Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã cấp phép cho 97 loại xét nghiệm nCoV khác nhau, do đó đảm bảo sự cạnh tranh trên thị trường.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/10, Zing đã đặt câu hỏi tới Bộ Y tế về việc hạ giá xét nghiệm nCoV cho doanh nghiệp và người dân. Đây là vấn đề được nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Hàng loạt doanh nghiệp đã bày tỏ lo ngại về chi phí xét nghiệm Covid-19, đặc biệt là giá xét nghiệm nhanh. Nhiều địa phương đã cho phép doanh nghiệp tự test nCoV cho người lao động, nhưng bản thân doanh nghiệp lại không thể mua được hàng với giá rẻ, thị trường chỉ một số ít bên bán với giá khá cao.
“Xin hỏi Bộ Y tế có biện pháp nào để giảm chi phí xét nghiệm cho người dân và doanh nghiệp? Có nên đưa mặt hàng này vào bình ổn giá, cho phép nhiều thành phần kinh tế có thể nhập về và phân phối được không?”, câu hỏi nêu.
Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/10. Ảnh: Nguyên Phúc. |
Bộ Y tế yêu cầu cập nhật giá công khai hàng tuần
Trả lời câu hỏi của Zing, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đã có hướng dẫn để các đơn vị đẩy nhanh tiến độ mua kit xét nghiệm cho người dân và người lao động. Bộ cũng đã có hướng dẫn cụ thể, đối tượng nào được ưu tiên, có văn bản hướng dẫn gộp mẫu để tiết kiệm chi phí.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế yêu cầu đơn vị cung ứng đảm bảo tính công khai minh bạch. Bộ đã cấp phép lưu hành cho 97 loại test Covid-19, trong đó 35 loại bằng phương pháp PCR, 39 loại xét nghiệm kháng nguyên nhanh để đảm bảo cạnh tranh, phục vụ doanh nghiệp và địa phương.
Bộ Y tế yêu cầu cập nhật giá công khai hàng tuần, tạo điều kiện cho đơn vị đăng ký và cạnh tranh lành mạnh. Bộ Y tế cũng cho biết đã ban hành các văn bản đề nghị xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về chi phí xét nghiệm cho người lao động trong thời gian qua. Ảnh: Duy Hiệu. |
“Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo sở y tế và thanh tra kiểm tra mua sắm, trang thiết bị, cơ sở dịch vụ xét nghiệm. Bộ Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra đang đi kiểm tra các tỉnh để xem xét chấn chỉnh hành vi nâng giá”, ông Tuyên nói.
Trao đổi thêm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết giá test kit xét nghiệm ở các thời điểm khác nhau và phải phụ thuộc các yếu tố chất lượng (độ nhạy, độ đặc hiệu), tình hình diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu mua sắm test xét nghiệm trong nước và quốc tế…
Ông chia sẻ rằng nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp phản ánh hoạt động mua bán kit test vẫn diễn ra bình thường. Hiện tại, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp mua kit test tài trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Tăng trưởng quý IV có thể tăng trên 7%?
Trả lời câu hỏi về kịch bản tăng trưởng GDP cả năm 2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Bộ đã trình Chính phủ 2 kịch bản, dựa trên kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm và triển vọng 3 tháng cuối năm.
Theo kịch bản một, tăng trưởng cả năm đạt 3%, muốn vậy thì tăng trưởng quý IV phải đạt 7,06% trở lên. Với kịch bản hai, tăng trưởng cả năm đạt 3,5%, muốn vậy thì tăng trưởng quý IV phải đạt 8,84% trở lên.
“Tăng trưởng quý từ 7% trở lên trong quá khứ chúng ta đã từng đạt được. Tuy nhiên, tăng trưởng quý IV còn phụ thuộc vào đề án thích ứng an toàn Covid-19”, ông Phương chia sẻ.
Bộ KHĐT dự báo tăng trưởng GDP năm nay đạt 3-3.5%. Ảnh: PVP. |
Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT, để đạt tăng trưởng cao, doanh nghiệp phải được hoạt động, không bị “đóng băng”. Lao động cũng được dịch chuyển. Do đó, Chính phủ có quy định y tế để lao động được dịch chuyển một cách an toàn.
Thứ ba, hàng hóa thì phải được lưu thông ở cả đầu vào và đầu ra, như vậy mới hỗ trợ được cho tăng trưởng. “Các khu vực phục hồi lại đạt được 80% công suất so với trước đây cũng là thành công lớn trong phục hồi kinh tế”, ông Phương nói.
Trong tháng 10 sẽ thí điểm Mobile Money
Trả lời về thời gian thí điểm Mobile Money, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết hiện đã có Viettel, VNPT và Mobifone đăng ký. Ba đơn vị đăng ký đã gửi hồ sơ và NHNN cũng đã hỗ trợ để hoàn thiện theo đúng pháp luật.
Hiện, hồ sơ đang được lấy ý kiến thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an. “Để đảm bảo chặt chẽ thì 3 Bộ đã trao đổi nhiều và cơ bản thống nhất. Dự kiến tháng 10 sẽ thống nhất sẽ có quyết định cấp phép”, ông Tú chia sẻ.
Phó thống đốc cũng nhấn mạnh việc cấp phép được làm cẩn trọng, đúng pháp luật, bảo đảm bảo an toàn, tránh lợi dụng và vi phạm tiêu cực.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: Phúc Nguyên. |
Trả lời về việc giải ngân các gói hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 đến ngày 1/10 đã giải ngân được 15.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, có khoảng 16,3 triệu người lao động sẽ được hưởng hỗ trợ theo nghị quyết 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với khoảng 51.000 tỷ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Chính phủ đã giải ngân được 461,1 tỷ đồng cho người lao động và sử dụng lao động vay với lãi suất ưu đãi. Hiện tại, hơn 2 triệu hộ đã nhận được gạo hỗ trợ.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn