Các doanh nghiệp bán lẻ gặp khó

0
Các doanh nghiệp bán lẻ gặp khó

Trong khi Thế Giới Di Động phải tạm đóng 600-700 cửa hàng thì PNJ cũng phải dừng hoạt động 240 điểm. Điều này gây tác động tiêu cực lên doanh số các doanh nghiệp ngành bán lẻ.

Trong buổi chia sẻ cuối tuần trước, ông Nguyễn Đức Tài – chủ tịch Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) – nói rằng hoạt động bán hàng cuối năm sẽ không tốt do tình trạng đóng cửa trầm trọng. Ông tin rằng năm 2022 tình hình kinh doanh có thể hồi phục khi dịch được kiểm soát, nhưng cũng khó bùng nổ như nhiều người ví von là một cái lò xo bị nén lại chờ ngày bung ra.

“Ở đây không có chiếc lò xo nào đang bị ép cả, chỉ có thu nhập bị giảm, sức mua giảm và có thể kéo dài đến năm 2023-2024 tùy thuộc sự phục hồi của sản xuất. Chỉ đến khi hoạt động của người dân nhộn nhịp trở lại thì mới hy vọng về một sức mua gia tăng”, lãnh đạo tập đoàn bán lẻ nói thêm.

Bên cạnh sức mua giảm thì hoạt động bán hàng của doanh nghiệp cũng gặp trở lại, thậm chí bán hàng online cũng khó thực hiện ở các vùng thắt chặt giãn cách. Thực tế cho thấy hàng loạt cửa hàng bán lẻ ở các thành phố lớn cũng đang phải tạm đóng cửa và hạn chế hoạt động trong thời gian gần đây.

Đóng cửa 70-80% cửa hàng

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc 2 chuỗi Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX), cho biết chuỗi bán hàng công nghệ này bắt đầu chịu tác động lớn từ dịch bệnh từ khoảng đầu tháng 5 và đến giữa tháng 7 đã tạm đóng cửa khoảng 600-800 cửa hàng. Giai đoạn này công ty vẫn còn nguồn thu bổ sung từ mảng giao hàng online.

Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh nghiêm trọng hơn từ giữa tháng 7 đến nay, buộc toàn chuỗi này phải đóng cửa và hạn chế hoạt động 2.000 cửa hàng.

Ngoài ra, việc siết chặt Chỉ thị 16 dẫn đến việc bán hàng online cũng khó thực hiện nên doanh nghiệp gần như bị “trói tay trói chân” và có ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh tháng 7-8.

DOANH THU CHUỖI TGDĐ/ĐMX
Năm 2021
Nhãn Tháng 1 Tháng 2 Tháng 3 Tháng 4 Tháng 5 Tháng 6 Tháng 7
Doanh thu Tỷ đồng 8730 9015 7133 7482 8690 7880 5220

Đáng nói là 2.000 cửa hàng này chiếm khoảng 70% số lượng cửa hàng toàn quốc (2.700 shop) của chuỗi trên toàn quốc, được đặt ở Hà Nội, TP.HCM và các trung tâm tài chính lớn nên đóng góp tỷ trọng rất lớn vào doanh thu.

“Mặc dù chỉ chiếm 70% số lượng, nhóm này có thể đóng góp 85-90% doanh thu. Chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì doanh số của mình tầm khoảng 40% so với thời điểm trước đây”, ông Hiểu Em chia sẻ.

Doanh thu tháng 7 của TGDĐ/ĐMX rơi về mức thấp khoảng 5.220 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ và giảm đến 34% so với tháng 6. Lãnh đạo chuỗi này nhận thấy không có cơ hội phát triển doanh thu nên đang tập trung vào tiết giảm chi phí tốt nhất, trong đó có điều động 40% nhân sự bán điện máy sang làm việc tại mô hình Bách Hóa Xanh cùng tập đoàn.

Không riêng gì MWG, chuỗi bán lẻ trang sức vàng PNJ cũng gặp khó khăn tương tự khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam kéo dài và nâng cao mức độ giãn cách xã hội. Công ty cho biết đã tạm đóng 274 cửa hàng trên toàn hệ thống tính đến cuối tháng 7.

Do những ảnh hưởng này, doanh nghiệp bán lẻ vàng đầu ngành thông báo doanh thu thuần trong tháng vừa qua chỉ đạt 489 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ và bị lỗ khoảng 32 tỷ (cùng kỳ năm ngoái có lãi 55 tỷ đồng).

PNJ cho biết đang nỗ lực đa dạng hóa kênh bán hàng, duy trì hệ thống giao hàng online và vận hành các cửa hàng không bị ảnh hưởng cho chính sách giãn cách của xã hội ở một số địa phương ngoài TP.HCM. Nhờ vậy, tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu được duy trì ở mức ổn định.

Tính từ đầu năm, PNJ đã mở mới 13 cửa hàng PNJ Gold, đóng 15 cửa hàng PNJ Silver và một cửa hàng CAO. Hệ thống bán trang sức này duy trì khoảng 337 cửa hàng đang hoạt động trên toàn quốc, phần lớn là cửa hàng PNJ Gold và PNJ Watch.

Các cửa hàng vàng bạc, trang sức của PNJ cũng thường đặt điểm bán tại các khu vực thành thị với dân số đông. Việc có đến 274 cửa hàng tạm dừng hoạt động, chiếm hơn 81% số lượng có thể tác động không nhỏ đến doanh số các tháng tiếp theo.

Tổng mức bán lẻ suy giảm

Bức tranh vĩ mô cũng đang phản ánh tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, hoạt động bán lẻ hàng hóa có xu hướng giảm kể từ tháng 5 khi các biện pháp giãn cách xã hội được thắt chặt. Tổng mức bán lẻ trong tháng 7 đã giảm 8,3% so với tháng trước và giảm gần 20% so với cùng kỳ.

Nganh ban le,  ban le khong thiet yeu,  cua hang ban le dong cua anh 1

Hàng loạt cửa hàng bán lẻ hàng không thiết yếu tạm đóng cửa. Ảnh: T.L

Chứng khoán SSI cho rằng tăng trưởng âm của ngành bán lẻ đã được dự báo từ trước, khi chỉ số đo mức độ di chuyển trong tháng 7 đã giảm tới 60%. Các chuyên gia đánh giá đây là biện pháp hợp lý của Chính phủ nhằm ngăn chặn mức độ lây nhiễm dịch bệnh một cách tốt nhất, trước khi tiêm chủng vắc-xin được đẩy mạnh.

Nhóm phân tích VNDirect tin rằng dù đợt dịch kéo dài lần này sẽ tác động đáng kể đến lợi nhuận toàn thị trường trong quý III. Ngành bán lẻ dù hồi phục 61% trong quý trước đó nhưng các biện pháp giãn cách xã hội diện rộng sẽ làm gián đoạn đà phục hồi trong quý III.

Dù vậy ngành vẫn có cơ hội phục hồi sau khi làn sóng thứ 4 được kiểm soát, nhất là mảng bán lẻ thiết bị điện tử hưởng lợi. Nhu cầu khả dụng dự kiến hồi phục cùng với chu kỳ thay mới điện thoại di động, nhu cầu thiết bị điện tử phục vụ làm việc/học tập từ xa cũng tăng cao sau dịch.

Những doanh nghiệp bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu có thể sẽ phải tung rất nhiều đợt khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Theo dự báo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giãn cách xã hội sẽ dần được dỡ bỏ vào cuối quý III khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên nhanh chóng. Sự mở cửa trở lại của các cửa hàng bán lẻ sẽ là điều kiện cần cho bức tranh phục hồi của doanh số bán lẻ.

“Trên thực tế, ngành bán lẻ trên thế giới đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ khi lệnh cấm được dỡ bỏ nhờ vào nhu cầu chi tiêu bị dồn nén trong thời gian diễn ra giãn cách”, báo cáo của VDSC viết.

“Trong khi đó, niềm tin tiêu dùng và thu nhập bị ảnh hưởng sẽ khiến sự phục hồi này diễn ra không đồng đều giữa các nhóm hàng tiêu dùng. Những doanh nghiệp bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu có thể sẽ phải tung rất nhiều đợt khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng”, VDSC dự báo.

Có thể thấy nhóm bán hàng không thiết yếu đang bị tác động lớn nhất lên doanh số ,có thể kể đến chuỗi hàng công nghệ TGDĐ/ĐMX, FPT Shop hay bán lẻ vàng PNJ… Trong khi đó các cửa hàng thiết yếu như bán thực phẩm hay nhà thuốc vẫn ăn nên làm ra.

Số liệu từ Bách Hóa Xanh cho thấy doanh thu tháng 7 cao kỷ lục đạt 4.240 tỷ đồng, tăng 133% so với cùng kỳ năm trước. Chuỗi nhà thuốc An Khang có 118 điểm bán với doanh thu lũy kế 7 tháng đầu năm xấp xỉ 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Chuỗi dược phẩm Long Châu báo cáo doanh thu nửa đầu năm đạt 1.336 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ. Chuỗi này mở bán thêm 68 cửa hàng từ đầu năm, nâng số lượng cửa hàng đang hoạt động lên 268 địa điểm.

Nguồn: News.zing.vn