Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn sôi động với các giao dịch đất đai quy mô lớn, trị giá hàng trăm triệu USD, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong bối cảnh quỹ đất tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội ngày càng khan hiếm, giá đất tăng cao, nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng sang các điểm đến mới như khu vực tỉnh vệ tinh, vùng ven biển miền Trung, hay thậm chí là khu vực Tây Nguyên.
Các thương vụ M&A hàng trăm triệu USD
Đầu năm 2021, Vinhomes, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam đã công bố việc mua lại Khu đô thị Đại An tại tỉnh Hưng Yên, vùng vệ tinh phía Đông Hà Nội. Theo báo cáo thường niên Vinhomes 2020, giá trị ước tính của thương vụ là 3.100 tỷ đồng.
Khu đô thị Đại An, hay còn gọi là Vinhomes Dream City, được coi là dự án lớn nhất sẽ ra mắt vào nửa cuối năm 2021. Doanh nghiệp này cho biết dự án có tổng quy mô 486 ha, cung cấp các sản phẩm đa dạng như căn hộ, biệt thự, nhà phố và shophouse. Điểm độc đáo của dự án này là quần thể bể bơi tạo sóng lớn nhất thế giới với quy mô lên đến 18,1 ha.
Quy mô giao dịch bất động sản tại Việt Nam (ha) Nguồn: JLL Việt Nam, RCA Analytics. |
Tại khu vực phía Nam, tập đoàn Nam Long Group, nhà phát triển bất động sản nhà ở bình dân, cũng công bố việc thâu tóm toàn bộ cổ phần của dự án 170 ha tại tỉnh Đồng Nai từ Keppel Land.
Nam Long sẽ bắt tay với tập đoàn Hankyu Hanshin Properties đến từ Nhật Bản để phát triển dự án mang tên Thành phố Izumi. Trong đó, Nam Long nắm 65,1% cổ phần và Hankyu Hanshin 34,9% cổ phần với tổng vốn đầu tư lên đến 18.600 tỷ đồng.
Các thành phố ven biển miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn cũng đang dần trở nên sôi động với nhiều thương vụ lớn. Đơn cử là Tập đoàn Danh Khôi đã mua lại tòa tháp ven sông tại Đà Nẵng có diện tích khoảng 0,3 ha từ Công ty TNHH Đầu tư Sun Frontier. Trước đó, nhà phát triển này cũng đã thâu tóm hơn 11.000 m2 đất tại khu dân cư Cồn Tân Lập tại Nha Trang từ Công ty CP Sông Đà Nha Trang.
Trong báo cáo thường niên năm 2020 của nhiều chủ đầu tư danh tiếng như Novaland, Phát Đạt, Đất Xanh, DIC Corp đã tuyên bố những chiến lược đầy tham vọng với việc tiếp tục tìm kiếm và thâu tóm các quỹ đất chuẩn bị cho tương lai.
Cuộc đua M&A
Theo ghi nhận của JLL về thị trường bất động sản Việt Nam, để dự báo được hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp cần xem xét hai yếu tố: Khả năng phát triển dự án và quỹ đất dài hạn.
Trong đó, quỹ đất là điều tất yếu để nhà phát triển chứng tỏ cam kết trong thời gian dài và năng lực phát triển sẽ được thể hiện qua số lượng các dự án và tỷ lệ bán thành công.
Với bối cảnh thiếu hụt quỹ đất ngay cả trước Covid-19, JLL dự báo cuộc đua thâu tóm quỹ đất của các nhà phát triển sẽ tiếp tục sôi động và điều này sẽ làm thay đổi diện mạo thị trường nhà ở trong 5 năm tới.
Theo JLL, các hoạt động mua bán bất động sản nhộn nhịp sẽ làm thay đổi thị trường nhà ở. Trong khi Vinhomes tiếp tục dẫn đầu thị trường với thị phần đáng kể, những chủ đầu tư khác như Novaland và Nam Long sẽ có khả năng tăng thứ hạng rất nhanh với danh mục đầu tư ngày càng mở rộng.
Đa số các dự án được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín, có chiến lược phát triển bền vững, dự báo giai đoạn phát triển tiếp theo của thị trường nhà ở sẽ có nhiều sản phẩm lượng tốt hơn phục vụ cho người dân.
Các khu đô thị vùng ven đang được nhiều nhà phát triển bất động sản hướng đến. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bình luận về xu hướng này, bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận tư vấn đầu tư Savills Hà Nội đánh giá trong thời gian qua, số lượng các thương vụ M&A thành công đứng về số lượng của giới đầu tư nhà đầu tư trong nước đang dẫn đầu, tiếp đến là các nhà đầu tư nước ngoài đã hiện diện và hoạt động tại thị trường Việt Nam.
“M&A dự án từ các nhà đầu tư nước ngoài không nhiều như các thương vụ M&A giữa các doanh nghiệp bất động sản trong nước, bởi không dễ để một dự án có thể thoả mãn các yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, xét về giá trị giao dịch thì các thương vụ M&A có giá trị dẫn đầu lại nằm ở các thương vụ thâu tóm thực hiện bởi các nhà đầu tư quốc tế”, bà Phương Lan phân tích.
Trưởng bộ phận tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội cho biết nhà ở đô thị là phân khúc nhận được đơn đặt hàng nhiều nhất từ các nhà đầu tư. Với quy mô dân số lớn, tốc độ đô thị hóa cao đi kèm sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu, đây vẫn là phân khúc mang lại nhiều lợi nhuận và tiềm năng nhất cho các nhà đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhu cầu đối với khu công nghiệp và logistic cũng tăng nhanh trong 1,5 năm trở lại đây. Nhờ việc Việt Nam đã tham gia các Hiệp định Thương mại tự do, nhiều doanh nghiệp khổng lồ trong nhiều lĩnh vực đã chọn Việt Nam là điểm đến.
Ngoài ra, các loại bất động sản đã vận hành gồm các tòa văn phòng, căn hộ cho thuê có vị trí đẹp, tình trạng vận hành bảo dưỡng tốt, thời gian sử dụng đất còn dài, luôn là những tài sản đầu tư ưa thích đối với những nhà đầu tư nước ngoài – những người có xu hướng tìm kiếm dòng tiền dài hạn và ổn định. Thị trường này cũng ghi nhận giao dịch của các nhà đầu tư kinh doanh ở lĩnh vực khác muốn mở rộng và đa dạng hóa rủi ro bằng việc đầu tư nắm giữ bắt động sản.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn