Quán cafe Tùng ở Đà Lạt nổi tiếng không chỉ vì nằm ngay đối diện với bức tường cối xay gió tấp nập người qua, mà còn vì tuổi đời lâu năm cùng những câu chuyện không phải ai cũng biết.
Đà Lạt luôn có vô vàn các quán cafe, từ nổi tiếng đến mới xuất hiện, từ phong cách cổ xưa đến hiện đại, từ view ngoại ô đến view mặt phố, hầu như kiểu gì cũng có cả. Thế nhưng để nhắc đến một cái tên “lão làng” trên bản đồ quán cafe Đà Lạt thì chẳng thể nào thiếu được quán Cafe Tùng ở vị trí đầu tiên. Tọa lạc tại số 6 khu Hòa Bình, với vị trí đắc địa ngay đối diện bức tường vàng Tiệm Bánh Cối Xay Gió nổi tiếng, quán cafe này chắc chắn đã trở thành một phần kí ức không thể thiếu của nhiều người dân Đà Lạt và khách du lịch.
Vừa mới đây, một bài đăng trong một group du lịch trên Facebook với chủ đề “Cafe Tùng chuyện chưa kể” nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng yêu Đà Lạt. Được biết, chủ nhân của bài đăng là anh Nguyễn Linh – một hướng dẫn viên du lịch lâu năm chuyên dẫn khách đi tour tại Đà Lạt. Và câu chuyện rất thật mà anh sắp chia sẻ về quán cafe Tùng dưới đây thực sự sẽ khiến bất kỳ ai trong chúng ta cũng không khỏi thích thú và yêu thêm hồn thơ của quán.
@_chipsugar
Cafe Tùng: quán cafe lâu đời bậc nhất tại Đà Lạt
Mỗi lần đưa đoàn lên Đà Lạt, tôi thường hỏi tất cả hành khách trên xe rằng tối nay sau khi dạo chợ đêm sẽ định làm gì? Một số người sẽ hỏi về các địa điểm ăn uống, quán nhậu, chỗ bán các món đặc sản Đà Lạt. Riêng có một lần, tôi được một cô chú đứng tuổi rủ đi uống cafe Tùng. Cô chú chia sẻ: “Chẳng phải trên xe con hay nói là đến Đà Lạt mà không uống cafe, mà đặc biệt là Cafe Tùng thì đúng là thiếu sót. Cô chú ngày trước cưới xong lên Đà Lạt trăng mật cũng có ghé đây. Tối nay con đi không, cô chú mời, cả ngày hôm nay vất vả vì chăm sóc đoàn rồi, hay mệt quá muốn về nghỉ?”.
Tôi suy nghĩ chốc lát rồi đồng ý, bởi có lẽ lâu rồi tôi chưa uống Cafe Tùng. Quán nằm xéo với bức tường vàng Cối Xay Gió mà lúc nào đi ngang đây cũng thấy các bạn trẻ hay tựa lưng chụp hình. Bước vào quán vẫn là cảm giác như lần đầu: quán ấm áp, những chiếc ghế đệm vẫn đặt nguyên đó, giọng của ca sĩ Khánh Ly khi trình bày các ca khúc nhạc Trịnh vẫn vang lên quen thuộc. Tôi gọi cho mình 1 ly cafe đá, còn cô chú thì chọn cho mình cafe sữa nóng.
@lamdatran
@luoilaodao
Cô chú kể: “Quán này ngày trước nó đâu có nằm ở đây đâu con, hồi trước nằm ở đường Thành Thái cũ nay là đường Nguyễn Chí Thanh, đường của khách sạn mình ở đó con”.
Tôi bắt đầu thấy sự thích thú ở những lời kể của cô chú, và nghĩ đây là đề tài khá hay để tôi được dịp hỏi sâu thêm về quán cafe này. Bởi trong suy nghĩ của tôi, chắc đây là quán cafe kí ức của cô chú ngày trước.
Cô kể tiếp, chủ quán ở đây là ông Trần Đình Tùng đã qua đời rồi, nay chỉ còn con trai và người thân bán. Ông Tùng là người Hà Nội đến Đà Lạt khoảng thập niên 1940. Ban đầu kinh doanh cafe không phải là nghề kiếm sống của ông. Hồi đó ông làm công chức, sau đó do công việc nhàm chán nên ông đi làm thợ hớt tóc, nhưng nghề này lại đâu đủ sống, ông lại chuyển qua học pha chế cafe. Ông Tùng mày mò nghiên cứu văn hoá cafe từ những tài liệu người Pháp để lại và nuôi mộng mở một quán cafe nhà phố vừa mang tinh thần Pháp – Âu lại vừa thân thiện.
