Đa số nhà sản xuất phim Việt chọn thời điểm ra mắt vào dịp cuối tháng 12 hoặc đầu năm 2022.
Sau thời gian dài đóng cửa, rạp phim ở TP.HCM bắt đầu mở trở lại từ ngày 19/11. Theo các cụm rạp, nội dung phim ở thời điểm hiện tại tương đối phong phú với nhiều tác phẩm Hollywood như Black Widow, Suicide Squad, The Conjuring: The Devil Made Me Do It, Cấm thuật… Hai phim Việt sẵn sàng ra mắt gồm Thiên thần hộ mệnh và Lật mặt: 48h. Đây là hai phim đã được phát hành trước đợt dịch thứ tư bùng phát.
Cuối tháng 11, theo dự kiến một số phim bom tấn có thể ra mắt tại Việt Nam như Vệ sĩ sát thủ, Shang-Chi, Enternals, A Quiet Place, Venom: Đối mặt tử thù, No Time to Die…
Trong khi đó hàng loạt phim Việt khác thông báo lịch chiếu vào cuối tháng 12 hoặc Tết Nguyên Đán. Cụ thể, Rừng thế mạng, Người lắng nghe, lời thì thầm (cuối tháng 12), 1990, Thanh Sói (Tết 2022), Bẫy ngọt ngào, Bóng đè (24/12).
Trước đó, các tác phẩm này đã phải dời lịch chiếu nhiều lần vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Phim chưa ra rạp, hủy lịch chiếu đồng nghĩa với việc nhà sản xuất chưa thể thu hồi vốn. Chưa kể, họ còn bị thiệt hại vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng cho kế hoạch PR trước đó.
Không ít nhà sản xuất phải thế chấp nhà, vay ngân hàng, thậm chí bán nhà để làm phim. Cụ thể, Hoàng Quân – nhà sản xuất của phim Rừng thế mạng, Chuyện ma gần nhà – phải bán nhà 5 tỷ đồng để xoay xở giữa mùa dịch. Đạo diễn Khoa Nguyễn cũng đã bán một căn nhà khi làm phim Người lắng nghe, lời thì thầm.
Vậy điều gì khiến họ chấp nhận “chôn vốn”, dời lịch chiếu cách xa ngày rạp mở cửa?
Lý do phim Việt không ra mắt khi rạp mở cửa
Trao đổi với Zing về việc phim Việt né bom tấn Hollywood, rời lịch chiếu vào dịp cuối năm, ông Thái Dương, trưởng phòng marketing của cụm rạp Lotte, nói: “Các nhà sản xuất phim Việt có tâm lý thận trọng, tránh ra mắt phim ở thời điểm có nhiều phim ngoại là điều dễ hiểu. Bởi họ muốn an toàn, tránh sự cạnh tranh với phim bom tấn Mỹ”.
Đại diện của Lotte đưa ra những lý do khiến phim Việt chọn dịp cuối tháng 12 hoặc đầu năm 2022. “Họ muốn phát hành vào ngày lễ, khi đó có lượng khách tới rạp đông đảo nhất, sẽ thu được lượng vé tốt. Vào dịp Noel, Tết Dương lịch hay Tết Nguyên đán, khán giả thường thích xem phim Việt hơn”, ông nói.
Nhiều phim Việt chọn ra mắt vào thời điểm cuối năm. |
Ngoài ra, ông cho rằng phim Việt chưa có những thương hiệu lớn, quen thuộc với khán giả. Vì vậy họ cần thời gian PR để khán giả biết tới. Ông đánh giá ở Việt Nam chỉ có một số thương hiệu định hình được tên tuổi như Trấn Thành, Victor Vũ, Lý Hải…
Theo ông Dương, việc phim Việt né phim bom tấn Hollywood không hẳn do tự ti về chất lượng. Ông tin rằng khi phim Việt đáp ứng thị hiếu của người xem vẫn đạt doanh thu tốt. Thực tế top những phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở rạp phim Việt vẫn là tác phẩm nội địa như Bố già, Hai Phượng, Em chưa 18…
Đạo diễn Trọng Khoa nói với Zing anh dời phim Người lắng nghe lời thì thầm sang cuối tháng 12 vì lo ngại những ngày đầu mở cửa, khán giả còn e dè khi đi xem phim. Không những thế, công suất của rạp thời gian mới mở cũng khá khiêm tốn.
Trong khi đó, doanh thu của nhà làm phim Việt hoàn toàn phụ thuộc vào từ tiền bán vé. Do đó, anh và ê-kíp chọn thời điểm mình cảm thấy an toàn hơn.
Doanh thu phòng vé ngày đầu mở rạp
Đại diện rạp Lotte nhận định những ngày đầu mở rạp sẽ còn nhiều khó khăn. Ông cho biết hiện tại, phía cụm rạp chưa nghĩ tới doanh thu mà tập trung truyền thông để khán giả biết thông tin rạp mở và có những bộ phim lớn ra mắt.
“Khán giả đã ở nhà suốt 5-6 tháng nên họ quên cả thói quen ra rạp xem phim. Hơn nữa, sự lo ngại về dịch bệnh cũng là điều khó tránh khỏi với khán giả”, ông cho hay.
Các rạp phim đã phun khử khuẩn, vệ sinh phòng chiếu, sẵn sàng cho việc mở cửa vào ngày 19/11. |
Ngoài ra, ông Thái Dương cho rằng một bộ phận khán giả đông đảo của rạp phim là học sinh, sinh viên hầu như chưa tiêm đủ hai mũi. Trường học chưa mở cửa nên đối tượng này ra rạp sẽ giảm nhiều. Bên cạnh đó, theo ông, thu nhập của khán giả bị giảm trong đợt dịch kéo dài khiến khoản chi tiêu cho giải trí eo hẹp hơn trước.
Với những lý do trên, ông kỳ vọng doanh thu cao nhất có thể đạt được là 50% so với trước dịch. Ông cho rằng hiện tại, rạp vẫn mở với tâm thế thận trọng, đảm bảo an toàn với công suất phù hợp.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc nội dung của CGV, kỳ vọng việc các rạp phim trở lại mở ra nhiều cơ hội phục hồi cho ngành điện ảnh. Ông tin rằng với nhiều phim bom tấn sẵn sàng ra mắt khán giả cùng nhiều dự án phim cuối năm, phim Tết đủ hấp dẫn để kéo khán giả tới rạp.
Nguồn: News.zing.vn