Chuyện gì xảy ra nếu một tờ giấy thi bỏ nhà ra đi và cuốn vở bài tập nổi cơn thịnh nộ?
Hai cuốn sách tranh Ngày tờ giấy thi quyết bỏ nhà ra đi và Ngày cuốn vở bài tập nổi cơn thịnh nộ mang đến góc nhìn mới mẻ, gần gũi về áp lực học, thi của học sinh tiểu học.
“Không! Không! Mình không thích thi đâu!”. Tưởng rằng chuyện không thích thi cử là của học trò nhưng nếu câu nói đầy lo lắng ấy là của một tờ giấy thi thì chuyện gì sẽ xảy ra? Cuốn sách mở đầu với bối cảnh một tờ giấy thi vì quá lo sợ đã “bỏ nhà ra đi” ngay đêm trước kỳ thi.
Hai cuốn sách tranh lấy chủ đề chuyện học, thi của học sinh tiểu học. Ảnh: Đ.T. |
Một làn gió nhẹ nhàng đưa tờ giấy thi đi khắp chốn và bất ngờ va vào một cô bé cũng sợ thi cử giống mình. Đôi bạn tình cờ gặp nhau nhưng đã chia sẻ được tất cả những nguyên nhân nỗi sợ của mình. Có những nỗi niềm rất trẻ con, ngộ nghĩnh nhưng không phải lúc nào cô bé cũng dũng cảm để nói ra.
Cuối cùng, nhờ có sự động viên của tờ giấy thi về bí quyết của “nụ cười” mà cô học trò đã cảm thấy ổn hơn nhiều. Cả hai đều vui vẻ trở về nhà để chuẩn bị sức khỏe cho kỳ thi ngày mai.
Có lẽ trong suốt những năm tháng đi học của mình, sẽ có không dưới một lần các em học sinh mang một nỗi lo lắng cho kỳ thi đến mất ngủ, đặc biệt trong những kỳ thi quan trọng và chưa có sự chuẩn bị tâm lý vững vàng.
Thực tế cũng sẽ không có tờ giấy thi nào bất ngờ xuất hiện để nghe tâm sự của các em như trong truyện. Vì thế, người bạn đủ bình tĩnh, quan tâm, yêu thương và lắng nghe chia sẻ nhỏ to của các em, hơn ai hết là bố mẹ.
Kỳ thi nào cũng sẽ đến và sẽ qua như đã định, những cảm xúc – tự tin hay sợ hãi, thoải mái hay căng thẳng… sẽ là chất xúc tác quan trọng làm nên kết quả của bài thi.
Phần tranh minh họa sinh động giúp cuốn sách gần gũi với trẻ em. Ảnh: Đ.T. |
“Hôm nay sẽ không có bài về nhà!”. Đó là câu nói khiến học trò vui nhất sau giờ học ở trường. Đó cũng là kết quả “cuộc nổi dậy” của “nhân vật” vở bài tập trong vai trò của một “nhà văn” kiêm nạn nhân khốn khổ. Lời trần tình vừa thương vừa tội, vừa hài hước của vở bài tập đã nói hộ nỗi lòng của cậu bé tiểu học.
Thật khó để một cậu bé đang tuổi nghịch ngợm có thể giữ gìn vở bài tập sạch sẽ tinh tươm. Và việc ngồi học ngoan ngoãn, chăm chú, liên tục để làm xong hết mọi bài tập trong một tiếng buổi tối gần như là điều không tưởng.
Thế nhưng, bố mẹ lại thường không chấp nhận điều đó. Liệu rằng việc cáu giận, giục giã con làm bài; việc theo sau kèm cặp, nhắc nhở con từ buổi tối này sang buổi tối khác có phải là thượng sách?
Trước khi bàn tới sự cần thiết của hoàn thành bài tập thì những áp lực tâm lý đặt lên một học sinh tiểu học lại là điều phải suy nghĩ.
“Một đàn cừu con giận dữ” cũng chính là những áp lực mà con không được bày tỏ, mỗi ngày cất giữ trong lòng sẽ càng nhiều thêm, niềm vui học hành cũng từ đó mà vơi dần.
Với cách dẫn truyện hồn nhiên, chân thật, cuốn sách tranh Ngày cuốn vở bài tập nổi cơn thịnh nộ là cầu nối giúp bố mẹ thấu hiểu và đồng hành cùng con trong những năm tháng đầu tiên của tuổi học trò.
Nguồn: News.zing.vn