Cách người mẹ ở TP.HCM tạo niềm vui cho con khi sống giữa tâm dịch

0
41

Muốn con được trải nghiệm tuổi thơ hạnh phúc dù sống giữa tâm dịch, chị Hoàng Yến quyết định tạm gác công việc, chơi với con, chờ ngày dịch bệnh ở TP.HCM được kiểm soát.

Đầu tháng 5, TP.HCM ghi nhận các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Đến giữa tháng, trường học đóng cửa. Hai đứa con của chị Hoàng Yến không thể đi học.

Cũng từ đó, chị Hoàng Yến đành tạm đóng cửa phòng bánh mới khai trương, dừng hàng loạt công việc khác để ở nhà trông con. Cũng may, bà của hai đứa trẻ ở gần nên hỗ trợ mẹ con chị rất nhiều lúc khó khăn vì dịch bệnh.

nhung ngay TP.HCM gian cach anh 1

Chị Hoàng Yến hướng dẫn hai con làm bánh trong thời gian ở nhà do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Con vẫn được vui chơi trong những ngày giãn cách

Hồi mới bùng dịch, chị còn có thể dẫn con tản bộ ở đoạn đường trước nhà, cùng nhau hóng gió, dạo mát cho đỡ bức bối.

Tuy nhiên, không lâu sau, tình hình dịch trở nên căng thẳng, mọi người chỉ có thể quẩn quanh trong nhà. Chồng chị còn phải làm việc nên tụi nhỏ quây quần với chị từ 8h sáng đến chiều, chờ ba đi làm về.

Có lúc, do áp lực công việc giữa mùa dịch quá cao, chị Hoàng Yến tranh thủ làm việc trong lúc con tự chơi. Nhưng hai đứa con của chị, dù còn nhỏ tuổi, đã rất hay để ý. Con không thích mẹ chỉ trông mà không chơi với con, mải nghĩ về công việc.

“Nhưng không phải lúc nào, con cũng thích tự chơi một mình, nhất là với đứa trẻ chưa tròn 2 tuổi. Những ánh mắt nhìn xa xăm của con khiến tôi chạnh lòng. Nên cũng từ đó, tôi sắp xếp lại mọi thứ và chỉ làm việc vào buổi trưa và tối, lúc con ngủ”, chị Hoàng Yến – tác giả cuốn Những ngày đầy nắng – chia sẻ.

Chị áp dụng công thức “giờ nào việc đó”, thời gian cho con sẽ dành trọn cho con, còn những lúc khác, chị tập trung cho công việc.

Gần hai tháng trôi qua, 3 mẹ con dần quen với nếp sinh hoạt mùa dịch – cùng nhau ăn uống, dọn dẹp, đọc sách, vẽ tranh, làm bánh, tưới cây, học bài…

Vì dịch, những đứa trẻ hiếu động suốt ngày phải quanh quẩn trong nhà. Cũng may, hai vợ chồng chị Hoàng Yến đều có đam mê cá nhân và chia sẻ đam mê đó với con nên gia đình không thiếu các hoạt động để những ngày ở nhà tránh dịch không ảm đạm, căng thẳng.

Vốn làm việc trong ngành ẩm thực, chuyên tổ chức các workshop học làm bánh và đang thực hiện các dự án khác như viết blog, quay video YouTube, viết và xuất bản sách, chị Yến mê làm bánh, nấu ăn. Thời gian qua, chị luôn cùng con trai lớn (sắp lên lớp 2) vào bếp.

Cậu con trai cũng thích hợp tác với mẹ để làm ra các loại bánh như bánh su, bánh mì cua, bánh quy… Trong khi đó, con gái nhỏ mới 2 tuổi có thể thỏa sức nghịch bột.

Những lúc không phải đến công ty, chồng chị cùng con trai đóng bàn, ghế, đồ chơi… trong căn phòng nhỏ phục vụ sở thích làm gỗ. Lúc này, cô con gái lại tiếp tục trở thành “khán giả trung thành của anh hai”.

Hai đứa con ở hai độ tuổi khác nhau, mong muốn, quan tâm của mỗi con cũng không giống nhau. Con trai lớn đang tuổi khám phá, cần được chăm sóc nhiều về tinh thần. Con gái nhỏ lại cần được chú ý hơn về dinh dưỡng, thể chất.

Vì thế, chị học cách không trộn lẫn công việc với gia đình, cân bằng cảm xúc cá nhân, làm tốt hơn nhiệm vụ của bản thân. Dịch bệnh gây xáo trộn nếp sinh hoạt vốn có nhưng cũng khiến gia đình chị gần nhau và hiểu nhau hơn.

Dần thích nghi với việc ở nhà trông con mùa dịch

Chị Hoàng Yến nói thêm hai con chị vốn hiếu động, thích chạy nhảy, leo trèo, khám phá. Do đó, thời gian đầu, hai vợ chồng khá căng thẳng. Nhưng sau gần hai năm, cũng như nhiều phụ huynh khác, họ dần thích nghi với cuộc sống lúc có dịch.

Họ học cách sắp xếp lại cuộc sống, nếu ba đi làm, mẹ chơi với con, khi ba ở nhà sẽ trông con cho mẹ làm nhiều việc khác. Hai người luôn cố gắng để dù sống giữa tâm dịch, con trẻ vẫn được trải nghiệm những tháng ngày vui vẻ của tuổi thơ.

nhung ngay TP.HCM gian cach anh 4

Dịch bệnh mang lại nhiều khó khăn nhưng cũng là lúc gia đình gắn kết hơn.

Chị thừa nhận dịch bệnh mang lại nhiều khó khăn. Tiệm của chị tạm đóng cửa khi mới khai trương vài ngày. Cảm giác công sức đổ bể, áp lực tài chính, công việc cùng tin tức về hàng loạt ca nhiễm mới cuốn lấy tâm trí chị.

Nhưng rồi, là một người mẹ, chị Hoàng Yến lấy lại tinh thần, học cách trưởng thành và tìm cách để ứng phó, thích nghi. Đây cũng là lúc gia đình gắn kết hơn. Chị ở nhà, dành trọn vẹn thời gian cho con, cùng nhau vẽ tranh, múa hát, nấu ăn…

Chị có cơ hội lắng nghe, trò chuyện, đóng vai một người bạn nhỏ với các con. Và có lẽ chỉ cần được bên nhau trọn vẹn như vậy, mấy mẹ con lại học hỏi được từ nhau rất nhiều. Con trẻ cũng có nhiều thứ khiến người lớn phải nhìn lại và suy nghĩ. Nhờ đó, khoảng thời gian khó khăn vì dịch cũng trở nên đáng trân trọng.

“Những lúc áp lực, chán nản nhất vì dịch bệnh, mình càng vùng vẫy sẽ càng bị tổn hại sâu sắc, thay vào đó, nếu biết nương theo cơn sóng mà vượt qua, mọi thứ sẽ dễ chịu hơn”, chị Hoàng Yến tâm sự.

Hiện tại, ưu tiên của chị Hoàng Yến vẫn là giữ an toàn cho gia đình trong dịch bệnh. Với chị, cha mẹ, con cái còn quây quần bên nhau, khỏe mạnh, vui vẻ đã là may mắn rất lớn. Thêm vào đó, cậu con trai hiểu rõ dịch bệnh nguy hiểm, còn biết chỉ mẹ cách đặt mua rau củ mà không phải ra ngoài mua. Con hiểu chuyện, biết thông cảm cho ba mẹ cũng là niềm an ủi với chị.

“Người ta thường hay kể về ‘một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa’. Dù cho bên ngoài có thế nào, áp lực cơm áo gạo tiền hay dịch bệnh nguy hiểm ra sao, đằng sau cánh cửa kia, bọn trẻ cũng xứng đáng được trải qua tuổi thơ hạnh phúc. Vì vậy, bản thân phải luôn khỏe mạnh, vui vẻ để truyền năng lượng tích cực cho con và những người xung quanh. Mọi khó khăn sẽ qua thôi khi bên cạnh mình còn có gia đình”, chị Hoàng Yến tin tưởng.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn