Lo lắng con cái gặp khó khăn trong việc mua thực phẩm khi dịch tái bùng phát, nhiều gia đình ở quê nhanh chóng gửi đồ ăn ra TP.HCM tiếp tế.
Việt Nam đang đối mặt làn sóng dịch thứ 4 diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tại một số tỉnh thành phía Nam. Đặc biệt, TP.HCM hiện là ổ dịch lớn nhất cả nước, ghi nhận 8.385 ca mắc mới từ ngày 27/4 đến sáng 8/7.
Trước tình hình này, việc mua sắm nhu yếu phẩm hàng ngày cũng trở nên khó khăn hơn đối với nhiều người. Chia sẻ với Zing, 4 bạn trẻ sinh sống, làm việc tại TP.HCM bày tỏ sự xúc động, an tâm khi nhanh chóng được gia đình “tiếp tế” thực phẩm tươi, đảm bảo nhu cầu ăn uống trong những ngày này.
Yến Nhi (kinh doanh online)
Chỉ một ngày sau khi chợ Bình Điền phải tạm đóng cửa để thực hiện công tác phòng, chống dịch, mẹ chồng ở Đà Lạt đã nhanh chóng đóng gói, gửi khoảng 50 kg rau củ cho hai vợ chồng tôi và con gái nhỏ.
Yến Nhi nhận hàng chục kg rau củ của mẹ chồng gửi từ Đà Lạt trước ngày thành phố thực hiện giãn cách. |
Trong đó, một phần là rau mẹ tự trồng, một phần mua ở gần nhà. Tất cả là đồ đảm bảo sạch, không phun thuốc, mẹ yên tâm mới gửi cho con cháu.
Dỡ đồ ra khỏi thùng, tôi cứ ngỡ phòng khách gia đình thành sạp hàng rau mini. Dứa, su su, đu đủ, khoai tây, sả, chanh, súp lơ, cà chua, dưa chuột… hàng chục loại tươi ngon.
Những ngày này, do nhiều chợ đóng cửa vì dịch, giá cả một số mặt hàng thực phẩm cũng tăng cao do sức mua lớn.
Bản thân tôi bán phô mai và pate online, lượng khách nhiều hơn hẳn, làm tôi ngỡ như thời điểm sát Tết.
Những ngày tới có thể sẽ rất khó khăn, nhưng mọi người cùng chịu khó một chút, chấp hành tốt các quy định phòng chống dịch, tôi tin tình hình sẽ sớm được kiểm soát.
Nguyễn Thưỡng (nhân viên văn phòng)
Bố mẹ tôi sống ở Sóc Trăng, mỗi lần tình hình dịch ở TP.HCM phức tạp, hai người lại sốt sắng, lo cho con gái. Đợt dịch này, bố mẹ gửi đồ ăn cho tôi một phần vì giá cả ở thành phố tăng, song chủ yếu không muốn tôi phải đi chợ nhiều, tránh tiếp xúc với người khác.
Không muốn con gái phải ra ngoài mua thực phẩm trong dịch, bố mẹ Thưỡng gửi cho cô từ thịt, rau củ đến các loại gia vị. |
Gần chục kg thịt, cá, rồi đủ loại rau xanh nhà trồng, đến cả hành lá, sả, chanh mẹ cũng chuẩn bị chu đáo cho con gái. Với số đồ này, chắc tôi và bạn cùng phòng phải ăn 3 tuần mới hết.
Vừa khui đồ mẹ gửi, tôi vừa cảm động vì thời gian này nhận được sự quan tâm, lo lắng của gia đình, vừa như được tiếp thêm động lực giữa thời điểm khó khăn này.
Bùi Phương Nam (kinh doanh)
Là tiểu thương bán quần áo ở chợ Tân Bình, gần 2 tháng nay, việc kinh doanh gặp khó khăn rồi phải tạm dừng do dịch bệnh, cuộc sống của tôi gặp khá nhiều khó khăn. Lần đầu tiên, tôi thấy chợ “nghỉ hè” như vậy.
Thương con gái, bố mẹ tôi ở Thanh Hóa có lúc tự gửi qua xe khách, có lúc nhờ người dì sống tại Hóc Môn tiếp tế thức ăn. Đây là lần thứ 3, 4 tôi nhận được những thùng carton ú ụ “yêu thương” của gia đình.
Các loại thịt, cá đều được bố mẹ Nam làm sạch sẵn. |
Từ thịt gà, cá đến cà pháo, cà chua, mỗi thứ đều được làm sạch sẵn, tôi chỉ cần chia nhỏ rồi chế biến. Thời gian này, ngày 3 bữa đều ăn ở nhà, có lẽ chỗ thức ăn sẽ đủ cho tôi và 3 thành viên nữa thoải mái trong hơn một tuần.
Cũng vì dịch bệnh, gần 2 năm nay tôi chưa thể về thăm bố mẹ. Đợi khi tình hình trở lại bình thường, tôi nhất định sẽ về quê.
Nguyễn Ngân (nhân viên văn phòng)
Làm việc tại nhà hơn 1 tháng nay, tôi hầu như chỉ ăn đồ tự nấu ở nhà nên thường xuyên phải đi mua thực phẩm. Vừa nghe con gái than thở, bố mẹ nhanh chóng gửi 8 kg thịt, rồi bí xanh, bí đỏ, cà rốt, cà tím từ Bình Thuận ra cho 3 dì cháu tôi.
Ngân an tâm khi được gia đình tiếp tế nhiều thức ăn. |
Không chỉ vậy, đến cả đồ khô như mắm, muối, dầu ăn, rồi khẩu trang, bơ, chôm chôm, bánh kẹo cũng được hai vị phụ huynh cũng xếp gọn trong chuyến hàng. Sợ tôi thiếu thốn, hai người còn bảo: “Muốn gì cứ nhắn, bố mẹ sẽ nhanh chóng gửi thêm, yên tâm nha”.
Nhìn chiếc tủ lạnh đầy ắp, tôi bật cười trấn an bố mẹ. Những ngày giãn cách tới, chắc chắn tôi sẽ an tâm ở yên trong nhà chống dịch.
Nguồn: News.zing.vn