TPBank, Techcombank, MSB và MBBank là 4 nhà băng được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng năm nay trên mức 20%. Trong đó, TPBank là nhà băng có hạn mức cao nhất với 23,4%.
Ghi nhận trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng năm 2021, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán BIDV – BSC cho rằng dịch bệnh lần 4 với quy mô rộng đã làm giảm nhu cầu tín dụng trong nửa sau của năm nay.
Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại những tháng vừa qua có thể giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm nay đạt 13%, cao hơn so với năm 2020 liền trước.
Với mức tăng trưởng này, dự kiến riêng quý IV, toàn ngành ngân hàng sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng 5,1%.
Theo BSC, mục tiêu tín dụng kể trên được hỗ trợ bởi việc Ngân hàng Nhà nước nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng quý IV cho các nhà băng. Trong đó, nhiều ngân hàng thương mại đã được cơ quan quản lý tiền tệ cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong những tháng cuối năm. Điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng thời gian tới trong bối cảnh nhiều nhà băng đã chạm trần tín dụng sau 9 tháng đầu năm.
Trong nhóm ngân hàng thương mại đã được NHNN nới hạn mức tín dụng gần đây, BSC cho biết có 4 nhà băng được giao chỉ tiêu mới trên 20% bao gồm TPBank, Techcombank, MSB và MBBank.
Trong đó, TPBank là cái tên được nới room tín dụng cao nhất, ở mức 23,4% cả năm, tăng 6 điểm % so với chỉ tiêu trước đó.
Ngoài ra, hạn mức tăng trưởng tín dụng mới tại Techcombank, MSB và MBBank lần lượt là 22,1%; 22% và 21%, đều cao hơn 5-7 điểm % so với hạn mức cũ.
Ngoài ra, một loạt ngân hàng khác đã được nới hạn mức tín dụng đợt này như VIB từ dưới 15% lên 19,1%; VPBank từ 12,5% lên 17,1%; Vietcombank, OCB cùng được tăng lên 15%. Ngoài ra, ACB được NHNN nới room tín dụng lên 13,1%; VietinBank lên 12,5% và BIDV lên 12%…
Theo BSC, khách hàng SME và doanh nghiệp lớn là 2 nhóm bị ảnh hưởng mạnh khi dịch bệnh bùng phát đợt 4 vừa qua. Hiện nay, 2 nhóm khách hàng này đóng góp trung bình 75-80% cơ cấu cho vay của toàn ngành ngân hàng.
Riêng quý III năm nay, trong khi tốc độ cho vay cá nhân tiếp tục được đẩy mạnh, cho vay SME và doanh nghiệp lớn đều chậm lại do giãn cách kéo dài và gián đoạn sản xuất.
Với việc các quy định giãn cách được dỡ bỏ và nới lỏng từ quý IV, các chuyên gia phân tích cho rằng nhóm khách hàng này có thể trở lại hoạt động, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong quý cuối năm nay và năm sau.
DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG NĂM 2021-2022 CỦA BSC | |||||||||
Nguồn: BSC | |||||||||
Nhãn | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 ước tính | 2022 ước tính | |
Tăng trưởng tín dụng năm | % | 17.3 | 18.2 | 18.2 | 10.8 | 13.6 | 12.1 | 13 | 13 |
Trong năm 2022, BSC cho rằng nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao xấp xỉ 13% và được hỗ trợ bởi nền kinh tế phục hồi sau dịch bệnh, gói hỗ trợ kinh tế 800.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tiếp theo.
Cũng tại báo cáo này, BSC cho biết các ngân hàng BIDV, Vietcombank, ACB… theo yêu cầu của NHNN đã đi đầu về việc giảm lãi suất hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giúp doanh nghiệp, người dân giảm gánh nặng chi phí lãi vay.
Trong đó, mức giảm lãi suất cho vay từ 1% đến 1,5%/năm được áp dụng cho gần như toàn bộ khoản vay phát sinh từ tháng 7 đến hết năm nay.
Tuy vậy, nhờ lãi suất huy động trung bình của toàn ngành vẫn được giữ ở mức thấp, NIM (thu nhập lãi thuần) trong quý III của các ngân hàng chỉ giảm nhẹ 0,2 điểm % so với quý liền trước, đạt 4%.
BSC cho rằng việc giảm lãi suất sẽ tạm thời giảm kỳ vọng tăng trưởng NIM trong quý IV của ngành ngân hàng, tuy nhiên với mức tăng trưởng tín dụng cao, các ngân hàng sẽ có nền tín dụng cao hơn, hỗ trợ cho tăng trưởng năm 2022.
Nguồn: News.zing.vn