Các bác sĩ BV Chợ Rẫy chạy sô, vừa khám chữa bệnh, vừa tư vấn online

0
63

Mỗi ngày, bác sĩ tại một chuyên khoa của BV Chợ Rẫy có thể tiếp nhận đến 600 cuộc gọi. Vì số lượng bệnh nhân xin hướng dẫn quá lớn, nhiều bác sĩ vừa ăn cơm, vừa nghe điện thoại.

Ăn dở bữa cơm trưa, bác sĩ Lê Văn Hùng vẫn không rời tay khỏi điện thoại.

Hôm nay là ngày trực của anh tại Khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cũng là ngày anh giữ đường dây nóng, chẩn đoán và hỗ trợ người dân điều trị bệnh không phải Covid-19.

6 ngày qua, kể từ khi hoạt động tư vấn sức khỏe trực tuyến tại Bệnh viện Chợ Rẫy được triển khai, bác sĩ Hùng cũng như rất nhiều bác sĩ tại các chuyên khoa khác nhau đều tất bật như vậy.

Có ngày, một bác sĩ đã tiếp nhận đến 600 cuộc gọi, tương đương 600 trường hợp bệnh nhân cần được giúp đỡ.

Zing đã trò chuyện cùng một số bác sĩ tham gia hoạt động trên tại bệnh viện đa khoa đầu ngành tại TP.HCM để được nghe chia sẻ về quá trình tư vấn đặc biệt này.

PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Đình Khoa – Trưởng Khoa Cơ xương khớp

Trong giai đoạn dịch bệnh, y bác sĩ chúng tôi đều tham gia chống dịch theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Tại Khoa Cơ xương khớp, nhiều bác sĩ đã tăng cường hỗ trợ cho các khoa điều trị Covid-19, một số bác sĩ khác ở lại đảm bảo công tác khám chữa bệnh, xử lý các diễn biến trong khoa.

bac si BV Cho Ray tu van suc khoe truc tuyen anh 1

PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Đình Khoa.

Mỗi ngày, khoa phân công một bác sĩ trực số điện thoại đường dây nóng, tư vấn sức khỏe trực tuyến cho người bệnh.

Bác sĩ phải dành gần như cả ngày bên chiếc điện thoại, còn những đồng nghiệp khác sẽ thay nhau thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong khoa.

Ngay từ những ngày đầu tiên đường dây nóng đi vào vận hành, người bệnh đã gọi đến liên tục.

Chiếc điện thoại gần như không lúc nào trong trạng thái nghỉ, thậm chí vào cả ban đêm.

Tôi được báo cáo rằng mỗi ngày, bác sĩ trực đường dây nóng tiếp nhận 400-600 cuộc gọi, thời lượng dài ngắn khác nhau. 1-2 ngày gần đây, số lượng cuộc gọi đã giảm nhẹ.

Trước đây, các bác sĩ của khoa cũng nhiều lần tư vấn và hỗ trợ điều trị qua điện thoại, tuy nhiên chưa bao giờ tiếp nhận nhiều nhu cầu đến thế. Đó cũng là một thách thức lớn đối với toàn thể khoa.

Biết được các bác sĩ chịu áp lực lớn, tôi cũng như các lãnh đạo khoa đã chủ động phân công nhiệm vụ rõ ràng và động viên từng người.

Chúng tôi cũng có những buổi hướng dẫn cho các bác sĩ về kỹ năng truyền đạt chuyên môn và giải quyết tình huống.

Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể hướng dẫn những điều chung nhất, còn trong thực tế, các bác sĩ phải tùy tình hình để ứng phó, làm sao để phù hợp cả về mặt chuyên môn và tính khả thi trong tình hình dịch bệnh.

Bác sĩ Trần Hữu Đức – Khoa Cơ xương khớp

Trong ngày trực đường dây nóng, tôi không chỉ trả lời cuộc gọi trực tiếp từ bệnh nhân mà còn liên hệ với họ qua mạng xã hội, nhờ họ gửi các thông tin cụ thể hơn như hình ảnh, video các khớp sưng viêm, các loại thuốc đang dùng cũng như các xét nghiệm đã làm trước đó.

bac si BV Cho Ray tu van suc khoe truc tuyen anh 2

Bác sĩ Đức dùng điện thoại cá nhân, liên hệ với người bệnh qua mạng xã hội.

Một số bệnh nhân không gọi mà nhắn tin luôn qua mạng xã hội, nhưng khi tôi trả lời, vài giờ sau họ mới đáp trả.

Phần lớn người bệnh hỏi về các bệnh lý cơ xương khớp mà họ đang mắc phải, đã điều trị lâu dài ở Bệnh viện Chợ Rẫy hoặc một bệnh viện khác, vì giãn cách xã hội không có điều kiện tái khám.

Tôi cũng thường nghe nhiều cuộc gọi xin tư vấn liệu bệnh lý đang gặp có thể tiêm vaccine Covid-19 được hay không.

Quá trình tư vấn trực tuyến có một vài khó khăn, nhất là khi bệnh nhân là người lớn tuổi.

Các bác không rành sử dụng điện thoại, tôi phải yêu cầu nói chuyện với con cái để có thể giải thích rõ hơn về bệnh lý và cách dùng thuốc.

Những ngày qua, tôi nghe điện thoại của rất nhiều người bệnh, cứ vừa dứt máy là chiếc điện thoại lại đổ chuông.

Sau mỗi lần tư vấn, tôi rất vui khi nhận được những lời cảm ơn và lời chúc từ người bệnh. Tôi vui nhất là khi bệnh nhân nhắn tin nói rằng nhờ toa thuốc mà tôi mà họ đã thấy khỏe hơn.

Bác sĩ Lê Văn Hùng – Khoa Nội thận

Bệnh nhân gọi điện cho tôi chủ yếu hỏi rằng “Khám bệnh trễ có được không?”, “Có thể dùng lại toa thuốc cũ?” hoặc “Giờ không có chỗ mua thuốc thì phải làm sao?”.

Tôi nhớ nhất những cuộc gọi từ bệnh nhân trong khu cách ly. Đó là một bệnh nhân nam tiểu buốt, anh đau không ngủ được.

Tôi kê cho anh toa thuốc 5 ngày, đồng thời dặn dò nếu có triệu chứng nặng hơn cần tìm cách đến bệnh viện nhanh nhất có thể.

bac si BV Cho Ray tu van suc khoe truc tuyen anh 3

Bác sĩ Hùng phải vừa ăn cơm, vừa nghe điện thoại từ bệnh nhân.

Một trường hợp khác là bệnh nhân bị Lupus đỏ đang điều trị ổn định. Tôi khuyên chị nên uống thuốc theo toa cũ nhưng chị nói nhà mình đang bị phong toả, không đi đâu được.

Tôi đã gọi đến lực lượng y tế địa phương nơi nhà chị ở, nhờ đồng nghiệp giúp mua thuốc rồi mang cho chị. Bệnh tình của chị không thể ngưng thuốc đột ngột được.

Không chỉ bệnh nhân, người nhà của họ cũng gọi điện đến đường dây nóng rất nhiều. Tôi hiểu trong hoàn cảnh ốm đau, người bệnh rất cần sự trợ giúp.

Do vậy, khi điện thoại reo liên tục, tôi bắt máy không sót cuộc nào. Nhiều bữa cơm, tôi vừa ăn vừa trả lời người bệnh.

Bác sĩ Lê Minh Hoàng – Khoa Điều trị giảm nhẹ

Khoa Điều trị giảm nhẹ có chức năng chăm sóc y khoa, giúp đỡ cho người bệnh giảm bớt các triệu chứng, đau đớn về thể chất và tinh thần khi bị chẩn đoán mắc bệnh y khoa không chữa được.

Tên khoa tôi khá mới mẻ với nhiều người, một số bệnh nhân do chưa hiểu rõ nên đã gọi đến dù không đúng chuyên khoa.

Với chuyên môn của mình, trường hợp nào có thể tư vấn, tôi sẽ lập tức giúp đỡ.

Có những trường hợp bắt buộc phải làm xét nghiệm chẩn đoán, nếu bệnh nhân chưa thể đến bệnh viện được và nếu không phải tình trạng cấp cứu, tôi tư vấn một số loại thuốc thường gặp, có thể mua ở nhà thuốc được để điều trị triệu chứng tạm thời.

Tuy nhiên, tôi vẫn khuyên họ nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm sớm nhất.

bac si BV Cho Ray tu van suc khoe truc tuyen anh 4

Thời gian qua, rất nhiều y bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy đã xung phong đến các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19.

Nếu chuyên môn của tôi không thể đáp ứng nhu cầu tư vấn của người bệnh, tôi hướng dẫn họ gọi đến chuyên khoa phù hợp.

Phần nhiều những người gọi đến là bệnh nhân cũ của khoa, vì dịch bệnh nên họ không đến tái khám được.

Mỗi ngày, khoa tôi tiếp nhận khoảng 50-60 cuộc gọi. Đối với tôi, việc tư vấn trực tuyến không quá khó khăn. Tôi luôn cố gắng hết sức mình, chỉ mong sức khỏe người bệnh tốt hơn sau cuộc gọi với mình.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn