Sau khi Hisense tài trợ cho Euro 2016, 3 doanh nghiệp Trung Quốc khác cũng bắt tay tài trợ cho mùa Euro 2020 đang diễn ra với mục tiêu mở rộng thương hiệu ra nước ngoài
“Không chỉ sử dụng hình ảnh bóng đá để hướng đến tệp khách hàng nội địa, các thương hiệu Trung Quốc mong muốn mở rộng thị trường mới, đặc biệt là ở châu Âu”, Pierre Justo – Giám đốc điều hành quốc tế, truyền thông và thể thao tại công ty tư vấn Kantar – cho biết.
Theo CNBC, trong khi Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp nội địa chuyển ra nước ngoài, nhiều công ty lại háo hức quảng bá thương hiệu bằng cách bán hàng ra nước ngoài.
Hisense – có trụ sở tại Thanh Đảo, thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) – cho biết đến năm 2025, công ty đặt mục tiêu thị trường nước ngoài chiếm 50% tổng doanh thu. Tỷ lệ tương này ứng với 23,5 tỷ USD, gấp 3 lần con số 7,93 tỷ USD Hisense thu về từ thị phần nước ngoài trong năm 2020.
Bắt đầu thâm nhập vào thị trường châu Âu từ hơn 10 năm trước, hiện Hisense có hơn 8.000 nhân viên tại châu lục này với các văn phòng ở Đức, Tây Ban Nha và 20 quốc gia khác. Công ty đã tài trợ cho FIFA World Cup 2018 và tiếp tục ký hợp đồng cho năm 2022.
Doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn sử dụng hình ảnh bóng đá để mở rộng thị trường kinh doanh. Ảnh: PingWest. |
Công ty sản xuất điện thoại thông minh Vivo – nhà tài trợ Euro 2020 và Euro 2024 – cũng vươn ra nước ngoài với sự hiện diện ở 6 quốc gia châu Âu vào tháng 10/2020. Vivo tuyên bố có hơn 400 triệu người dùng với quy mô trên 50 quốc gia.
Bên cạnh Hisense và Vivo, Alipay (trực thuộc Ant Group) và TikTok (thuộc ByteDance) cũng nằm trong danh sách các nhà tài trợ giải bóng Euro 2020 và Euro 2024.
Báo cáo của UEFA cho thấy giải bóng Euro 2016 đã thu hút 2 tỷ người theo dõi trên các sóng truyền hình trực tiếp.
Năm 2018, Alipay đồng ý với thỏa thuận đối tác tài trợ kéo dài 8 năm, bao gồm Euro 2020 và Euro 2024. Financial Times đưa tin thỏa thuận này trị giá lên đến 200 triệu euro (238,5 triệu USD). Tuy nhiên, Ant Group từ chối xác nhận quy mô thỏa thuận hợp tác kéo dài 8 năm này.
Theo CNBC, với vai trò là một trong 2 nhà khai thác thanh toán di động lớn ở Trung Quốc, Alipay đang cố gắng mở rộng thị trường ra nước ngoài bằng cách tiếp cận thương gia người nước ngoài và khách du lịch.
Nguồn: News.zing.vn