Bộ Y tế cho phép tiêm trộn vaccine Pfizer và Moderna

0
42

Nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết lãnh đạo cơ quan này đã đồng ý việc người đã tiêm mũi một
bằng vaccine Moderna có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer.

Kết quả này được đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế ngày 8/9.

Theo Bộ Y tế, để thực hiện Chiến lược vắc xin phòng Covid-19, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận nhiều loại vaccine được sản xuất theo các công nghệ khác nhau như công nghệ vector (do Astra Zeneca sản xuất hoặc Sputnik V), công nghệ mRNA (do Pfizer, Moderna sản xuất), công nghệ bất hoạt (do Sinopharm sản xuất). Đồng thời, hiện nay, các nhà sản xuất cũng đang nghiên cứu phát triển một số loại vắc xin bằng những công nghệ khác nhau.

Thời gian vừa qua, do tình hình khan hiếm vắc xin nói chung nên nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp 2 loại vaccine cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất, căn cứ theo loại vaccine có tại từng thời điểm, như tiêm vaccine vector virus với vaccine mRNA, hoặc tiêm 2 loại vaccine mRNA của các nhà sản xuất khác nhau..

Xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vaccine nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch, ngày 8/9, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo: Trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vaccine Covid-19 mũi một đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi 2 như sau: Nếu tiêm mũi một vaccine do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất. Hoặc nếu tiêm mũi một bằng vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer sản xuất và ngược lại.

Bo Y te cho phep tiem tron vaccine anh 1

Bộ Y tế cho phép tiêm trộn vaccine Pfizer và Moderna. Ảnh: Việt Linh.

Trong tháng 7, Việt Nam tiếp nhận 5 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ tài trợ thông qua cơ chế COVAX. Trong các quyết định phân bổ vaccine Moderna, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch đảm bảo mỗi đối tượng tiêm chủng được tiêm đủ 2 mũi vaccine này. Tuy nhiên, một số địa phương, cơ sở tiêm chủng đã hết vaccine Moderna cho mũi 2.

Trước khi quyết định cho phép tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer cho người đã tiêm mũi một là vaccine Moderna, Bộ Y tế chỉ cho phép tiêm mũi 2 vaccine Pfizer cho người đã tiêm mũi một là vaccine AstraZeneca trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế và người tiêm đồng ý “tiêm trộn”.

Tính đến ngày 9/9, Bộ Y tế đã phân bổ 33,1 triệu liều vaccine Covid-19 về các địa phương, đơn vị. Hơn 24 triệu liều vaccine đã được tiêm, hơn 3,6 triệu người tiêm đủ 2 mũi.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết trong tháng 9 và cuối năm, lượng vaccine Covid-19 sẽ về nhiều hơn với hàng chục triệu liều mỗi tháng tháng. Các loại vaccine sẽ về nhiều gồm: Pfizer, Sinopharm, AstraZeneca.

Đến nay, Việt Nam đã cấp phép 6 loại vaccine Covid-19 trong điều kiện khẩn cấp, gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna, Janssen và Sinopharm. Trừ vaccine Janssen hiện chưa về Việt Nam, 5 loại vaccine còn lại đang được triển khai tiêm chủng với khuyến cáo mỗi người cần tiêm đủ 2 mũi.

Khoảng cách lý tưởng giữa 2 mũi tiêm của các loại vaccine là khác nhau. Cụ thể, vaccine AstraZeneca, mũi một cách mũi 2 từ 8 đến 12 tuần. Vaccine Sputnik V, vaccine Pfizer khoảng cách là 3 tuần. Với vaccine Sinopharm, mũi một cách mũi 2 từ 3-4 tuần, còn 2 mũi vaccine Moderna cách nhau 28 ngày.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong tình trạng thiếu vaccine trên toàn cầu như hiện nay, việc tiêm chậm hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực bảo vệ của mũi 2. Người dân không cần tiêm lại từ đầu các mũi vaccine. Hiện, chưa có thời gian tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 so với mũi một.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn