Các nước chạy đua chế thuốc đặc trị Covid-19 dù đã có vaccine

0
Các nước chạy đua chế thuốc đặc trị Covid-19 dù đã có vaccine

Chính phủ các nước cũng như hàng loạt tập đoàn dược phẩm khổng lồ đang lao vào cuộc chạy đua phát triển loại thuốc điều trị hiệu quả cho bệnh nhân Covid-19.

thuoc dieu tri covid-19 anh 1

Cover

Trong khi các loại vaccine hiện cho thấy phần nào hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm virus corona, chúng không mang lại sự bảo vệ tuyệt đối trước virus. Vì vậy, bên cạnh phát triển vaccine, một trong những mục tiêu hàng đầu của giới chức y tế hiện nay là phát triển thuốc điều trị Covid-19.

Thuốc điều trị hiệu quả có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng, hạn chế tình trạng bệnh trở nặng dẫn đến phải nhập viện hoặc cần điều trị tích cực, hay thậm chí tử vong, qua đó giải phóng sức ép cho hệ thống chăm sóc y tế, tránh nguy cơ quá tải.

3 phương pháp điều trị Covid-19

Để điều trị cho người mắc Covid-19, các nhà khoa học đang nghiên cứu các loại thuốc hoạt động theo 3 cơ chế, gồm thuốc kháng virus, thuốc kiềm chế hệ miễn dịch và kháng thể đơn dòng.

Thuốc kháng virus là loại dược phẩm dùng để điều trị cho người nhiễm các loại virus. Một số loại thuốc tấn công những virus nhất định, một số loại khác tấn công một nhóm các virus khác nhau.

Thuốc kháng virus cũng có thể hoạt động theo những cơ chế khác nhau, như ngăn virus xâm nhập tế bào chủ, ngăn virus nhân bản, hoặc ngăn virus giải phóng các phân tử lây nhiễm tế bào khác.

thuoc dieu tri covid-19 anh 2

Dù đã có vaccine, vẫn cần sản xuất thuốc điều trị cho người mắc Covid-19. Ảnh: Getty.

Trong khi đó, kháng thể đơn dòng là sản phẩm giúp kích hoạt cơ chế phản vệ của hệ miễn dịch chống lại virus xâm nhập. Cũng giống như kháng thể do cơ thể tự sản sinh, kháng thể đơn dòng sẽ tập trung tiêu diệt những virus đặc thù như SARS-CoV-2.

Đối với một số bệnh nhân mắc Covid-19, hệ miễn dịch hoạt động quá mạnh, giải phóng lượng rất lớn loại protein có tên gọi cytokine.

Virus corona khiến các tế bào phế nang ở phổi người bệnh bị viêm, kích hoạt quá trình miễn dịch, thu hút hầu như tất cả tế bào trong hệ thống miễn dịch tại vị trí viêm tiết ra cytokine để chiến đấu lại các yếu tố gây viêm, ở đây là virus SARS-CoV-2.

Nếu tác nhân gây viêm phổi không thể kiểm soát, toàn bộ hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt sản sinh cytokine, hệ quả là dẫn đến hiện tượng “cơn bão cytokine”, khiến người bệnh bị suy hô hấp cấp tính.

Các loại thuốc kiềm chế hệ miễn dịch được phát triển với mục đích dập tắt “cơn bão cytokine”, giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy hô hấp cấp tính.

Cuộc chạy đua chế tạo thuốc

Anh là một trong những nước đi đầu nghiên cứu và phát triển các loại thuốc có tiềm năng điều trị Covid-19. Từ tháng 3/2020, Anh đã khởi động chương trình thử nghiêm lâm sàng có tên Recovery Trial. Chương trình này ban đầu có phạm vi ở Anh, sau đó được mở rộng tới Indonesia, Nepal.

Tới nay, khoảng 12.000 bệnh nhân mắc Covid-19 nhập viện trên thế giới đã tham gia Recovery Trial. Chương trình này đã thử nghiệm liệu pháp điều trị với ít nhất 15 loại thuốc khác nhau.

Bên cạnh đó, Đại học Oxford cũng đang nghiên cứu loại thuốc giúp người mắc Covid-19 tự điều trị tại nhà. Oxford cũng là đơn vị cùng AstraZeneca phối hợp phát triển và sản xuất vaccine AstraZeneca.

Trong khi đó, Mỹ cũng đang mạnh tay chi tiền cho các dự án phát triển thuốc điều trị Covid-19. Đầu tháng 6 vừa qua, giới chức Nhà Trắng tuyên bố sẽ chi 3 tỷ USD trong năm nay để phát triển các loại thuốc điều trị Covid-19.

Nhà Trắng cho biết các loại thuốc mới có thể sẵn sàng vào cuối năm 2021. Trong kịch bản khả quan nhất, chúng có thể được dùng chống lại các virus khác trong tương lai.

thuoc dieu tri covid-19 anh 3

Pfizer cũng đang tham gia cuộc chạy đua chế tạo thuốc điều trị Covid-19. Ảnh: AFP.

Bên cạnh phát triển vaccine, gã khổng lồ dược phẩm của Mỹ là Pfizer cũng đã khởi động dự án sản xuất một loại thuốc uống có thể ngăn tình trạng bệnh lý trở năng, với cơ chế giống như thuốc trị cảm cúm Tamiflu.

Tuy nhiên, nỗ lực sản xuất thuốc của Pfizer đến nay vẫn chưa có đột phá. Hãng dược phẩm này hy vọng có thể khởi động thử nghiệm thuốc trên quy mô lớn từ tháng 7.

Hai hãng dược phẩm là Merck của Đức và Roche Holding AG của Thụy Sĩ cũng đang chạy đua nhằm tạo ra loại thuốc uống kháng virus đầu tiên có thể giúp điều trị Covid-19. Loại thuốc như vậy được kỳ vọng giúp những người nhiễm virus corona ở giai đoạn đầu không bị trở nặng, không cần nhập viện.

Cả Merck và Roche mới đây đã khởi động giai đoạn thử nghiệm thuốc trên người, và cho biết các sản phẩm có thể được tung ra thị trường vào cuối năm 2021.

Merck hiện bắt tay với công ty sinh học Ridgeback Biotherapeutics LP có trụ sở tại Florida. Trong khi đó, Roche Holding AG hợp tác cùng hãng dược phẩm Atea Pharmaceuticals Inc có trụ sở ở Boston.

Hàng loạt hãng dược phẩm khổng lồ cũng đang tham gia cuộc chạy đua phát triển thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 bằng phương pháp kháng thể đơn dòng như AstraZeneca của Anh – Thụy Điển, Celltrion của Hàn Quốc, hay Eli Lilly và Regeneron của Mỹ.

Các phương thuốc triển vọng

Tới nay, các liệu pháp điều trị bằng steroid nhằm kiềm chế hoạt động của hệ miễn dịch đã cho thấy những dấu hiệu khả quan giúp ngăn người mắc Covid-19 bị suy hô hấp nặng, qua đó cứu sống người bệnh.

Dexamethasone là loại thuốc steroid có giá rẻ được sử dụng rộng rãi hiện nay. Dexamethasone giúp làm giảm 33% nguy cơ tử vong với người phải dùng máy thở và 20% với người phải thở dưỡng khí.

Bởi có giá thành rẻ, dexamethasone có thể được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngoài dexamethasone, một loại steroid khác cũng cho thấy hiệu quả tương tự là hydrocortisone.

Dexamethasone và hydrocortisone đều giúp làm giảm tình trạng viêm sưng, một phần của hệ miễn dịch cơ thể, giúp làm giảm tổn thương đối với các ca bệnh trở nặng. Tuy nhiên, hai loại thuốc này không có tác dụng trong điều trị người ở tình trạng bệnh nhẹ.

thuoc dieu tri covid-19 anh 4

Điều trị bằng steroid giúp kiềm chế hoạt động của hệ miễn dịch có nguy cơ khiến bệnh nhân nhiễm các loại vi khuẩn và nấm khác. Ảnh: AP.

Dù vậy, các loại thuốc kiềm chế hoạt động của hệ miễn dịch lại là con dao hai lưỡi, bởi nó làm giảm khả năng của hệ miễn dịch chống lại các dạng nhiễm trùng khác.

Việc sử dụng steroid liều cao được cho là nguyên nhân khiến hàng chục nghìn bệnh nhân hồi phục sau khi mắc Covid-19 ở Ấn Độ bị nhiễm nấm đen, một căn bệnh truyền nhiễm có thể dẫn tới di chứng nặng nề trên cơ thể, thậm chí tử vong.

Một phương pháp sử dụng kháng thể cũng cho thấy triển vọng do hãng dược phẩm Regeneron phát triển. Theo đó, người bệnh được truyền tĩnh mạch hai loại kháng thể điều chế trong phòng thí nghiệm, giúp nhằm ngăn virus corona xâm nhập tế bào và tự nhân bản.

Phương pháp điều trị bằng kháng thể của Regeneron dành cho người mà hệ miễn dịch không thể tự sản sinh kháng thể để tiêu diệt virus, đây là những đối tượng thường bị bệnh nặng nhất.

Kết quả thử nghiệm trên 10.000 bệnh nhân cho thấy phương pháp này phát huy hiệu quả trên 33% số người bị bệnh nặng, và giảm nguy cơ tử vong 6%. Liệu pháp điều trị của Regeneron được khuyến nghị kết hợp cùng dexamethasone.

Trong khi đó, Interferon beta, một loại protein mà cơ thể sản sinh khi nhiễm virus, đang rất được quan tâm trong khuôn khổ chương trình Recovery Trial của Anh.

Protein này được cung cấp cho bệnh nhân dưới dạng bình xịt để hít vào phổi, với hy vọng nó sẽ giúp kích thích hoạt động của hệ miễn dịch, giúp các tế bào sẵn sàng chiến đấu chống lại virus.

Kết quả ban đầu cho thấy Interferon beta dạng xịt giúp làm giảm tỷ lệ bệnh trở nặng trên người mắc Covid-19 đã phải nhập viện tới gần 80%.

Nguồn: News.zing.vn