Các thương hiệu xa xỉ thay đổi để chiều lòng khách Trung Quốc

0
162

Nhiều nhãn hàng đứng đầu thế giới đã đưa ra các chiến dịch tiếp cận du khách Trung Quốc, nhằm thu về lợi nhuận khổng lồ.

Ngày nay, việc nhiều khách du lịch châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, thường xuyên ghé thăm những cửa hàng xa xỉ của châu Âu ở sân bay không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, còn có nhiều thương hiệu đồng hồ và trang sức cao cấp vẫn chưa được khách Trung Quốc biết đến, theo Finacial Times.

Zhu Yujie, blogger với hơn 600.000 người theo dõi trên Weibo, cho biết người Trung Quốc thực sự quan tâm đến các thương hiệu tôn trọng họ. Hồi đầu năm, mạng lưới World Duty Free gây chú ý khi chương trình khuyến mại của họ tại sân bay Heathrow, Anh yêu cầu khách Trung Quốc phải tiêu nhiều hơn du khách ở nước khác mới nhận được giảm giá 20%. Điều này khiến các khách hàng trẻ tuổi Trung Quốc, những người có nền tảng giáo dục tốt, bất bình.

Khách Trung Quốc chi tiêu rất mạnh tay khi du lịch châu Âu. Ảnh: Twitter.

Khách Trung Quốc chi tiêu rất “mạnh tay” khi du lịch châu Âu. Ảnh: Twitter.

Giới trẻ Trung Quốc ngày nay cũng thường quan tâm đến các thương hiệu có giá trị lịch sử, văn hóa hơn. Du khách trẻ khi tới Anh thường tới thăm các bảo tàng, ăn ở nhà hàng có sao Michelin, tới nhà hát Shakespeare’s Blobe hay cung điện Blenheim.

Do vậy, nhiều nhãn hàng đã lên chiến dịch tiếp cận với nguồn khách tiềm năng này. Bailey, nhà nghiên cứu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty tư vấn Gartner L2, nói: “Các thương hiệu toàn cầu đang hiểu người Trung Quốc hơn”.

Cartier – thương hiệu đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số trực tuyến Digital IQ Index tại Trung Quốc của Gartner L2 – đang thực hiện rất tốt các chiến lược tiếp thị, cùng với Bulgari, Louis Vuitton, Coach và Gucci. Các ngôi sao nổi tiếng của Trung Quốc được mời để trải nghiệm những nhãn hàng tại các bữa tiệc sang trọng, để sau đó các bài viết trên mạng xã hội truyền đi thông điệp cho giới trẻ.

“Các thương hiệu đi đầu đều tích cực tham gia vào WeChat, Weibo, sử dụng KOL (người có ảnh hưởng), và họ cũng đang thử nghiệm các ứng dụng mới như Douyin và Red”, Bailey nói.

Phạm Băng Băng, ngôi sao hàng đầu ở Trung Quốc, cũng là gương mặt đại diện cho nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới. Ảnh: Sohu.

Phạm Băng Băng, ngôi sao hàng đầu ở Trung Quốc, cũng là gương mặt đại diện cho nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới. Ảnh: Sohu.

Trong khi đó, việc thu hút du khách Trung Quốc ở nước ngoài dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Arnold Ma, giám đốc điều hành của công ty tiếp thị kỹ thuật số Trung Quốc Qumin chi nhánh London, cho biết: “Mỗi dịp Tết Nguyên đán, tôi chỉ thấy các cửa hàng chưng lên những tấm bảng chỉ dẫn chung chung, với những chữ tượng hình màu đỏ khuôn mẫu, hoặc các hình ảnh sơ sài. Điều đó cho thấy họ không đặt nhiều công sức vào việc này cho lắm. Việc nhắm mục tiêu vào khách du lịch Trung Quốc đến Anh vẫn còn một khoảng trống lớn”. 

Ctrip.com, công ty du lịch trực tuyến với hơn 300 triệu người dùng đăng ký, cho biết có tới 6 triệu người Trung Quốc đến thăm châu Âu năm ngoái, với mức chi tiêu rất lớn. Công ty tư vấn Bain tiết lộ Trung Quốc là động lực tăng trưởng lớn nhất của thị trường hàng hóa xa xỉ phẩm cá nhân. Riêng ở Anh năm ngoái, chi tiêu của nhóm du khách Trung Quốc đã tăng 35% lên đến 694 triệu bảng Anh (hơn 900 triệu USD), theo hội đồng quản trị du lịch Visit Britain.

Renee Hartmann, đồng sáng lập của China Luxury Advisors, cho biết những người thường xuyên đi du lịch giờ đây có xu hướng trẻ hơn, độc lập hơn trong lựa chọn và nói tiếng Anh tốt hơn. “Trong khi mọi người vẫn đang mua đồ từ các thương hiệu danh tiếng như Louis Vuitton, Gucci và Prada, người tiêu dùng giờ muốn khám phá các thương hiệu khác. Do đó, đang có một sự thay đổi thực sự trong bức tranh du lịch”, cô nói.

Trường Đặng

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn