Trong chuyến đi lên miền cao phía Bắc, cô gái trẻ Huỳnh Kiên (quê Quảng Ngãi) tham dự một lễ cưới của người Dao Đỏ. Cô chia sẻ lại ngày vui của đôi bạn trẻ với nhiều nghi thức khác biệt với người miền xuôi:
Cô dâu là Tẩn Mảy Nhi (19 tuổi, quê ở Sin Suối Hồ, Phong Thổ, Lai Châu), chú rể tên Tẩn Lở Long (22 tuổi, quê ở Bản Khoang, Sa Pa, Lào Cai). Sau một thời gian tìm hiểu, hai bên quyết định đi đến hôn nhân. Đôi uyên ương là người Dao Đỏ thuộc hai vùng khác nhau, nên đám cưới cũng trở nên đặc biệt.
Trước khi tổ chức đám cưới ở nhà trai, gia đình cô dâu sẽ làm mâm cơm, mời người thân cùng bạn bè vào hôm trước. Lúc này, cô dâu diện trang phục cưới truyền thống của người Dao Đỏ ở Lai Châu.
Gia đình sửa sang trang phục cho cô dâu. |
Sáng hôm sau, lễ đưa dâu bắt đầu diễn ra. Cô gái thức dậy sớm cùng những người trong gia đình di chuyển bằng xe máy đến Bản Khoang, Sa Pa. Đi đến ngã ba gần nhà, đoàn dừng lại để ăn cơm dọc đường. Các món gồm cơm, thịt lợn, thịt gà cùng rượu sẽ được đặt trên lá chuối. Người chủ trì đi mời rượu mọi thành viên. Nếu gặp người đi dọc đường, ông cũng mời ở lại dùng bữa. Theo tục lệ của người Dao Đỏ ở Lai Châu, điều này có ý nghĩa thông báo gia đình có con gái đi lấy chồng.
Đội kèn trống và người chủ trì của gia đình trai sẽ ra cổng đón nhà gái. Họ mang theo một chiếc giỏ lớn để cô dâu đựng đồ đạc của mình. Họ không dẫn cô vào nhà ngay mà di chuyển qua một bãi đất trống, chờ cô dâu thay trang phục truyền thống của người Dao Đỏ ở Sa Pa rồi mới tiếp tục làm lễ. Trong thời gian chờ, gia đình chú rể đem trà và rượu mời từng người trong họ nhà gái.
Khi cô dâu đã sẵn sàng, đội kèn trống thực hiện nghi lễ đi quanh gia đình cô dâu nhiều vòng. Sau đó, các thành viên trong đoàn nhà gái tự động tách ra thành từng cặp, đội nhạc tiếp tục đi vòng qua từng cặp.
Người chủ trì lễ cưới vót tre nứa làm mũ đội đầu cho cô dâu. |
Cô dâu được gia đình chú rể dẫn đến một chiếc lán để nghỉ qua đêm, chờ giờ tốt mới chính thức rước vào nhà.
Chiều tối, bạn bè đến rất đông, ăn uống và chúc mừng cho đám cưới của đôi vợ chồng trẻ. Mâm cỗ cưới có các món truyền thống như đậu phụ, thịt lợn, thịt gà, canh cải, tiết canh lợn… Lúc này, cô dâu (lấy khăn che mặt) và chú rể đi mời rượu từng bàn. Để đáp lại tình cảm của bạn bè, cặp uyên ương đứng trên bục cưới, trao nhau nụ hôn để bắt đầu mối quan hệ trăm năm.
Sau 21h, tất cả bạn bè của chú rể ra về hết, chỉ còn lại người thân trong nhà. Họ tiếp tục ăn uống và mời nhau những chén rượu cho tới sáng. Người chủ trì của gia đình trai chia sẻ lời chúc mừng, thông báo đã đón được cô dâu về nhà.
Sau 22h, người chủ trì hai bên ngồi ở hiên nhà, vót tre nứa để làm lại mũ đội đầu cho cô dâu.
3h sáng hôm sau, đội kèn trống thổi những tiếng đầu tiên. Cô dâu thức dậy để thay quần áo và đội mũ cưới lên đầu. Đúng 5h45, cô dâu được đoàn của chú rể rước từ lán vào nhà. Khi đến cổng chính, cô dâu dừng lại để người chủ trì thực hiện các nghi lễ trong đó có việc phun nước vào người cô dâu.
Cô dâu và chú rể trong ngày cưới. |
Sau đó, cô dâu được một người phụ nữ Dao Đỏ dắt vào cửa chính. Chú rể sau khi đã thay y phục truyền thống cũng bước ra làm lễ. Hai người bái đường và cùng đi một vòng tròn trước khi cô dâu di chuyển xuống nhà dưới để làm lễ bái.
Lễ cưới kết thúc bằng tục lệ rửa mặt. Cô dâu mang một thau nước lên cho người chủ trì hai bên rửa ngay cửa chính rồi tới các vị khách khác.
Gia đình cô dâu được gói thịt lợn mang về, những người đến ăn cưới sẽ nhận cơm xôi.
Huỳnh Kiên
Nguồn: Vnexpress.net