Chùa, đình, miếu, điện, phủ, nghè, quán, am đều là những công trình kiến trúc xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng dân gian, nhưng không phải ai cũng phân biệt được những công trình này.
Đầu năm là khoảng thời gian nhiều người muốn đi lễ chùa, đền… cầu bình an, sức khỏe, thành công. Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn có sự lựa chọn điểm đến thích hợp cho bản thân, gia đình để những tâm nguyện được đặt đúng nơi đúng chỗ.
Chùa
Chùa là một công trình kiến trúc phục vụ mục đích tín ngưỡng và thường là nơi thờ Phật. Trong mỗi ngôi chùa đều có tượng Phật được đặt ở giữa. Khi đi lễ chùa hay đến bất cứ ngôi đình, đền, miếu nào, bạn chú ý cần mặc quần áo dài, kín cổ, đi khẽ. Tránh mặc áo ngắn tay, áo sát nách, áo may ô, quần soóc, váy ngắn.
Đến chùa, mọi người thường cầu bình an, sức khỏe đến việc học tập của con cái, hay chuyện làm ăn, buôn bán sẽ thuận lợi. Nhưng theo quan niệm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ an bình chứ không thể phù hộ đường công, danh, tài, lộc. Vì vậy, khi đi chùa, bạn nên xin được Phật che chở, bảo vệ.
Chùa Đồng Yên Tử, Quảng Ninh. Ảnh: Tamngu. |
Đình
Nếu như chùa là nơi thờ Phật thì đình là một công trình kiến trúc cổ truyền ở các làng quê Việt Nam thờ Thành hoàng. Đây còn là nơi hội họp của người dân trong làng. Cũng chính bởi vậy, địa điểm để xây dựng đình thường nằm ở trung tâm của làng, quay về hướng có nhiều sông nước.
Đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Lê Bích |
Đền
Đền là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị thần hoặc một danh nhân quá cố, người anh hùng có công với đất nước hay một cá nhân có công với địa phương được dân gian tương truyền như Lý Nam Đế, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Trần Hưng Đạo…
Khi đi lễ ở Đình, Đền, bạn có thể cầu xin may mắn trong sự nghiệp, tình cảm…
Cổng đền Thượng giữa rừng già. Ảnh: Phạm Văn Thượng |
Miếu
Miếu là một loại di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, có quy mô nhỏ hơn đền. Tuy nhiên, miếu lại có kiến trúc rất đa dạng với 3 gian vừa có nội điện vừa có nhà tiền tế.
Miếu có thể thờ rất nhiều đối tượng như thờ thần, thờ các bậc trung liệt có công với nước, với dân. Do đó, người dân quan niệm miếu phải được xây ở nơi yên tĩnh, trên gò cao, sườn núi để các vị thánh thần yên nghỉ.
Miếu bà Chúa Xứ, Châu Đốc, An Giang. Ảnh: An Bùi |
Nghè
Nghè là một dạng của đền miếu và thờ thần thánh. Nghè có thể thờ thành hoàng làng ở làng nhỏ, cũng có thể là một ngôi đền nhỏ của một thôn trong xã nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân trong thôn.
Nghè Nguyệt Viên, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ảnh: Linh Trường |
Điện
Giống như đền, điện là nơi thờ thánh trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tuy nhiên, điện có quy mô nhỏ hơn đền, lớn hơn so với miếu. Điện thường thờ Phật, thờ Mẫu và các vị thần nổi tiếng khác. Điện có thể do cộng đồng hoặc tư nhân đứng ra xây dựng.
Điện thờ Thánh Mẫu. Ảnh: Trần Hoàng Hoàng |
Phủ
Phủ là là nơi thờ tự mang tính chất trung tâm của cả một vùng rộng lớn, vượt ra khỏi phạm vi địa phương và thu hút nhiều người dân từ khắp nơi đến thờ cúng.
Phủ Tây Hồ. Ảnh: Goterest |
Quán
Quán là một dạng của đền gắn với đạo Lão. Ban đầu, vào các thế kỷ XI và XIV, do nặng tính thần tiên nên các quán giống như một đền thờ thần thánh. Sang tới thế kỷ XVI và XVII, điện thờ đạo Lão có nhiều sự phát triển mới, với việc thờ cúng các thần linh cơ bản theo Trung Hoa.
Tượng chân dung Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn và phu nhân là Phúc Thành Thái trưởng Công chúa Mạc Thị Ngọc Lâm tại Đạo quán Linh Tiên, Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: ditichlichsuvanhoa. |
Am
Am là một kiến trúc nhỏ thờ Phật, cũng có khi là ngôi miếu nhỏ thờ thần linh của xóm làng. Ở Việt Nam, có nhiều ngôi chùa từng là các am nhỏ trong quá khứ, như Chùa Thầy từng có tên gọi là Hương Hải am, Chùa Đậu từng là Thọ am.
Hương Hải am (nay là chùa Thầy, Hà Nội). Ảnh: LangvietOnline |
Lê Na
Nguồn: Vnexpress.net