Cá mập ở thủy cung Australia giúp phát hiện sát nhân

0
158

Sau khi được đưa vào khu vui chơi, con cá mập trở nên cáu kỉnh, đâm vào cửa kính và nôn ra bộ phận cơ thể người.

Ngày nay, du khách đến Coogee, Sydney, Australia vẫn còn nhắc đến sự việc nổi tiếng: cá mập nôn ra cánh tay người xảy ra vào 83 năm trước tại thủy cung trong vùng. Đến nay, đây vẫn là một trong những vụ án mạng nổi tiếng nhất tại Australia.

Thời điểm mới khánh thành, thủy cung là một trong những điểm vui chơi giải trí thu hút đông đảo người ghé thăm. Ảnh: Randwick.

Thời điểm mới khánh thành, thủy cung Coogee là một trong những điểm vui chơi thu hút đông người ghé thăm. Ảnh: Dictionary of Sydney.

Vào giữa tháng 4/1935, Bert Hobson, ngư dân địa phương, bắt được con cá mập dài 4,2 m tại vùng biển Coogee, theo Atlasobscura. Bert cùng con trai đã mang con cá tới tặng cho thủy cung.

Thời gian đầu, con cá mập không có dấu hiệu bất thường. Nhưng chỉ vài ngày sau, con vật trở nên cáu kỉnh và có biểu hiện kỳ lạ. Nó liên tục đâm vào các vách bể kính rồi mới lặn xuống đáy bể. Con vật chỉ bơi vòng quanh chậm chạp.

Cuối cùng, cá mập bắt đầu nôn mửa. Những thứ trong miệng nó tuôn ra gồm một con chim, một con chuột, thức ăn đã được tiêu hóa và một cánh tay người có quấn dây xung quanh.

Ngay lập tức, cảnh sát và các chuyên gia được gọi đến để khám nghiệm. Kết quả cho thấy, cánh tay này không phải bị cá mập cắn, không có vết răng mà thay vào đó là bị cắt bởi một vật sắc nhọn, như lưỡi dao.

Sự cố khó tiêu của con vật đã đưa cảnh sát tới manh mối điều tra một vụ án mạng. Cảnh sát cho phép tờ báo địa phương Sydney’s Truth, đăng một đoạn mô tả sự việc cùng hình xăm trên cánh tay với hy vọng ai đó sẽ cung cấp thông tin.

Sydneys Truth đưa tin về vụ án. Ảnh: Dictionary of Sydney.

Sydney’s Truth đưa tin về vụ án. Ảnh: Dictionary of Sydney.

Không lâu sau đó, một người đàn ông đã nhận ra hình xăm này của anh trai mình, võ sĩ quyền Anh nghiệp dư James Smith. Người này mất tích vài tuần trước khi bài báo đăng.

Cảnh sát nhanh chóng vào cuộc để tìm kiếm Smith. Lần cuối cùng nhân vật này được nhìn thấy là tại khách sạn Cronulla, nằm ở ngoại ô Sydney. Khi đó, Smith đang ngồi uống trà và chơi domino cùng người bạn Patrick Brady.

Chủ khách sạn cho biết, sau đêm đó, Brady biến mất và để lại căn phòng thuê trống không. Điều kỳ lạ là toàn bộ giường, đệm đã thay mới. Các bức tường, vật dụng trong phòng cũng được lau chùi sạch sẽ.

Lúc này, Brady là nghi phạm số một của cảnh sát. Một tài xế taxi chở Brady sau ngày nạn nhân Smith mất tích đã cung cấp thêm thông tin. Brady lúc đó trông lúng túng và lo lắng, yêu cầu được chở đến một căn hộ phía bắc Sydney, thuộc sở hữu của Reginald Lloyd Holmes.

Holmes là doanh nhân nhưng cũng là một tay xã hội đen. Hắn thuê Brady và Smith vận chuyển ma túy, thuốc lá lậu. Hai người này cũng được chỉ đạo làm hỏng, đốt hay làm chìm tàu, thuyền để người chủ được hưởng bảo hiểm. Khi một trong những phi vụ này bất thành, Smith đã bị “hỏi tội”.

Sau khi nôn ra cánh tay người, con cá mập đã bị mổ bụng để tìm kiếp nốt vật chứng. Tuy nhiên, theo lời khai từ phía thủy cung, trong bụng con vật không có thêm bất kỳ bộ phận người nào nữa. Ảnh: Atlas Obscura.

Sau khi nôn ra cánh tay người, con cá mập đã bị mổ bụng để tìm kiếm thêm vật chứng. Tuy nhiên, trong bụng con vật không có thêm bất kỳ bộ phận người nào nữa. Ảnh: Atlas Obscura.

Cả Brady và Holmes đều được thẩm vấn, nhưng từ chối hợp tác. Brady bị buộc tội giết người, còn Holmes được thả vì không đủ chứng cứ. Sau đó, Holmes tố cáo Brady đã giết Smith, chặt xác nạn nhân thành nhiều mảnh rồi ném xuống biển.

Nhưng vào đêm trước hôm ra làm chứng, Holmes bị bắn chết trong ôtô. Cái chết này khiến mọi căn cứ buộc tội Brady đều bị hủy. Luật sư của Brady cũng lập luận rằng con cá mập chỉ nuốt vào bụng một cánh tay. Một cánh tay thì không phải là một cơ thể người hoàn chỉnh và một người vẫn có thể sống sót nếu chỉ mất đi bộ phận này. Tòa án đồng ý với phần biện minh đó và tuyên bố Brady trắng án. Tuy nhiên, trước khi được thả tự do trước tòa, Brady tiếp tục bị cảnh sát bắt vì tội lừa đảo. Năm 1965, Brady chết và vẫn không bị khép tội sát nhân.

Thủy cung Coogee nằm ở thành phố Sydney, Australia, được cắt băng khánh thành vào tháng 12/1887, theo Randwick. Khi xây dựng, thủy cung có sức chứa 3.000 người. Trẻ em tới đây có thể tham gia các trò giải trí khác như chơi xích đu, đi ngựa, chèo thuyền, trượt băng…

Từ năm 1920, một phần của thủy cung được cho thuê. Năm 1935, khu giải trí này nổi tiếng khắp Australia sau vụ án mạng cá mập nôn ra cánh tay người.

Năm 1984, mái vòm lớn của thủy cung bị sụp đổ. Ba năm sau, tòa nhà được khôi phục và mở cửa trở lại với chức năng mới: khách sạn Beach Palace. Năm 2014, tòa nhà đã được mua lại và trở thành khu phức hợp gồm nhà hàng và quán bar mang tên Coogee Pavilion.

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn