ACBS cho biết đến cuối năm 2020, BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank là 4 nhà băng đứng đầu về cả thị phần tín dụng và huy động với tỷ lệ xấp xỉ 50% ở cả 2 chỉ tiêu.
Theo báo cáo phân tích ngành ngân hàng do Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) mới công bố, nhóm ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, Agribank, VietinBank và Vietcombank đang nắm lượng lớn thị phần ở cả 2 chỉ tiêu quan trọng nhất trong hoạt động ngân hàng là huy động vốn và cho vay.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2020, nhóm ngân hàng quốc doanh kể trên đang chiếm gần một nửa thị phần tín dụng và huy động toàn ngành.
Trong đó, ngân hàng có thị phần tín dụng lớn nhất hiện nay là BIDV với 13,4%. Theo sau lần lượt là Agribank với 13,1%; VietinBank với 11,2% và Vietcombank với 9,2% thị phần cho vay toàn hệ thống ngân hàng.
Theo tỷ lệ trên, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh đang chiếm tới 46,9% tổng dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng đến cuối năm 2020.
Trong khi đó, ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có thị phần tín dụng tiệm cận nhất với nhóm quốc doanh là Sacombank, với khoảng 4% thị phần. Ngoài ra, SCB và MBBank cũng là 2 ngân hàng có thị phần tín dụng cao trong nhóm ngoài quốc doanh với tỷ lệ lần lượt là 3,8% và 3,6% đến cuối năm 2020.
THỊ PHẦN TÍN DỤNG CÁC NGÂN HÀNG NĂM 2020 | |||||||||
Nguồn: ACBS | |||||||||
Nhãn | BIDV | Agribank | VietinBank | Vietcombank | Sacombank | SCB | MBBank | Khác | |
% | 13.4 | 13.1 | 11.2 | 9.2 | 4 | 3.8 | 3.6 | 41.8 |
Trong khi đó, 41,8% thị phần tín dụng còn lại thuộc về khoảng 93 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Tuy vậy, các chuyên gia tại ACBS cho biết tốc độ mở rộng thị phần tín dụng của nhóm ngân hàng tư nhân lại đang cao hơn các ngân hàng quốc doanh nhờ quy mô nhỏ và tập trung vào các phân khúc bán lẻ như cho vay mua nhà, mua ôtô, cho vay tiêu dùng…
Ngoài ra, tỷ lệ an toàn vốn CAR cao hơn cũng là một yếu tố giúp các ngân hàng tư nhân được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn hàng năm.
Ở chỉ tiêu huy động vốn, nhóm ngân hàng quốc doanh cũng là những đơn vị dẫn đầu với lần lượt 13,7% thị phần thuộc về Agribank; 12,3% của BIDV; 10,3% của Vietcombank và VietinBank nắm 9,9%.
Tương tự ở chỉ tiêu tín dụng, Sacombank; SCB và MBBank cũng là 3 ngân hàng tiệm cận nhất với nhóm quốc doanh ở thị phần huy động vốn với lần lượt 4,3%; 4,7% và 3,1% thị phần.
Agribank là ngân hàng có thị phần huy động tiền gửi người dân và doanh nghiệp lớn nhất hiện nay. Ảnh: Agribank. |
Theo ACBS, dù tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm lại kể từ năm 2018, nhưng nhìn chung vẫn duy trì ở mức khá cao, từ 12-14%/năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa khiến tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam tăng lên 143% vào cuối năm 2020.
Tuy nhiên, con số này chưa đáng lo ngại do nền kinh tế trong nước vẫn đang tăng trưởng tốt và điều này sẽ hỗ trợ khả năng thanh toán trong tương lai.
Tương tự các năm trước, năm nay Ngân hàng Nhà nước vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng thận trọng với 3 kịch bản tương ứng với diễn biến của dịch Covid-19.
Trong đó, tăng trưởng tín dụng dao động ở mức 12-14% với kịch bản tích cực nhất; 10-12% ở kịch bản thường và 7-8% ở kịch bản kém khả quan là dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm.
Trên thực tế, diễn biến thị trường đang ghi nhận theo hướng kịch bản 3 của Ngân hàng Nhà nước vì đến nay dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đã cao hơn nhiều so với kỳ vọng của cơ quan quản lý nhờ lãi suất cho vay ở mức thấp.
Các chuyên gia ACBS kỳ vọng tín dụng vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh và duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm nay, đặc biệt là quý IV. Trong đó, mức tăng trưởng dự báo là 14%, tương đương với mục tiêu cao nhất của Ngân hàng Nhà nước.
Riêng nhóm ngân hàng tư nhân, với hệ số CAR cao hơn các ngân hàng quốc doanh, ACBS cho rằng nhóm này sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mặt bằng chung toàn ngành, có thể đạt 15-20% năm nay.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn