Trong quá trình sử dụng ôtô, người dùng khó tránh khỏi các trường hợp gặp sự cố cần tự xử lý để tiếp tục di chuyển hoặc hạn chế nguy hiểm.
Sự cố khi sử dụng ôtô là điều không ai mong muốn gặp phải, tuy nhiên người dùng vẫn cần chuẩn bị một vài kỹ năng cơ bản để có thể tự mình xử lý những tình huống bất khả kháng. Một số tình huống mà người dùng hay gặp phải như xịt lốp, cạn bình ắc-quy hay cảnh báo nguy hiểm trên đường.
Thay lốp dự phòng
Hầu hết dòng xe phổ thông trên thị trường được trang bị lốp dự phòng. Đây là trang bị để thay thế cho một trong các bánh xe bị hư hỏng trên đường, nhất là khi người lái không tìm được nơi vá hoặc thay lốp mới để tiếp tục di chuyển.
Tùy theo dòng xe mà vị trí của lốp dự phòng khác nhau. Đa số xe sedan, hatchback và các mẫu crossover có chiếc lốp thứ 5 nằm ở khoang hành lý, tương đối thuận tiện cho việc tiếp cận và lấy lốp dự phòng ra bên ngoài để sử dụng.
Trong khi đó, các mẫu SUV 7 chỗ cỡ trung, MPV hay bán tải được thiết kế lốp dự phòng treo bên dưới gầm xe. Thao tác lấy bánh dự phòng lúc này sẽ phức tạp hơn, người dùng cần xem sách hướng dẫn sử dụng để biết vị trí bu-lông cố định lốp dự phòng cũng như cách tháo/lắp trang bị này.
Trong những trường hợp lốp xe được treo dưới gầm, người sử dụng nên tìm hiểu trước cách tháo lắp lốp. Để tránh tình trạng gặp sự cố vào buổi tối sẽ khó khăn trong việc đưa bánh dự phòng ra khỏi vị trí treo.
Trình tự thay lốp bao gồm:
– Đặt lốp dự phòng bên dưới gầm để phòng trường hợp có sự cố.
– Xác định vị trí đặt con đội bên dưới gầm xe theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.
– Tháo lỏng các ốc của bánh xe bị thủng theo trình tự đối xứng.
– Nâng con đội để bánh xe cần được thay thế nhấc khỏi mặt đường.
– Tháo bánh xe bị thủng, đặt bên dưới gầm xe.
– Lắp bánh dự phòng và siết vừa phải các ốc bánh xe.
– Hạ con đội hoàn toàn, siết chặt các ốc lắp bánh dự phòng theo thứ tự đối xứng.
– Thu dọn bánh xe, con đội và các dụng cụ.
Sau khi thay lốp dự phòng, người lái có thể tiếp tục di chuyển và tìm nơi vá lốp. Ảnh: Tiredirect. |
Đối với các mẫu xe trang bị bộ vá lốp khẩn cấp loại dung dịch hay bánh xe run-flat thay thế cho lốp dự phòng, người dùng khi gặp sự cố có thể tiếp tục di chuyển mà không không cần thay lốp dự phòng.
Tuy nhiên, người lái cần lưu ý chỉ nên di chuyển ở vận tốc giới hạn được nhà sản xuất khuyến cáo (thường ở mức 70-80 km/h).
Sau đó, khi tìm được garage ôtô nên tiến hành vá lại lốp để tiếp tục di chuyển an toàn vì bộ vá lốp khẩn cấp hay lốp run-flat chỉ là giải pháp tạm thời trong trường hợp bất khả kháng, không thể thay được lốp dự phòng.
Kích bình ắc-quy
Ôtô có thể bị cạn bình ắc-quy và không thể đề nổ trong một vài tình huống, chẳng hạn như lâu ngày không sử dụng, quên tắt đèn hay hệ thống điện khi đỗ xe, hoặc ắc-quy đã cũ và không còn khả năng trữ điện.
Lúc này, người lái có thể xử lý vấn đề này khá dễ dàng với điều kiện là xe có trang bị thêm dây câu bình hoặc bộ kích bình di động.
Xe hỗ trợ cần đỗ gần với xe hết điện để tiến hành kích bình ắc-quy. Ảnh: Westender. |
Với trường hợp chỉ có dây câu bình, người dùng ôtô cần thêm sự trợ giúp của một ôtô khác. Trình tự thực hiện kích bình ắc-quy lúc này như sau:
– Kiểm tra khoang máy của xe cần kích bình có rò rỉ nhiên liệu hay không và vệ sinh cực của ắc-quy.
– Tắt toàn bộ thiết bị điện trên 2 xe để dễ kích bình và đề nổ, gồm điều hòa, đèn chiếu sáng, đầu giải trí…
– Nối cực dương màu đỏ có dấu hiệu (+) của 2 bình ắc-quy bằng dây màu đỏ, lưu ý kẹp trên bình của xe hết điện trước rồi đến bình của xe hỗ trợ, tránh để đầu kẹp chạm nhau hoặc chạm vào thân xe gây chập điện.
– Nối cực âm, dấu (-), của bình ắc-quy bên xe cứu hộ vào một chi tiết bằng kim loại không có phủ sơn của xe hết điện.
– Đề nổ xe hỗ trợ và để máy chạy vài ba phút, sau đó thử đề nổ xe hết điện ắc-quy. Nếu chưa thể kích được bình cho xe bị sự cố thì thử lại sau vài phút đến khi thành công.
– Tháo dây câu bình theo thứ tự ngược lại với khi nối, lưu ý tránh để các đầu nối chạm nhau gây chập điện.
– Để xe vừa được kích bình nổ máy không tải khoảng 10-15 phút để nạp điện cho ắc-quy, lúc này vẫn tắt các thiết bị điện trên xe.
Bộ kích bình di động có thể giúp người lái tự xử lý tình huống ắc-quy cạn. Ảnh: Lifewire. |
Trong trường hợp có sẵn bộ kích bình di động, người lái có thể tự xử lý việc hết điện dễ dàng hơn. Các thao tác thực hiện khá tương đồng với việc có xe hỗ trợ, bao gồm tắt hệ thống điện, nối dây từ bộ kích vào ắc-quy đúng cực, tiến hành đề nổ và để xe chạy không tải.
Bộ kích bình di động có giá dao động 1-2 triệu đồng tùy theo thương hiệu, tính năng bổ sung như đèn pin, cổng sạc điện thoại… Người dùng cần lưu ý thường xuyên kiểm tra và sạc đầy đủ cho bộ kích bình di động để có thể sử dụng ngay khi cần thiết.
Đặt cảnh báo nguy hiểm
Nếu không may ôtô bị sự cố trên đường và không thể tiếp tục di chuyển, buộc phải gọi xe cứu hộ đến thì trong thời gian chờ đợi người lái cần thực hiện việc cảnh báo nguy hiểm cho các phương tiện khác.
Trên một số dòng xe cao cấp, nhà sản xuất có trang bị sẵn một bộ cảnh báo nguy hiểm hình tam giác có phản quang để sử dụng. Ngoài ra, người dùng có thể tìm mua các bộ cảnh báo nguy hiểm có trang bị đèn để tăng tính nhận diện khi trời tối.
Nên đặt bộ cảnh báo nguy hiểm cách xa vị trí xe dừng đỗ. Ảnh: Tuningblog. |
Lưu ý khi đặt cảnh báo nguy hiểm là chọn vị trí cách xa nơi xe đang dừng đỗ 20-30 m, nếu xe dừng trên quốc lộ hoặc cao tốc thì khoảng cách cần tăng lên gấp đôi hoặc nhiều hơn.
Nên đặt biển cảnh báo nguy hiểm ở cả trước và sau xe, ngoài ra nên bật đèn hazard nhấp nháy để tăng khả năng cảnh báo.
Nếu không có sẵn biển cảnh báo thì có thể sử dụng cành cây hoặc vật cản mềm để làm dấu hiệu cảnh báo, tránh gây nguy hiểm cho phương tiện trên đường.
Nguồn: News.zing.vn