“Bỏ túi” 6 điểm vui chơi trung thu hấp dẫn nhất ở Hà Nội

0
“Bỏ túi” 6 điểm vui chơi trung thu hấp dẫn nhất ở Hà Nội

(Dân trí) – Trung thu là Tết Đoàn viên, là dịp để các thành viên quây quần, sum họp hoặc cùng nhau dạo chơi trên những con phố lung linh sắc màu. Hãy bàn bạc cùng gia đình và chọn cho mình địa điểm vui chơi thích hợp nhất để có một mùa Trung thu trọn vẹn.

Phố Hàng Mã

Nhắc đến Trung thu, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến phố Hàng Mã. Trên con phố này, không khí Trung thu đến từ rất sớm với sắc màu lung linh của những chiếc đèn lồng, những vật trang trí và vô vàn món đồ chơi từ truyền thống đến hiện đại.

Phố Hàng Mã đã nhộn nhịp từ trước Trung thu. (Ảnh minh họa)

Phố Hàng Mã đã nhộn nhịp từ trước Trung thu. (Ảnh minh họa)

Trẻ con đến phố Hàng Mã với tâm trạng háo hức, ánh mắt rạng ngời. Người lớn thì nán lại ở vài gian hàng khi bỗng tìm thấy kỷ niệm ấu thơ ở chiếc mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao hay chiếc lồng đèn bọc giấy bóng kính xanh đỏ…

Có người đến phố Hàng Mã để dạo chơi, cũng có người ghé vội qua sắm vài món đồ cho con trẻ hay chỉ ngó vào một chút để cảm nhận không khí háo hức ngày Trung thu. Đặc biệt, con phố này cũng trở thành điểm chụp ảnh của không ít gia đình, nhóm bạn.

Hồ Gươm

Ngày thường, Hồ Gươm mang dáng vẻ trầm lặng với sự trang nghiêm, cổ kính. Nhưng vào dịp lễ, Tết, nơi đây thu hút du khách bởi sự lung linh, náo nhiệt cùng nhiều hoạt động vui chơi hấp dẫn.

Hồ Gươm được nhiều gia đình lựa chọn là điểm đến cho dịp Trung thu.(Ảnh minh họa)

Hồ Gươm được nhiều gia đình lựa chọn là điểm đến cho dịp Trung thu.(Ảnh minh họa)

Nếu muốn đi chơi Trung thu sớm, bạn có thể cùng gia đình đến Hồ Gươm vào cuối tuần, hòa mình cùng dòng người của phố đi bộ. Tại đây, bạn có thể chìm đắm trong không gian âm nhạc đa dạng, xem múa lân hay thưởng thức những món ăn vặt đã gắn bó với người dân Thủ đô từ nhiều năm qua. Hơn nữa, các bé có thể được tham gia vào các trò chơi dân gian hay những hoạt động bổ ích như: ô ăn quan, nặn tò he…

Sân vận động Mỹ Đình

Hội thả đèn trời mới chỉ xuất hiện mấy năm gần đây nhưng đã thu hút rất nhiều người tham gia. Với không gian rộng mênh mông, cách xa khu dân cư, bạn có thể thoải mái thả và ngắm nhìn những chiếc đèn trời sáng rực.

Thả đèn trời ở sân vận động Mỹ Đình dịp Tết Trung thu. (Ảnh: Internet)

Thả đèn trời ở sân vận động Mỹ Đình dịp Tết Trung thu. (Ảnh: Internet)

Bạn có thể tự tay làm đèn trời hoặc mua một chiếc giá 20.000 – 25.000 đồng. Mỗi chiếc đèn được thả lên trời sẽ mang theo một mấu giấy nhỏ ghi điều ước. Theo quan niệm, đèn bay càng cao, càng xa thì ước mơ của bạn càng dễ thành hiện thực.

Đối với những người không thích chen chúc trong phố xá ồn ào thì đây là gợi ý khá thú vị. Những chiếc đèn đủ màu sắc, hình dạng thắp sáng lung linh cả bầu trời cao, hòa cùng tiếng trống múa lân vui nhộn sẽ là một kỷ niệm không thể quên đối với các bé trong mùa trung thu.

Bảo tàng Dân tộc học

Vào dịp Trung thu, bảo tàng Dân tộc học tổ chức rất nhiều hoạt động hấp dẫn và thú vị. Trong 2 ngày 30/9 và 01/10/2017 (ngày 11&12/8 âm lịch), Bảo tàng sẽ tổ chức chương trình Trung thu mang tên “Sắc màu văn hóa Đồng Tháp”. Du khách có cơ hội thưởng thức hương vị ẩm thực cùng các sản vật của vùng đất “sen hồng” như: gỏi ngó sen, chả giò sen, cơm trộn sen, cơm vắt huyết rồng…

Các bé có thể tự tay trang trí mặt nạ giấy bồi của riêng mình.

Các bé có thể tự tay trang trí mặt nạ giấy bồi của riêng mình.

Đến đây, các em nhỏ có thể tham gia vào nhiều trò chơi dân gian như: thả đèn kéo quân, nặn hoa quả bằng đất hay bày mâm ngũ quả. Đây là điểm đến thích hợp cho các gia đình muốn cho con trẻ hiểu thêm về ngày Tết Trung thu truyền thống.

Hoàng Thành Thăng Long

Năm nay, chương trình Trung thu ở Hoàng thành Thăng Long sẽ kéo dài từ 28/9 – 4/10 với nhiều hoạt động ý nghĩa. Đặc biệt, đêm bế mạc sẽ có Đêm rằm phá cỗ kéo dài từ 19h đến 21h30 để các em nhỏ vừa vui chơi, vừa trông trăng tại sân Đoan Môn.

Trung thu truyền thống sẽ được tái hiện một cách chân thực nhất. (Ảnh minh họa)

Trung thu truyền thống sẽ được tái hiện một cách chân thực nhất. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh các hoạt động làm tò he, đèn con thỏ, làm bánh Trung thu, xem rối nước…, các bé sẽ được tham quan không gian trưng bày những hình ảnh và tư liệu quý về Trung thu, gặp các nghệ nhân để lắng nghe các câu chuyện về Trung thu xưa và nay.

Đây không chỉ là cơ hội để cho các em thiếu nhi trải nghiệm một mùa Trung thu với những hoạt động bổ ích, lý thú mà còn là dịp để tất cả mọi người hồi ức về những mùa Trung thu đã qua của riêng mình.

Đường tranh 3D

Dù mới xuất hiện vài ngày nhưng sức hút của con đường Trung thu 3D lạ mắt ở ngõ 136 Hồ Tùng Mậu khiến bao người đặt chân tới đây để chụp ảnh check – in. Bức tường dài khoảng 300m đã biến thành 40 bức tranh lớn được vẽ nối tiếp nhau.

Bức tranh 3D đã được chứng nhận là dài nhất Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Bức tranh 3D đã được chứng nhận là dài nhất Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Với chiều dài khoảng 300m, cao 3m và rộng khoảng 1.000m2, bức tranh này vừa được Hội kỷ lục gia Việt Nam trao chứng nhận là bức tranh 3D dài nhất Việt Nam. Bức tranh trung thu tái hiện lại hình ảnh Tết Trung thu cổ truyền của dân tộc, cảnh sắc non nước Việt Nam hay tranh Đông Hồ truyền thống.

Các hình ảnh quen thuộc của ngày tết thiếu nhi cổ truyền như múa lân, rước đèn ông sao, phá cỗ trông trăng… hiện lên tươi mới, khiến nhiều người nhớ về kí ức tuổi thơ. Góc Trung Thu cổ còn được tô điểm thêm bởi những chiếc đèn lồng treo dọc đường đi.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp

Nguồn: DANTRI.COM.VN