BODH GAYA, nơi muộn phiền bỏ lại

0
161

Đôi khi chỉ một chuyến đi, bạn sẽ có những chuyển biến rất kinh ngạc về tâm trí và ý thức. Đặc biệt, khi vùng đất ấy mang đầy năng lượng của sự chuyển đổi – đất thiêng Bồ Đề Đạo Tràng

Đối với Phật giáo, Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) là “cái rốn của vũ trụ”. Đây là thánh tích có cây bồ đề vi diệu mà Đức Phật đã ngồi thiền nhập định 49 ngày đêm và thành đạo.

BODH GAYA, nơi muộn phiền bỏ lại - 1

Lối vào Tháp Đại Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng

Bình yên dưới tán bồ đề

Từ khách sạn Maya nơi tôi ở đến Bồ Đề Đạo Tràng (bang Bihar – Ấn Độ) khoảng 400 m. Buổi sáng, nắng xiên qua những tán cây, rọi xuống mặt đường những bông hoa nắng.

Chân trần, không điện thoại, chúng tôi bước vào nơi Đức Phật thiền định 49 ngày đêm dưới gốc cây bồ đề bằng những bước rất nhẹ.

Tháp Đại Giác (Mahabodhi Vihar Temple) đứng sừng sững với chiều cao khoảng 52 m, mỗi cạnh vuông là 15 m, được vua A Dục (Asoka) xây dựng vào khoảng 250 năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn nhằm để tưởng niệm nơi thành đạo của Ngài.

Ngôi bảo tháp được bao bọc xung quanh bởi 4 tháp nhỏ, phía trên thờ xá lợi của Đức Phật, phía dưới là chính điện gọi là tháp Mahabodhi. Bên trong tháp có tượng Đức Phật bằng đá mạ vàng cao khoảng 2 m, được tạc vào khoảng năm 380 sau Công nguyên.

Cây bồ đề lịch sử nằm sau lưng tòa tháp. Bao nhiêu thế kỷ đã trôi qua, vòm cây nguy nga, tán trùm rợp ra cả phía ngoài khuôn viên. Suốt chiều dài lịch sử hơn 2.500 năm, cây bồ đề này đã bị hủy hoại nhiều lần nhưng thật kỳ diệu, ở nơi mà nó bị hủy diệt, sức sống mãnh liệt lại đâm lên những chồi non, sống mạnh mẽ đến bây giờ.

BODH GAYA, nơi muộn phiền bỏ lại - 2

Cây bồ đề, nơi Đức Phật đã ngồi thiền nhập định 49 ngày đêm và đắc đạo

BODH GAYA, nơi muộn phiền bỏ lại - 3

Thành tâm cầu nguyện, buông bỏ mọi muộn phiền tại Bồ Đề Đạo Tràng

Thượng toạ Thích Giác Hiệp (hàng thứ 2, áo vàng) đi nhiễu quanh tháp Đại Giác

BODH GAYA, nơi muộn phiền bỏ lại - 6

Các ni sư và Phật tử dưới gốc bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng

Khi làm lễ tại cây bồ đề mà Thái tử Tất Đạt Đa ngồi thiền 49 ngày, nhắm mắt, tôi cảm nhận nguồn năng lượng đặc biệt từ vùng đất linh thiêng ấy. Tôi thấy bên trong mình đổi thay, lòng tôi trải qua các trạng thái từ nhẹ nhõm đến buông bỏ và hoan hỉ. Thỉnh thoảng, dưới gốc cây bồ đề rợp bóng mát ấy, người ta có thể nghe một tiếng rơi rất mỏng. Một chiếc lá bồ đề rời cây đậu xuống bên cạnh bạn, như một thứ nhân duyên không thể lý giải.

Nơi sát vách phía Đông tháp lớn có một tượng đức Quán Thế Âm. Tôi đã gặp nhiều vị sư, cả các phật tử nhắm mắt, chắp tay chí thành đi về hướng tượng Đức Quán Thế Âm được tạc vào thành của ngôi đại tháp… Một đại đức nói với tôi nếu ai nhắm mắt mà vẫn đi được đến đúng trước chính diện của tượng thì ước nguyện của mình sẽ thành hiện thực. Nếu không, tự nhiên có một dẫn lực nào đó dắt ta ra khỏi tôn tượng.

Cuộc sống đôi khi có những việc không thể không tin. Khoảng cách đến bức tượng chỉ khoảng 10 m nhưng không phải ai cũng chạm được vào đó. Có những người đi một lần đã tới đích, có những người thử nhiều lần vẫn bước sang phải hay sang trái, cảm giác như bị ai xô khỏi con đường thẳng của mình. Tôi cũng có một ước nguyện nho nhỏ. Và may mắn thay, đã không có lực nào xô tôi ra ngoài.

BODH GAYA, nơi muộn phiền bỏ lại - 7

Các sư thầy Ấn Độ làm lễ dâng y Đức Phật tại Bồ Đề Đạo Tràng

Ánh trăng trên bảo tháp

Các sư thầy đi cùng đoàn Gotadi của tôi quay lại Bồ Đề Đạo Tràng vào buổi chiều. Thượng tọa Thích Giác Hiệp, Phó Ban Quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dành nhiều giờ cùng các đồng môn ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề thiêng liêng, sau đó ôn về những kỷ niệm cũ ở Bồ Đề Đạo Tràng.

Thượng tọa đã có thời gian dài học ở Ấn Độ. Suốt quãng thời gian ấy, thầy đã nhiều lần vượt đường xa cách trở từ New Delhi đến Bodh Gaya trên những chuyến xe bão táp. Chuyến đi này, chúng tôi may mắn không gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, di chuyển như nhiều đoàn khác. Nhờ hãng hàng không IndiGo mở đường bay thẳng từ Hà Nội đến Kolkata mà chúng tôi đến Bồ Đề Đạo Tràng chỉ mất một ngày chứ không phải là những hành trình dài di chuyển.

Sau khi đến Kolkata, chúng tôi bay tiếp một chặng nội địa đến Varanasi, nơi Đức Phật chuyển Pháp luân, giảng bài pháp đầu tiên: “Tứ diệu đế”. Thời gian di chuyển từ vườn Lộc Uyển, Varanasi đến Bồ Đề Đạo Tràng cũng chỉ kéo dài sau bữa trưa đến tối, thay vì phải trung chuyển ở Thái Lan rồi bay đến Bồ Đề Đạo Tràng.

BODH GAYA, nơi muộn phiền bỏ lại - 8

Một vị sư ngồi thiền tại Bồ Đề Đạo Tràng

BODH GAYA, nơi muộn phiền bỏ lại - 9

Tượng Quán Thế âm Bồ Tát, nơi được cho là nếu ai nhắm mắt nguyện cầu mà vẫn bước đến được chính diện của bức tượng thì mọi ước nguyện sẽ thành hiện thực

Nhờ có sự giới thiệu của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, chúng tôi có cơ hội gặp thầy Manoir, thầy phụ trách đối ngoại tại Bồ Đề Đạo Tràng vào một buổi tối sáng trăng. Bầu trời trong vắt, ánh trăng phủ lên tháp Đại Giác một màu vàng huyền diệu. Cái không khí ấy làm cho người ta thật sự thấy mình hạnh phúc; mọi muộn phiền, mệt mỏi, lo toan bỗng như đã được trút bỏ lúc nào.

Thầy Manoir cũng dành cho chúng tôi một đặc ân. Đó là đích thân các thầy Ấn Độ làm lễ cho đoàn chúng tôi với những nghi thức chỉ dành cho các đoàn khách quý. Sau khi đi nhiễu tháp dưới ánh trăng huyền hoặc, trước khi đảnh lễ chào tạm biệt thầy Manoir và các thầy Ấn Độ, chúng tôi đã nhận được món quà vô giá: Một chiếc áo của Đức Phật sau khi các thầy làm lễ dâng y.

Nguồn: https://nld.com.vn/diem-den-hap-dan/bodh-gaya-noi-muon-phien-bo-lai-20191024212648433.htmNguồn: https://nld.com.vn/diem-den-hap-dan/bodh-gaya-noi-muon-phien-bo-lai-20191024212648433.htm

Nguồn: 24H.COM.VN

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn