Cuộc khủng hoảng nợ 300 tỷ USD của China Evergrande có thể đe dọa đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã giảm tốc trong những tháng qua.
Theo New York Times, thị trường toàn cầu đang theo dõi chặt chẽ diễn biến cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande, tập đoàn bất động sản nợ nần nhiều nhất thế giới. Các nhà đầu tư lo ngại rằng sự sụp đổ có thể gây rúng động hệ thống tài chính Trung Quốc và quốc tế.
Hố nợ 305 tỷ USD của China Evergrande là mối đe dọa với các nhà chức trách Bắc Kinh và triển vọng kinh tế nước này. Nhiều chuyên gia tài chính nhận định tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang giảm tốc. Chính quyền Bắc Kinh có thể phải hành động nhiều hơn để vực dậy nền kinh tế.
Tháng trước, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc yếu hơn nhiều so với dự kiến. Doanh số bán xe lao dốc mạnh nhất. Sản xuất công nghiệp cũng bị đình trệ. Số dự án nhà ở mới giảm mạnh trong mùa hè. Các nhà đầu tư phải gấp rút hoàn thành những dự án mà họ đã khởi công.
Khủng hoảng nợ của Evergrande có thể lan ra nền kinh tế Trung Quốc và các thị trường trên toàn cầu. Ảnh: New York Times. |
Khoản nợ khổng lồ
Ở thời điểm hiện tại, động lực chính của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là khoản chi tiêu công lớn cho các tuyến đường sắt, đường cao tốc mới và những dự án khác. Tuy nhiên, động lực này có thể không còn bền vững trong năm tới.
Nhiều nhà đầu tư cảnh báo China Evergrande là “khoảnh khắc Lehman Brothers” thứ hai. Vụ đổ vỡ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) do khủng hoảng nợ dưới chuẩn đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trong khi đó, một số nhà kinh tế Trung Quốc chỉ ra sự yếu kém trên thị trường bất động sản của Trung Quốc, vốn là trụ cột của nền kinh tế, và các mối đe dọa khác trong dài hạn.
Hôm 22/9, trong một hồ sơ chứng khoán, China Evergrande cho biết đã đạt được thỏa thuận với các nhà đầu tư Trung Quốc về những khoản thanh toán lãi suất trái phiếu đến hạn ngày 23/9.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể vào cuộc và giải cứu China Evergrande. Tuy nhiên, điều đó sẽ đi ngược lại chiến dịch giảm đòn bẩy và hạ nhiệt lĩnh vực bất động sản. Những năm qua, giá nhà đất tại đất nước 1,4 tỷ dân liên tục tăng nóng. Ngày càng nhiều gia đình không còn đủ khả năng mua nhà.
Các nhà chức trách Trung Quốc phải đưa ra lựa chọn, hoặc là giải cứu Evergrande, hoặc là tiếp tục theo đuổi chiến dịch hạ đòn bẩy trên thị trường bất động sản đang quá nóng. Ảnh: New York Times. |
Theo nguồn tin của New York Times, những công ty lớn thường có nhiều tài sản thế chấp. Do đó, các tổ chức cho vay sẽ không bị thiêu rụi hoàn toàn bởi một vụ sụp đổ. Bắc Kinh cũng nắm trong tay những công cụ giúp xóa nợ dần dần và hạn chế gián đoạn đối với hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, nếu China Evergrande sụp đổ, giá các căn hộ có thể lao dốc trên diện rộng. Cùng với đó là những cú sốc tiềm tàng, khó lường khác đối với hệ thống tài chính Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách trấn an công chúng. Sáng 22/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo đã bơm khoảng 18,6 tỷ USD vào thị trường tín dụng.
Trên thực tế, ngay từ trước khủng hoảng nợ của China Evergrande, doanh số bán bất động sản tại Trung Quốc đã chậm lại. Một phần nguyên nhân là nỗ lực hạ nhiệt thị trường của Bắc Kinh. Do đó, China Evergrande và các tập đoàn khác bị tước đi nguồn tiền cần thiết để hoàn thành những dự án đã khởi công.
So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán nhà (tính theo giá trị) tại Trung Quốc giảm lần lượt 7,1% và 18,7% trong tháng 7 và tháng 8.
Nền kinh tế giảm tốc
Các nhà kinh tế cảnh báo về tăng trưởng giảm tốc do tình trạng thiếu hụt cầu trong một số lĩnh vực công nghiệp và sự chững lại của ngành xây dựng. Hôm 21/9, Bank of America hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2022 từ 6,2% xuống 5,3%. Con số thấp hơn đáng kể tốc độ tăng trưởng mà Trung Quốc đã công bố trong những năm gần đây.
Các công ty xây dựng và sản xuất trên thế giới có xu hướng ngừng mua xe tải chở hàng hạng nặng khi lo ngại về những rắc rối xảy đến trong tương lai. Ông Alan Greenspan – cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) – từng coi sức mạnh của ngành sản xuất xe tải chở hàng là một trong những thước đo sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
Tháng này, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc tiết lộ rằng trong tháng 8, sản lượng và doanh số xe tải hạng nặng giảm mạnh gần 50% so với một năm trước đó. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015.
Sụt giảm trong sản lượng và doanh số xe tải hạng nặng không chỉ phản ánh sự thiếu lạc quan vào triển vọng kinh tế. Nó còn cho thấy rằng trong vài năm qua, các chính sách của Trung Quốc đã thổi phồng nhu cầu ngắn hạn và tạo ra tình trạng dư thừa năng suất nghiêm trọng.
Sản lượng và doanh số xe tải được coi là thước đo sức khỏe nền kinh tế. Ảnh: New York Times. |
Bắc Kinh mới áp các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với xe tải chở hàng để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí. Trong khi đó, năm ngoái, những nhà sản xuất trong nước đã mở rộng nhà máy để đẩy mạnh sản xuất, trước khi các quy định khắt khe hơn có hiệu lực.
Năng lực sản xuất xe tải chở hàng của Trung Quốc đã tăng lên 1,6 triệu xe tải/năm. Giờ, các đại lý xe tải trên khắp đất nước đang chật vật với việc bán xe.
Doanh số bán ôtô lao dốc trong tháng 8 cũng làm dấy lên lo ngại về sức mạnh chi tiêu của đất nước 1,4 tỷ dân. Sau xây dựng và chi tiêu công, công nghiệp ôtô là một trong những ngành lớn nhất của kinh tế Trung Quốc.
Tình trạng khan hiếm chip trầm trọng đã ảnh hưởng đến việc sản xuất và bán ôtô ở Trung Quốc. “Thị trường tiêu thụ xe hơi đang đi xuống, một phần do thiếu chip”, ông Cui Dongshu – Tổng thư ký Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc – bình luận.
Với doanh số bán xe lao dốc, nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc có tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, ngay cả khi gã khổng lồ địa ốc China Evergrande trượt tới bờ vực sụp đổ hay không.
Nguồn: News.zing.vn