Sau 2 năm bỏ phố về rừng, Nam có khoản tích lũy nhỏ nhờ làm hướng dẫn viên du lịch kiêm nhiếp ảnh gia. Anh cũng mở homestay và quán cà phê ở Đà Lạt.
Tháng 7/2019, Trương Hoài Nam (sinh năm 1990, TP.HCM) gặp khó khăn trong công việc. Vì quá stress, anh gác lại mọi chuyện để đi du lịch rồi dự định về làm tiếp.
Ở Đà Lạt, không khí trong lành và lối sống chậm khiến Nam thoải mái tinh thần. Chợt thấy chán nản khi phải quay lại Sài Gòn ồn ào và hối hả, chàng trai muốn ở lại thành phố sương mù lập nghiệp.
Chỉ trong vòng vài ngày, Nam trở về nhà, xin nghỉ việc, thu dọn quần áo rồi chạy xe máy lên Đà Lạt với 1 triệu đồng trong túi.
Vốn tính tự lập từ nhỏ, anh không bị gia đình phản ứng gay gắt với quyết định chóng vánh này.
Nam quyết định rời TP.HCM lên Đà Lạt chỉ trong vòng vài ngày. |
Vất vả và cô đơn
Thời gian đầu lên Đà Lạt, Nam ở trọ chung với vài người em và đăng ký chạy xe công nghệ để kiếm tiền trang trải.
“Khi đó, mình thu nhập vài trăm nghìn đồng mỗi ngày. Vì không tiêu xài gì nhiều, chi phí cũng vừa đủ sống”, anh kể với Zing.
Ở Sài Gòn tấp nập đã quen, Nam cảm thấy buồn khi cuộc sống chậm lại. Nhất là anh lên Đà Lạt đúng mùa mưa, trời rả rích từ sáng đến tối.
Chưa có nhiều bạn bè, Nam không tránh khỏi cảm giác cô đơn. Khó khăn thêm chồng chất khi chi phí ăn uống ở Đà Lạt cũng khá cao.
“Vì đã quyết định rồi, mình phải cố gắng vượt qua”, chàng trai tự nhủ.
Nam tự học nhiếp ảnh để kiếm thêm thu nhập. |
Chạy xe công nghệ khoảng 2-3 tháng, Nam dần quen đường sá Đà Lạt và thấy du lịch ở đây rất tiềm năng. Nhận ra mảng hướng dẫn viên du lịch ít người làm, anh dần chuyển hướng.
“Những vị khách đầu tiên cũng là nhờ chạy xe mà kiếm được. Mình chở họ đi tham quan các điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt. Sẵn có chút đam mê với nhiếp ảnh, mình chụp hình cho mọi người rồi dần mua được máy ảnh chuyên nghiệp. Thấy đúng với đam mê, mình chuyển sang tập trung cho công việc hướng dẫn viên và nhiếp ảnh luôn”, Nam kể.
Từng học ngành Công nghệ thông tin, nên khi theo đuổi hai công việc không hề liên quan chuyên môn, Nam phải tự tìm tòi, học hỏi để hoàn thiện kỹ năng.
Sau khoảng 6-7 tháng vừa làm, vừa tiếp thu ý kiến của khách hàng, Nam tự tin với lựa chọn của mình, thu nhập cũng ngày càng khá hơn.
Thế nhưng, để cuộc sống và công việc đi vào ổn định, anh cũng phải đánh đổi khá nhiều.
“Hồi đó, mình cày dữ lắm, ngày được ngủ 3-4 tiếng. Sáng 3h dậy chuẩn bị đi làm, tối về phải chỉnh hình ảnh cho khách đến khuya mới ngủ. Lịch trình cứ xoay vòng như vậy nên khá vất vả”, Nam nhớ lại.
Nhiều thời điểm, thấy cuộc sống cô đơn và khó khăn, Nam từng có ý định bỏ tất cả về Sài Gòn. Nhưng cuối cùng, anh chọn cách làm mình khuây khỏa như đi ngắm hoàng hôn, lên đồi thông săn mây, leo đỉnh Hòn Bồ ngắm view thung lũng đèn của thành phố hoặc cứ thế chạy xe vòng vòng ngoài đường cho qua đi những suy nghĩ tiêu cực.
Mỗi khi buồn, Nam đi tìm cảnh đẹp ở Đà Lạt để ngắm cho khuây khỏa. |
Khó khăn vì dịch
Lên Đà Lạt khoảng nửa năm thì dịch Covid-19 ập tới, Nam nói anh may mắn khi cuộc sống không đảo lộn nhiều. Sau hơn 2 năm làm việc, chàng trai gom góp được chút vốn để mở homestay và quán cà phê.
“Cả hai nơi mình đều thuê rồi tự thiết kế và sửa chữa để tiết kiệm chi phí. Chúng giống như 2 đứa con tinh thần nên mình muốn chăm sóc từ điều nhỏ nhặt nhất”, Nam nói.
Vốn yêu thiên nhiên, Nam trồng nhiều cây xanh, hoa xung quanh hai nơi này để vừa mang lại cảm giác bình yên, vừa có view cho khách đến “chill”, chụp ảnh.
Homestay ở trong thành phố, Nam ở lại để trông và tiết kiệm chi phí. Còn quán cà phê nằm trên mảnh đất rộng ở ngoại ô, được anh đầu tư tâm huyết trồng vườn hướng dương bạt ngàn xung quanh.
Vườn hướng dương gần quán cà phê của Nam thu hút nhiều bạn trẻ tới check-in. |
Hiện tại, dịch bệnh kéo dài làm ảnh hưởng khá nhiều đến dự định và mục tiêu của Nam. Anh phải tạm nghỉ gần 2 tháng nay vì vắng khách.
“Trước đây đi làm, mình cũng có để dành được chút ít nên giờ ăn uống tiết kiệm để sống trong mùa dịch. Hàng ngày, mình xuống quán cà phê cuốc đất trồng rau, kiếm thêm thức ăn. Mong dịch sớm qua để công việc trở lại bình thường”, anh chia sẻ.
Sau 2 năm bỏ phố về rừng, Nam cảm thấy mình như trở thành người khác. Chàng trai tìm được điều mình yêu thích, sống đúng với đam mê của bản thân và quen với không khí, con người ở Đà Lạt.
“Giờ đi đâu vài ngày là mình thấy nóng chịu không nổi. Ban đầu, quyết định lên Đà Lạt lập nghiệp của mình có hơi vội vàng nhưng giờ mình thấy lựa chọn đó hoàn toàn đúng đắn”.
Trong dịch, Nam dành nhiều thời gian trồng cây, chăm hoa vì công việc bị ảnh hưởng. |
Theo Nam, xu hướng bỏ phố về quê ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Tuy nhiên, anh cho rằng để thành công không hề dễ dàng khi phải thay đổi 2 môi trường sống hoàn toàn khác nhau.
“Đà Lạt mộng mơ với khách du lịch vậy thôi chứ nếu sống thì hơi bị buồn. 21h là hàng quán đóng cửa hết. Cho nên thời gian đầu, việc thích nghi hơi khó khăn. Mình phải định hướng được sẽ làm gì thì cơ hội thành công mới cao. Chưa nói đến chuyện bỏ phố về quê thì phải làm việc ngoài nắng cực khổ, cần quyết tâm lắm mới được”, Nam lý giải.
Hiện tại, Nam thấy cuộc sống của mình không còn cô đơn, lạc lõng vì có thêm nhiều bạn bè. Thời gian rảnh rỗi, anh hẹn bạn bè đi chơi, cắm trại hoặc đơn giản ghé quán cà phê nào đó ngồi đọc sách một mình.
“Cuộc sống chỉ thoải mái khi bạn biết bằng lòng với tất cả những gì đang có và tin vào những lựa chọn của bản thân”, Nam nhắn nhủ.
Nguồn: News.zing.vn