@lesana.6
@imkrossible13
Nơi lưu giữ những miền ký ức thật đẹp của Đà Lạt
“Cafe Tùng thời điểm này trội hơn một số tiệm cafe khác ở trung tâm, thứ nhất là bởi địa thế đẹp, nhà mặt phố khang trang có tầm nhìn từ đỉnh đồi ngó xuống bờ hồ, dù phố xá thời đó thì hiu hắt lắm, chưa có nhiều nhà cửa hay công trình nên để ngắm nghía” – cô chia sẻ thêm.
Ngoài ra, theo cô chú thì quán Tùng còn mang lại cho thực khách một không gian sang trọng khác biệt, nhất là với âm nhạc, giọng ca Edith Piaf, Yves Montand hay Dalida đã được cất lên từ bộ loa thùng nhỏ trong góc kiosque ấm áp nơi góc phố cao nguyên, lại còn đậm sắc thái văn hoá Pháp. Dòng nhạc từ châu Âu xa xôi như gọi về giấc mơ một tiểu Paris thu nhỏ.
Lúc này, tôi ngớ người vì quá thích thú với câu chuyện mà cô chú kể tôi nghe. Mấy cái tên ca sĩ, tôi hỏi cô viết làm sao, đọc từng chữ như thế nào để tôi note lại.
@victoria.love
@hoquocnam28
@beeerolling
Cô cho biết, quán trụ ở đường Thành Thái vài ba năm thì qua đợt chỉnh trang trung tâm, quán phải dời đi, lần này thì chuyển đến một kiosque dãy nhà bên hông Chợ (Cũ) Đà Lạt, nay là rạp hát Hoà Bình.
Năm 1958, chợ Đà Lạt hiện nay (gọi là Chợ Mới) bắt đầu được xây dựng theo bản thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức, nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu thi công (về sau, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế bổ sung một lối đi bắc ngang qua khu Hoà Bình). Năm 1960, trung tâm Đà Lạt trải qua cuộc chỉnh trang lớn, Chợ Mới khai trương kéo theo việc giải toả dãy kiosque bên hông Chợ Cũ. Lần này gia đình ông Tùng và vợ là bà Lê Thị Giác mới dời quán cafe sang tầng trệt nhà số 6 khu Hoà Bình.
@jamienpham7
@jullynguyen
Cũng nhờ hai lần di dời đó nên gia đình ông Tùng tạm gọi là bắt mạch được phong cách thưởng thức cafe của người Đà Lạt, đặc biệt là giới tri thức, công chức tinh hoa. Một trong những nét làm người ta yêu thích cafe Tùng không chỉ ở âm nhạc từ cái loa thùng phát ra, vị trí trung tâm đẹp, mà còn là cái cách hai vợ chồng ông tự tay rang, xay cafe theo một công thức riêng, trung thành với kiểu cafe pha phin – một lối thưởng thức cafe của người ưa sống chậm, âm nhạc được chọn gout riêng, đậm chất Pháp và thẩm mỹ không gian quán xá được thiết kế ấm áp thân thiện, nhưng rất lịch thiệp. Thêm một yếu tố nữa là tranh ảnh ông treo ở đây mang vẻ hoài niệm cùng phong thái phục vụ đậm chất gia đình nề nếp truyền thống Việt Nam, trong một thiết kế đề cao tính tiện nghi, cởi mở kiểu Mỹ. Uống cafe ở quán Tùng, những giá trị có tính quốc tế thời đó, được nuôi dưỡng từ một bối cảnh lịch sử đặc biệt của thành phố Đà Lạt, mà hình thành nên bản sắc, nhất quán cho đến mãi sau này.
@jullynguyen
@hoangbach.br
@empty.moments
Tôi như chững lại với mạch chuyện cô kể, cứ như cô chú là người Đà Lạt thời đó, hay thậm chí là bà con của ông Trần Đình Tùng thì phải, nên kể tôi nghe rất hấp dẫn mà chi tiết đến lạ lùng. Tôi mới tiếp tục nói: “Cô chú kể con nghe tiếp nhé, để con có cái sau này còn kể cho những du khách khác nghe, bởi đây không chỉ là câu chuyện mà nó còn là ký ức mà nếu như không giữ lại thì chắc chẳng ai biết tại sao cafe Tùng lại nổi tiếng đến vậy”.
Tới lượt chú kể tôi nghe về ông Trần Đình Tùng. Hồi đó, giới tri thức tìm đến quán cũng bởi một phần là ông Tùng đứng ở quầy pha chế cafe với một bộ veston, tóc chẻ ngôi giữa, dáng thư sinh. Ngoài giới tri thức, thì Cafe Tùng còn có sức hấp dẫn với các tác giả, nhà thơ, ca sĩ thời đó hay lui tới như Lê Uyên Phương, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Thị Lệ Mai (Khánh Ly), Bùi Giáng, Đinh Cường, Từ Công Phụng, sau này có Phước MPK,…
@yu3001
@tmeett
@filmnotpixel
“Ngày đó ông Tùng giữ nề nếp đến mức chỉ mướn những người đàn ông làm xẹc-via (phục vụ) cùng với người trong gia đình để đảm bảo thể diện “an toàn” cho quán. Do quán được nhiều giới tri thức đến nhiều nên phân khúc giá ly cafe ở đây cũng hơi cao trong thời bấy giờ. Có 1 điều mà ít ai biết, đó là do quán phân khúc hơi cao nên vợ chồng ông Tùng có nghĩ đến nhóm khách bình dân nên mở thêm một quán nữa tên Domino ở bến xe cũ, là một dạng quán cafe cóc ngày nay.” – cô chậm rãi kể lại.
@crazylittle.thing
@hansssna
Kết thúc câu chuyện cũng hơn 21h tối, cô chú nói: “Thôi nhiêu đây được rồi, chuyện ký ức kể bao giờ cho hết, về nghỉ ngơi nha con, mai tiếp tục đưa cô chú và mọi người đi tham quan tiếp. Nhớ chụp cho cô chú mấy tấm tình cảm nhiều nhiều nha, để về khoe tụi nhỏ!”.
Tôi mỉm cười, bảo cô chú yên tâm, mai tôi chụp cho cô chú đến lúc nào được kêu ngừng thì thôi. Riêng tối hôm nay được nghe cô chú kể chuyện hay quá nên tôi xin mời chầu này. Cô chú cười phì rồi bảo mai rảnh sẽ kể tiếp tôi nghe, do thấy tôi cũng yêu Đà Lạt nhiều như cô chú thời trẻ.
Quan sát quán một cái rồi tôi cùng cô chú đứng lên đi về. Trên đường đi bộ về khách sạn, tôi chợt nhận ra: Tất cả những gì quán Cafe Tùng có từ thời bắt đầu sáng nghiệp, đến nay thay đổi không nhiều lắm. Giữa cái se lạnh của trời đêm Đà Lạt, ngồi quán Cafe Tùng nhìn từng ngọn đèn, từng dòng người qua lại mờ ảo qua ô cửa kính, tôi thực sự cảm nhận trọn vẹn sự thơ mộng của thành phố mù sương. Chiếc lò sưởi càng làm ấm lòng những lữ khách ngồi trong quán, những người trẻ hay cả những ai mong muốn tìm về kí ức một thời của mình.
@laohacstore
@lai.france
Chia sẻ dưới bài đăng của anh Linh, nhiều người trong đó đa số là các bạn trẻ đã bày tỏ:
– Nguyễn Ngọc Thúy: “Em có hỏi thăm thì được biết quán đã mở được 62 năm. Và ngồi ở đây chỉ cần thả mình vào từng bài nhạc, rồi uống ngụm cafe, là em đã thấy đủ. Quán hợp cho người trầm tính, thích uống cafe. Yaourt của quán cũng rất ngon. Quán không hợp với các bạn trẻ thích cười nói lớn tiếng đâu. Không gian quán rất thoáng và đậm chất Đà Lạt xưa, nên cho dù có mùi thuốc lá vẫn không thấy ngộp.”
– Nguyễn Châu Thông: “Lần nào lên Đà Lạt mình cũng ra đây ngồi. Ngồi cả buổi mà không chán. Lên Đà Lạt mà không ra Tùng thì chưa phải là lên Đà Lạt!”
– Hải Đăng Bùi: “Một bài viết rất hấp dẫn. Một tuyến điểm không phải để chụp hình check-in sống ảo, mà là để hiểu Đà Lạt giá trị nhất ở điều gì? Cảm ơn tác giả”
– A.Mỳ Phạm: “Vốn không thích cafe vì vị đắng. Nhưng nghe anh kể xong bỗng muốn ghé đến một lần.”
– Linh Trúc Vũ: “Tuổi đời em mặc dù còn nhỏ thật, nhưng em luôn có một cảm giác đặc biệt với quán, cứ như có một sự thu hút khó cưỡng lại vậy.”
– Giang Hý: “Mua bánh mì ở tiệm bánh Cối Xay Gió xong quẹo qua đây làm ly cafe sữa nữa thì còn gì tuyệt vời bằng!”
@yu3001
@dalatstory
Nay tuy ông Tùng không còn nữa, nhưng người con trai trưởng của gia đình là Trần Đình Thông đã đứng ra đảm đương công việc mà ông và vợ để lại cho đến tận bây giờ. Cứ thế, Cafe Tùng mãi tồn tại và chiếm cảm tình của không ít du khách giữa một rừng quán xá mới mọc lên tại thành phố sương mù. Nếu cũng muốn tìm về một hồn thơ Đà Lạt rất xưa, rất riêng thì còn chần chờ gì nữa mà không thử đặt chân đến nơi này một lần bạn nhỉ?
Nguồn: KENH14.VN