Dù đợt bùng phát dịch lần 3 chưa hoàn toàn kết thúc, nhiều chuỗi cà phê vẫn mở rộng quy mô. Sau một năm trầm lắng, đây là lúc họ thực hiện các kế hoạch còn dang dở của năm 2020.
Ngày 27/1, hai cửa hàng Trung Nguyên E-Coffee tại Quảng Ninh và Nha Trang đồng loạt khai trương. Tuy nhiên, cùng ngày, Hải Dương phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên, dấy lên đợt dịch Covid-19 lần 3 kéo dài 1,5 tháng qua.
Mặc dù vậy, từ đó đến nay, thương hiệu cà phê này vẫn liên tục mở mới 14 chi nhánh khác trên khắp cả nước, gần nhất là ở TP.HCM và Tiền Giang ngày 11/3.
Gia tăng độ phủ ngay sau Tết
Chia sẻ với Zing, đại diện Tập đoàn Trung Nguyên Legend cho biết từ những ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu 2021, hệ thống chuỗi quán Trung Nguyên Legend và Trung Nguyên E-Coffee đã nhanh chóng hoạt động trở lại trên khắp các tỉnh, TP. Nhiều cửa hàng Trung Nguyên E-Coffee mới cũng liên tục khai trương. Điều này có được nhờ khả năng thích nghi với điều kiện kinh doanh “bình thường mới” của hãng.
Không chỉ riêng Trung Nguyên, thị trường còn đón nhận nhiều quán cà phê mới của các thương hiệu Ông Bầu, The Coffee House, Phúc Long…
Một cửa hàng Phúc Long mới khai trương tại Gò Vấp (TP.HCM) trong tháng 2. Ảnh: Phúc Long. |
Thậm chí, ngay sau Tết, Phúc Long đã không ngần ngại bày tỏ tham vọng gia tăng độ phủ, khẳng định trong năm nay sẽ mở thêm nhiều cửa hàng phủ khắp từ Nam ra Bắc và ưu tiên các khu vực trung tâm TP.HCM, Đà Lạt, Bảo Lộc, Vũng Tàu, Biên Hoà, Nha Trang, Đà Nẵng… Tiêu chí duy nhất là chưa có cửa hàng Phúc Long nào trong bán kính 2 km.
Theo đánh giá của ông James Dương Nguyễn, Tổng giám đốc Dcorp R-Keeper Việt Nam, trong khi thị trường F&B nhìn chung vẫn đang trên đà phục hồi và tối ưu nhất có thể thì tiềm năng của mảng cà phê nói riêng còn rất rộng.
Sau hơn một năm sống chung với Covid-19, chiến lược phát triển của các doanh nghiệp trong ngành đã được điều chỉnh. Nếu một số chuỗi nhà hàng sẵn sàng đóng cửa những điểm bán không hiệu quả, không còn cố gắng gồng lỗ vì mặt bằng đẹp hay mở rộng quy mô để đạt con số hoành tráng, thì mở chuỗi cửa hàng cà phê lại là một mảng thu hút nhiều nhà đầu tư.
“Các chuỗi cà phê đã có 1 năm để ‘bình tâm’ nhìn lại thị trường, chuẩn hóa quy trình, nâng cấp hệ thống, đầu tư công nghệ và xây dựng chiến lược. Đây chính là thời điểm họ thực thi các kế hoạch dang dở của năm 2020, thay vì không biết phải chờ đến bao giờ dịch bệnh mới kết thúc. Những ông lớn trong ngành với tiềm lực tài chính mạnh sẽ có lợi thế để đi nhanh hơn khi có được nhiều mặt bằng phù hợp và số lượng đối thủ cạnh tranh đã giảm”, ông khẳng định.
Nói về kế hoạch khai trương 2 cửa hàng mới tại Nha Trang vào cuối tháng 4 tới đây, bà Patricia Marques – Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam, cũng khẳng định: “Vì Covid-19, kế hoạch khai trương đã trì hoãn khoảng 1 năm và chúng tôi không thể dừng lại thêm nữa. Trong năm 2021, chúng tôi sẽ mở 3 cửa hàng liên tiếp ở thành phố biển xinh đẹp này”.
Bà cho biết do năm nay thương hiệu sẽ tiếp tục gia tăng độ diện hiện bằng các cửa hàng mới khác ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM…
“Tuy nhiên, như năm 2020, ‘nói trước bước không qua’, chúng tôi sẽ không đưa ra con số cụ thể về lượng cửa hàng sẽ mở mới trong năm 2021, mà tốc độ mở sẽ phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh”, bà Patricia Marques trả lời Zing.
Quán gần khu dân cư “soán ngôi” trung tâm, nhượng quyền tăng vị thế
Theo quan sát của vị lãnh đạo Starbucks Việt Nam, sức mua của người tiêu dùng nội địa luôn hồi phục nhanh chóng sau mỗi đợt cao điểm Covid-19. Do đó, thương hiệu không nhất thiết phải đợi khách du lịch và chuyên gia nước ngoài quay lại, mà có thể thu hút thêm lượng khách mới trong nước để bù đắp.
Để làm được điều này, một trong những chiến lược mới của Starbucks là xuất hiện ở các khu vực đông dân cư, thay vì bám trụ các quận trung tâm với giá thuê mặt bằng đắt đỏ.
Bà Patricia Marques lý giải, thời gian qua, doanh thu cửa hàng tại các quận trung tâm như quận 1, TP.HCM không còn tốt như trước đại dịch, còn ở Phú Nhuận, TP.HCM thì ngược lại.
Các cửa hàng Starbucks trong khu vực trung tâm sụt giảm lượng khách nặng nề hơn các địa điểm gần khu dân cư. Ảnh: Quỳnh Trang. |
“Tại cửa hàng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM), chúng tôi không chỉ mất khách du lịch và chuyên gia quốc tế mà cả khách Việt. Do lo ngại Covid-19, các gia đình không còn đến quận 1 hay phố đi bộ chơi vào dịp cuối tuần, song tiền thuê mặt bằng vẫn không giảm xuống. Vấn đề không phải là chúng tôi không trả được 35.000 USD/năm để bán những sản phẩm có giá 70.000 đồng, mà vấn đề là ở đó đã ít khách.
Dân cư ở các quận như Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và Thủ Đức (TP.HCM) không còn muốn đi quá xa, chỉ ngồi gần hoặc ghé mua ở quán gần nhà. Vì vậy trong năm 2020, những cửa hàng ở các quận này tăng trưởng rất tốt”, bà Patricia Marques chia sẻ.
Thực tế, những điểm đặt chân mới của các thương hiệu cà phê nổi tiếng trong thời gian qua không còn co cụm ở những khu vực trung tâm mà dần đổ ra các quận có số đông dân cư sinh sống như quận 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Phú Nhuận…
Đồng thời, các các tỉnh, TP khác ngoài Hà Nội và TP.HCM cũng được ưa chuộng. Có chăng, ngay sau đợt dịch Covid-19 thứ 3 vốn nặng nề hơn ở khu vực phía Bắc, các cửa hàng mới còn chủ yếu tập trung ở miền Trung và miền Nam.
Ở khía cạnh khác, theo ghi nhận của Zing, các hệ thống vận hành theo hình thức nhượng quyền như Trung Nguyên E-Coffee hay Ông Bầu có tốc độ mở mới cao hơn các chuỗi tự kinh doanh.
“Các chuỗi có xu hướng mở nhượng quyền để nhanh chóng đạt số lượng điểm bán lớn và tối ưu chi phí đầu tư, thay vì tập trung vào yếu tố trải nghiệm ‘sang chảnh'”
Ông James Dương Nguyễn – Tổng giám đốc Dcorp R-Keeper Việt Nam
Ông James Dương Nguyễn cũng xác nhận xu hướng này trong năm 2021.
Vị chuyên gia cho rằng các chuỗi có xu hướng mở nhượng quyền để nhanh chóng đạt số lượng điểm bán lớn và tối ưu chi phí đầu tư, theo cách tinh gọn đội ngũ vận hành cho điểm bán và chỉ đầu tư ở mức vừa phải thay vì tập trung vào yếu tố trải nghiệm “sang chảnh” như trước nay.
“Các chuỗi có kế hoạch mở rộng quy mô từ trước sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch nhưng sẽ vừa mở vừa quan sát và thích ứng với tình hình chung của thị trường và dịch bệnh. Tất cả gói gọn trong hai từ ‘tối ưu’ đồng thời sẵn sàng cho kế hoạch ‘go digital’ (số hóa – PV), phát triển các kênh đặt hàng online”, ông nói thêm.
Tại Tập đoàn Trung Nguyên Legend, vị đại diện cũng khẳng định đang nỗ lực thực thi các chuyển đổi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, tiếp thị và truyền thông nhằm chuẩn bị nền tảng cho việc phục hồi, tạo nền tảng cho sự thay đổi toàn diện của doanh nghiệp.
Từ năm 2020 đến nay, cả hai hệ thống Trung Nguyên Legend và Trung Nguyên E-Coffee đã triển khai ứng dụng điện thoại và hợp tác với các nền tảng giao hàng, thanh toán trực tuyến.
Đồng thời, các kênh thương mại điện tử cũng được tận dụng để tăng tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng cũng như tiếp cận khách hàng trong tình hình mới. Đến nay, sản phẩm của thương hiệu đã có mặt trên Amazon, Alibaba, các trang TMĐT của Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.
Nguồn: News.zing.vn