‘Bỏ phố về quê, ngoài quyết tâm thì phải có tiền’

0
42

Theo nhiều người rời bỏ thành phố về rừng lập nghiệp, để gặt hái thành quả không chỉ cần ý chí, nghị lực và sự hy sinh lớn lao mà kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng.

Sau 15 năm lăn lộn kinh doanh ở TP.HCM, chị Hoàng Việt Anh (34 tuổi) thừa nhận với Zing một năm qua là khoảng thời gian sóng gió nhất của bản thân khi tiền bạc đội nón ra đi.

Tháng 5/2020, khi phải nghỉ vì dịch, chị Việt Anh cùng gia đình 10 người rời TP.HCM lên Đà Lạt, thuê 1 ha đất đồi trọc để cải tạo thành khu phức hợp trang trại – quán cà phê – khu cắm trại.

Theo chị, đạt được thành quả ngày hôm nay là cả năm trời khó khăn.

“Tôi thấy nhiều bạn trẻ hoặc gia đình trẻ bây giờ thích bỏ phố về rừng. Nhưng để làm được điều đó cần ý chí, nghị lực khủng khiếp cùng sự hy sinh và từ bỏ nhiều thứ quan trọng. Với trải nghiệm của bản thân, tôi nghĩ kinh tế chiếm tới 60% để thành công, 40% còn lại là nghị lực và may mắn”, chị nói.

Có thể trắng tay bất cứ khi nào

Ở thời điểm đầu, vợ chồng chị Việt Anh nhận thấy kinh tế phải thật sự vững mới dám quyết định đưa cả nhà lên Đà Lạt. Để sắp xếp nơi ăn, chỗ ở tạm gọi là ổn cho gia đình 10 người, họ mất 8 tháng cùng loạt chi phí bỏ ra không thua kém lúc còn ở TP.HCM.

“Nguồn tài chính phải dồi dào để có thể phát triển và không bỏ cuộc giữa chừng. Đặc biệt là khi làm mô hình nông trại thuần tự nhiên như gia đình tôi, việc mất trắng có thể xảy đến bất cứ lúc nào”, chị lý giải.

Ở Đà Lạt, ngoài tiền thuê đất, thuê nhà, mướn nhân công, gia đình chị Việt Anh còn đầu tư vào cây cối, phân bón cùng các hạng mục phục vụ nhu cầu giải trí của khách. Đó là chưa kể khi thiên tai, bão lũ, mưa đá… có thể làm hư hại gần như toàn bộ tài sản, phải làm lại từ đầu.

“Vài hôm trước áp thấp, nổi gió to, tôi nằm trằn trọc cả đêm. Sáng ra nhìn vườn bắp organic gần 1.000 gốc bị quật gãy mà xót xa. May là chuẩn bị thu hoạch nên vẫn dùng được phân nửa. Đó là chuyện rất bình thường vì từng có khoảng thời gian, gia đình tôi vừa trồng cây, vừa dựng nhà mà mất trắng, hư hại rồi làm lại khoảng 4-5 lần”, chị kể.

“Hơn một năm nay, vợ chồng tôi đã đầu tư 5 tỷ đồng ở mảnh đất thuê này. Đó là chưa tính chi phí sinh hoạt cho cả gia đình 10 nhân khẩu. Hiện tại, ngoài việc tiếp tục cải tạo, chúng tôi còn nhiều hạng mục đang triển khai. Bởi vậy, chi phí sẽ còn tăng lên cho đến khi mô hình đạt 90% như cả hai mong muốn”, chị nói.

Ngoài ra, chị Việt Anh nói vợ chồng chị phải đánh đổi sức khỏe vì làm nông vất vả gấp nhiều lần khi kinh doanh chuỗi cửa hàng thời trang ở TP.HCM.

Nếu ngày trước, gia đình chị thường xuyên đi ăn nhà hàng, du lịch ở resort hạng sang, nhà, xe cao cấp đều có đủ, thì giờ bỏ phố về núi, cuộc sống của họ thay đổi 180 độ, sang trang khác hoàn toàn.

“Tôi phải từ bỏ thói quen shopping, xem phim cuối tuần, tụ tập vui chơi cùng bạn bè, không còn hưởng tiện nghi hiện đại ở thành phố. Thậm chí, tôi cũng đánh đổi cả sắc đẹp vì dãi nắng dầm mưa, chân lấm tay bùn. Nếu không vì có niềm đam mê, sự kiên trì và chấp nhận đánh đổi, tôi không thể theo đuổi đến ngày hôm nay”, chị nói.

Bo pho ve que anh 5

Chị Việt Anh khẳng định nếu không có tài chính và tìm kiếm các mối quan hệ, sự hiểu biết ở vùng đất mới để hạn chế rủi ro khi khởi nghiệp, gia đình chị không thể hái được quả ngọt sau một năm bỏ phố về rừng.

Chị Việt Anh kể một người bạn của chị từng bỏ phố về rừng nhưng không chịu được sự cô đơn, mệt mỏi và thiếu hụt nguồn tiền sau 2 năm. Bởi vậy, người này vừa sang bán cơ ngơi kinh doanh và trở về Sài Gòn.

Lời khuyên của chị Việt Anh cho mọi người là cuộc sống ở đâu cũng không thể đẹp như mơ nếu bản thân thiếu ý chí và lòng kiên trì.

“Sau 1 năm trải nghiệm, tôi thấy rằng ở phố hay rừng, ai cũng tìm kiếm những gì bản thân thiếu và mong muốn như sự an yên, tình cảm gia đình, giảm bớt áp lực, nghỉ ngơi. Nên ở đâu cũng vậy, quan trọng là làm gì để mình đạt được điều mà bản thân cần”.

Chị nói thêm: “Không nên nhìn vào màu hồng của thành quả mà tưởng nhầm bỏ phố về quê là điều dễ dàng, có thể mất đi thời gian quý báu của cuộc đời các bạn”.

Cần kế hoạch an toàn

Dương Anh (36 tuổi), rời TP.HCM lên Đà Lạt 4 năm trước để cải tạo nhà cũ thành homestay, quán cà phê, cho rằng tiền bạc có vai trò nhất định trong mọi kế hoạch lập nghiệp hoặc thay đổi môi trường sống.

Tuy nhiên, với anh, đó không phải là yếu tố quyết định.

“Ở tỉnh lẻ hay thành phố đều cần tiền để duy trì cuộc sống hay khởi nghiệp. Khi quyết định thay đổi công việc, chỗ ở, ai cũng cần có khoản dự phòng trước cho thời gian đầu chưa kiếm ra thu nhập”, anh nhận định.

Bo pho ve que anh 6

Năm 2017, Dương Anh bỏ việc, bán nhà ở TP.HCM lên Đà Lạt lập nghiệp một mình.

Theo Dương Anh, những câu chuyện truyền cảm hứng hoặc chuyến đi nghỉ dưỡng ngắn ngày có thể tạo nên mơ mộng, ảo tưởng cho nhiều người về cuộc sống bỏ phố về quê an nhàn, thảnh thơi. Nhưng thực tế luôn khắc nghiệt hơn nhiều.

Anh cho rằng không ai có thể ổn định cuộc sống mà không phải làm việc cật lực hay thậm chí thất bại cay đắng. Mọi người có thể vui vẻ với cuộc sống “nuôi cá và trồng thêm rau” vài ngày, vài tuần, nhưng nếu làm việc đó để nuôi sống bản thân lâu dài lại là câu chuyện rất khác.

Bởi vậy, việc cân nhắc kỹ và tỉnh táo khi quyết định là cần thiết, không nên để cơn say mê khiến bản thân vội vàng chạy theo những điều chưa thực sự hiểu rõ.

Dương Anh bắt đầu lên Đà Lạt làm homestay với số vốn ban đầu khoảng 200 triệu đồng. Sau khoảng 6 tháng, chưa thu hồi vốn nhưng nhận thấy tính khả thi của mô hình, anh vay mượn thêm tiền để làm căn thứ 2.

Với 2 căn homestay nhỏ, Dương Anh thu lợi nhuận 20-40 triệu đồng/tháng tùy mùa. Mức lợi nhuận này đủ để anh sống thoải mái, trả nợ và đầu tư thêm 1-2 căn mỗi năm.

Homestay vừa ở, vừa kinh doanh, nhu cầu chi tiêu cơ bản của Dương Anh chỉ khoảng 3-5 triệu đồng/tháng nên anh gần như ổn định cuộc sống ngay lập tức.

“Nghe thì có vẻ suôn sẻ nhưng tôi cũng phải làm việc cật lực, dựa trên thế mạnh chuyên môn là thiết kế nội thất và quản trị khách sạn đã học, cộng thêm mối quan hệ từ lúc còn làm việc ở Sài Gòn và kinh nghiệm tích lũy khi đi du lịch rất nhiều nơi trước đây”, anh cho hay.

Từ trải nghiệm của bản thân, Dương Anh cho rằng kinh tế chiếm khoảng 30% sự thành công khi bỏ phố về quê.

“Tôi biết rất nhiều trường hợp bỏ thành phố lên Đà Lạt, dùng tất cả số tiền tiết kiệm được hoặc vay mượn để bắt đầu dự án nào đó. Có người đặt mục tiêu lập nghiệp, số khác chỉ muốn tránh né sự ồn ào, bon chen của đô thị lớn. Tuy nhiên không phải ai cũng đạt được mục tiêu, thậm chí mất trắng hoặc kế hoạch không suôn sẻ như mong đợi”, anh nói.

Bo pho ve que anh 9

Từ số vốn 200 triệu đồng ban đầu, Dương Anh hiện kinh doanh 5 homestay kết hợp quán cà phê ở Đà Lạt.

Dương Anh cũng không khuyến khích việc bỏ phố về quê khi còn quá trẻ. Theo anh, thành phố lớn vẫn có những lợi thế cho việc học tập, phát triển chuyên môn hay trải nghiệm các hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật.

“Tôi hiện định cư ở Đà Lạt nhưng vẫn thường xuyên về Sài Gòn hoặc đi các thành phố lớn khác để quan sát, trải nghiệm và giữ kết nối với cuộc sống hiện đại. Tôi không muốn sau vài năm về quê, vào rừng, mình trở thành quá lạc hậu với đời sống chung của xã hội”, anh nói.

Theo Dương Anh, ở quê, tỉnh lẻ hay rừng núi, một điều quan trọng nữa là các bạn nên sẵn sàng tinh thần trải nghiệm, khám phá cái mới và suy nghĩ tích cực. Hãy hiểu rằng tất cả những gì mình sẽ gặp dù thuận lợi hay khó khăn đều có giá trị và đáng trân trọng.

“Ở thành phố thì mơ núi, mơ sông, về rừng thì đêm nằm mơ phố thì sẽ khó mà tận hưởng được trọn vẹn cuộc sống”, anh nhắn nhủ.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn