Mất gần một thập niên để các vận động viên Australia đưa nền bơi lội nước này trở lại vị thế hàng đầu thế giới.
Vào những năm 1950, giai đoạn Australia thống trị các hồ bơi ở Olympic, Sports Illustrated cố lý giải thành công của các kình ngư xứ chuột túi như sau: “Trẻ em Australia học bơi như học chữ; trẻ em Mỹ học bơi để không bị chết đuối”.
Nhiều thập niên sau đó, người Mỹ chiếm lĩnh vị thế trên đường đua xanh và thậm chí nhiều lần đánh bại Australia trong những giải đấu tay đôi phát sóng trên truyền hình, được tổ chức không khác gì các trận đầu quyền anh.
Cơn ác mộng ở London
Các kình ngư Australia đã đi vào lịch sử thể thao nước nhà khi giành tổng cộng 20 tấm huy chương tại Olympic Tokyo 2020, trong đó có 9 HCV.
Đây là kỳ Thế vận hội thành công nhất lịch sử bơi lội Australia. Thành tích tốt nhất mà các kình ngư Australia làm được trước đó, là giành 8 tấm HCV ở Olympic Melbourne 1956.
9 năm đã trôi qua kể từ bê bối đáng xấu hổ trước, trong và sau Olympic London 2012, bơi lội Australia mới lại trở thành niềm tự hào của thể thao nước này.
Trên đất London 2012, các kình ngư Australia chỉ giành được 1 tấm HCV dù mang đến nước Anh 47 vận động viên. Số lượng VĐV của bơi lội Australia ở giải đấu đó chỉ kém Mỹ (49 VĐV) và Trung Quốc (51).
Đó là thành tích tệ nhất của bơi lội Australia kể từ năm 1976. Từ những người hùng được kỳ vọng, họ trở thành nỗi xấu hổ của nền thể thao.
Không chỉ bởi vì thành tích kém cỏi trên đường đua xanh, mà còn bởi những bê bối sử dụng thuốc cấm, hành vi gây rối và bầu không khí độc hại mà các kình ngư Australia đã đem đến Olympic London.
Các thành viên trong đội bơi tiếp sức 4×100 m tự do Australia giải trình trước công chúng vào năm 2013. Ảnh: SHM. |
Năm 2013, các thành viên trong đội bơi tiếp sức 4×100 m tự do nam Australia đã ngượng ngùng đối mặt với công chúng về bê bối xấu hổ nhất trong lịch sử thể thao nước này.
Họ thừa nhận đã lạm dụng thuốc ngủ Stilnox, một chất cấm trong danh mục của Ủy ban Olympic Australia. Các kình ngư Australia cũng có hành vi gây rối ở trung tâm huấn luyện thể thao Manchester, trong quá trình chuẩn bị Thế vận mùa hè 2012.
Dù Stilnox là loại thuốc này không nằm trong danh mục cấm của Cơ quan Phòng chống doping thế giới, nhưng người Australia vẫn coi các VĐV bơi của họ nhưnhững kẻ đáng xấu hổ.
“Họ là nỗi hổ thẹn với quốc gia”, Sydney Morning Herald bình luận. Đến tháng 11/2020, kình ngư Brenton Rickard bị Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) kiện lên Tòa án Trọng tài thể thao (CAS) vì mẫu thử vào năm 2012 dương tính với chất cấm furosemide.
Bơi lội Australia tiếp tục rúng động, vì nếu Rickard bị phán có tội, tấm HCĐ nội dung bơi tiếp sức hỗn hợp 400 m của Australia tại Olympic London sẽ bị tước.
Nếu điều đó xảy ra, thể thao Australia sẽ có lần đầu tiên bị tước huy chương Thế vận hội trong lịch sử. Với một nền thể thao vẫn thường tự hào về sự minh bạch, khi có Mack Horton từ chối đứng chung bục với Sun Yang vì cho rằng đối thủ dùng chất kích thích, đó thật sự là một cú tát đau đớn.
Những gì đã xảy ra ở Olympic London không khác gì cơn ác mộng mà bơi lội Australia muốn quên.
Môn bơi luôn là một trong những lá cờ đầu của thể thao xứ chuột túi. Số lượng người Australia theo dõi các cuộc thi bơi không kém gì những môn thể thao khác như Cricket, bóng đá hay bóng bầu dục.
Không nhiều quốc gia có những chương trình truyền hình chỉ dành riêng cho môn bơi như Australia, với sự xuất hiện của huyền thoại Ian Thorpe trong vai trò chuyên gia phân tích.
Các kình ngư Australia cần phải trở lại. Và họ đã làm được theo cách ấn tượng nhất.
Bơi lội Australia có kỳ Thế vận hội thành công nhất lịch sử với 9 tấm HCV. Ảnh: Reuters. |
Kỳ Olympic thành công nhất lịch sử
Trong lịch sử của mình, bơi lội Australia luôn mang khao khát phải vượt mặt Mỹ. Ngoại trừ giai đoạn những năm 50 thế kỷ trước, đặc biệt là kỳ Thế vận hội tại Melbourne năm 1956, chưa bao giờ các kình ngư Australia khiến người Mỹ hoảng sợ.
Kể cả vào đầu những năm 2000, khi bơi lội Australia vùng dậy mạnh mẽ với những Grant Hackett hay Ian Thorpe, xét về tổng thể, họ vẫn lép vế so với Mỹ.
Mọi chuyện có thể thay đổi trong thời gian tới. Olympic Tokyo 2020 là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên.
Emma McKeon trở thành kình ngư nữ đầu tiên giành 7 tấm huy chương trong một kỳ Thế vận hội mùa hè.
Kình ngư 27 tuổi giành 4 HCV và 3 HCĐ tại Tokyo. McKeon phá kỷ lục Olympic và thế giới ở nội dung 100 m tự do, phá luôn kỷ lục Olympic của chính mình ở nội dung 50 m tự do.
Ariarne Titmus giành hai HCV ở nội dung 200 m và 400 m tự do nữ. Kình ngư 20 tuổi cũng phá kỷ lục Olympic ở nội dung 200 m tự do.
Kaylee McKeown, một VĐV cũng 20 tuổi khác thống trị đường đua 100 m và 200 m bơi ngửa với hai tấm HCV.
Cộng với tấm HCV ở nội dung 200 m bơi ếch của Zac Stubblety-Cook và 2 tấm HCV nội dung 4×100 m tiếp sức tự do và 4×100 m tiếp sức hỗn hợp nữ, bơi lội Australia tạo ra kỳ Olympic thành công nhất lịch sử.
Từ thành tích 1 tấm HCV ở London 2012 đến 3 tấm HCV ở Rio 2016, bơi lội Australia có bước nhảy vọt về thành tích. Trên đất Nhật Bản, các kình ngư của họ 7 lần phá kỷ lục Olympic và thế giới.
Bơi lội Australia không chỉ thành công nhờ vận may khi có những vận động viên thiên phú, họ còn tạo ra một hệ thống đào tạo và phát triển kình ngư xuất sắc.
Emma McKeon trở thành kình ngư nữ đầu tiên giành 7 tấm huy chương trong một kỳ Thế vận hội mùa hè. Ảnh: Reuters. |
Bí mật của thành công
Thorpe bình luận bơi lội Australia đang sở hữu một thế hệ vàng. Những ngôi sao sinh sau năm 2000 như Ariarne Titmus, Kaylee McKeown hay Zac Stubblety-Cook nổi lên từ sớm nhưng khiêm tốn và luôn nỗ lực.
Cô gái vàng McKeon, VĐV vĩ đại nhất lịch sử thể thao Australia cho đến lúc này, không thích nổi tiếng và chỉ muốn tập trung cho tập luyện.
Nếu một thương hiệu ngũ cốc nổi tiếng nào đó muốn sử dụng hình ảnh của cô ấy để quảng cáo, McKeon sẽ yêu cầu được gương mặt mình xuất hiện ở mặt sau của chiếc hộp.
Tất nhiên, trong môn thể thao mà mọi thứ chỉ được định đoạt bằng những tích tắc như môn bơi, không dễ để có lời giải thích chính xác cho thành công.
Ở đỉnh cao Olympic, những công nghệ hay tiêu chuẩn tập luyện của Australia, Mỹ, Trung Quốc hay Anh không chênh lệch nhau nhiều.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận người Australia đã xây dựng một kế hoạch chuẩn chỉnh nhằm đưa môn thể thao được người dân ưa chuộng trở lại đỉnh cao.
Vào những năm 1950, giai đoạn Australia thống trị các hồ bơi Olympic, Sports Illustrated đã giải thích thành công của các kình ngư xứ chuột túi như sau: “Trẻ em Úc học bơi như học chữ; trẻ em Mỹ học bơi để không bị chết đuối”.
Qua thời giam, với sự xuất hiện của những Mark Spitz, Michael Phelps hay Katie Ledecky, quan điểm đó có lúc thay đổi.
Nhưng nhận xét của Sports Illustrated vẫn đúng với người Australia. Họ yêu thích môn bơi.
Ngay cả trong những thời điểm dịch bệnh bùng phát nhất ở Sydney hai năm qua, vẫn có nhiều người dân đến những hồ bơi của thành phố. Người Australia đi bơi cũng giống như người Brazil ra đường chơi bóng đá vậy.
Nhiều năm trước, vấn đề lớn của bơi lội Australia tại các giải đấu lớn nằm ở tâm lý thi đấu cũng như màn trình diễn trong thời khắc quan trọng.
Các kình ngư Australia thường đạt thành tích cao ở vòng loại, nhưng không thể duy trì chúng đến chung kết.
Sự có mặt của Jacco Verhaeren, một HLV bơi người Hà Lan vào năm 2014 đã làm thay đổi nhiều thứ. Ngay cả khi có niềm tự hào lớn lịch sử và truyền thống, người Australia cũng không ngại tìm những sự trợ giúp từ bên ngoài.
Verhaeren áp dụng nhiều phương pháp tập luyện được người Mỹ sử dụng. HLV này cũng yêu cầu các VĐV phải nâng cao thành tích khi tập hay ở các vòng loại. Các chuyên gia tâm lý làm việc với những VĐV, để giải tỏa áp lực và tìm ra chìa khóa giúp họ đạt thành tích cao ở những thời khắc quan trọng.
Có thời điểm, bơi lội Australia bị chế giễu vì áp dụng các bài tập của quân đội nhằm tăng cường sức chịu đựng và tâm lý cho VĐV. Họ cũng bị chỉ trích khi chi số tiền lớn để gửi các VĐV và nhân viên đến tham dự các khóa học đắt đỏ về nghệ thuật lãnh đạo tại trường Đại học kinh tế Melbourne.
Verhaeren đã hoàn thành khóa học này và mô tả nó như một trải nghiệm đáng kinh ngạc trong cuộc đời thể thao của mình. Các HLV được học những kỹ năng về lãnh đạo, làm việc cùng nhau và gắn kết tập thể.
Tất cả những điều đó mang đến thành công. Với thế hệ vàng hiện tại, khả năng bơi lội Australia ngang hàng, thậm chí soán ngôi người Mỹ trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở.
Nguồn: News.zing.vn