ con ở với mẹ, được chăm sóc chu đáo nên tôi cũng yên tâm”, anh chia sẻ.

Người đàn ông 37 tuổi nói thêm: “Tôi cảm thấy những việc mình đang làm rất bình thường. Hàng ngày làm điều tử tế, tối về tôi luôn có giấc ngủ ngon. Thiện nguyện là công việc tôi tâm huyết từ nhiều năm nay, nên hết dịch tôi vẫn sẽ làm. Trước mắt, tôi sẽ cố gắng đến khi nào không thể đi được nữa”.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn