Việc chú chó bị bỏ mặc tới chết trong thùng vận chuyển bắp cải để đảm bảo thực thi luật Sharia đã gây chấn động ở Indonesia, châm ngòi tranh cãi về loại hình du lịch liên quan.
Bài đăng lan truyền trên mạng xã hội Indonesia vào tháng 10 cho thấy chú chó màu đen có tên Canon bị quan chức địa phương bắt giữ tại Khu nghỉ dưỡng Kimo ngoài khơi đảo Sumatra.
Canon bị đặt trong một thùng bắp cải tại khu nghỉ dưỡng, bên trên phủ một tấm bạt. Theo đoạn video trên mạng xã hội, Canon bị chết ngạt trước khi chủ của Kimo Resort – ông Willy – thu gom xác, South China Morning Post cho biết.
Đoạn video cũng cho thấy lực lượng Cơ quan Trật tự Công cộng cố gắng bắt giữ Canon bằng một cây gỗ dài. Nhiều người cáo buộc đây là hành vi tàn ác với động vật. Hashtag #JusticeForCanon trở thành xu hướng trên mạng xã hội Indonesia. Bản kiến nghị trên Change.org kêu gọi một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vụ việc đã thu được hơn 130.000 chữ ký cho đến nay.
Khu nghỉ mát nằm trên hòn đảo thuộc Aceh, tỉnh duy nhất ở Indonesia theo luật Sharia của đạo Hồi. Việc bắt giữ con chó là một phần của “cuộc truy quét” nhằm đảm bảo các cơ sở du lịch tuân thủ luật Sharia, trong trường hợp này có nghĩa là loại bỏ những con vật haram (có nghĩa là bị cấm).
Du lịch Halal là gì?
Aceh ngày càng trở thành một điểm đến nổi tiếng với du khách Hồi giáo. Du lịch thân thiện với người Hồi giáo đang phát triển – dự kiến mang lại hơn 220 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2020 nếu đại dịch Covid-19 không xuất hiện.
Indonesia, nơi có khoảng 90% trong tổng số 270 triệu dân là người Hồi giáo, đang tìm cách khai thác tiềm năng này để thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch – lĩnh vực trước đại dịch đã đóng góp gần 5% GDP của đất nước.
10 trong số 34 tỉnh của Indonesia được xác định là các điểm du lịch Halal, có nghĩa họ tuân thủ luật Sharia và tránh xa các sản phẩm và dịch vụ bị cấm như rượu và cờ bạc.
Tuy nhiên, vụ việc liên quan đến Canon đã làm nổi bật sự nhầm lẫn xung quanh định nghĩa “du lịch Halal”, cũng như ai là người phải chịu trách nhiệm thực thi bất kỳ quy định Halal tương tự ở các khu du lịch khác.
Indonesia đang hy vọng thúc đẩy nền kinh tế thông qua du lịch thân thiện với người Hồi giáo. Ảnh: Shutterstock. |
Không rõ quy định cụ thể
Cảnh sát trưởng huyện Singkil của tỉnh Aceh xác nhận họ đang điều tra đơn khiếu nại ngược đãi động vật.
“Chúng tôi đang xem xét liệu con chó có bị tra tấn hay không. Chúng tôi cho rằng việc bắt giữ nó có thể liên quan đến du lịch Halal”, ông Iin Maryudi Helman cho biết.
“Chúng tôi sẽ điều tra chính xác du lịch Halal nghĩa là gì và liệu điều đó có phải là không được bán thịt lợn trong nhà hàng hay không được phép nuôi chó trong khu vực. Có khả năng những thứ này nằm trong quy định của địa phương nên chúng tôi cần kiểm tra”, ông nói thêm.
Ông Willy đã đưa ra thông báo chính thức vào ngày 26/10, trong đó gửi “lời xin lỗi tới cư dân Aceh Singkil về vụ lộn xộn” vừa qua.
“Ngay cả khi các bên muốn phản đối và coi đây là vấn đề, sự việc không dựa trên mong muốn hay hướng dẫn của cá nhân tôi và tôi không chịu trách nhiệm”, ông nói.
Cảnh sát Helman cho biết theo như những gì ông biết, sở hữu chó tại một nơi siêu bảo thủ như Aceh không phải là hành vi bất hợp pháp.
Việc bắt giữ Canon được cho là một phần của “cuộc truy quét” nhằm đảm bảo các cơ sở du lịch tuân thủ luật Sharia. Ảnh: SCMP. |
Ramadhan Syahmedi Siregar, giảng viên về Luật Hồi giáo tại Đại học Nhà nước Hồi giáo Bắc Sumatra, cho biết có một số nhầm lẫn xuất phát từ việc các quận tự ban hành quy định địa phương dưới sự bảo đảm của luật quốc gia Indonesia. Do đó, luật địa phương liên quan đến du lịch Halal sẽ chỉ áp dụng cho khu vực cụ thể, thay vì ở cấp quốc gia.
“Liệu đã có quy định địa phương nào ở Aceh chính thức hóa về việc có được phép nuôi chó hoặc mang chó đến đó hay không”, ông nói. “Ý nghĩa về du lịch Halal cũng cần làm rõ trong quy định của địa phương. Bạn không được phép mang theo một số động vật (như chó) đến các khu du lịch Halal? Nếu làm vậy thì có những hình thức phạt nào? Tất cả điều này cần phải làm rõ trước tiên”.
Trong cuộc gọi với Hiệp hội Du lịch Halal chỉ vài ngày sau cái chết của con chó, Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno đã kêu gọi người dân bình tĩnh, đồng thời cố gắng làm rõ mục đích của du lịch Halal.
“Du lịch Halal không được làm tổn thương bất cứ ai”, ông nói.
Đoạn video cho thấy lực lượng Cơ quan Trật tự Công cộng cố gắng bắt Canon bằng cách sử dụng một cây gỗ dài. Ảnh: SCMP. |
Theo Sebastian Hutabarat – nhà hoạt động địa phương và chủ sở hữu các doanh nghiệp trong và xung quanh Hồ Toba, một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Bắc Sumatra, du lịch Halal đã tồn tại trong nhiều thập niên theo cách không chính thức.
“Chúng tôi luôn tôn trọng sự khác biệt của nhau. Đó không phải là vấn đề”, anh Hutabarat nói.
Hutabarat – người sở hữu tiệm bánh pizza địa phương tên là Pizza Andaliman – cũng đặt câu hỏi về điều gì làm nên một nhà hàng “Hồi giáo” có tiêu chuẩn Halal.
“Ví dụ, chúng tôi không phục vụ thịt lợn trong nhà hàng, nhưng chúng tôi bán rượu vang nếu mọi người muốn gọi”, anh nói. “Chúng tôi không theo đạo Hồi nên rõ ràng không phải lúc nào chúng tôi cũng đạt được tiêu chuẩn cần thiết. Tuy nhiên, có rất nhiều địa điểm ăn uống ở đây với các loại thực phẩm khác nhau cho mọi người”.
“Chúng ta cần phải có góc nhìn khác biệt, đó không nhất thiết phải là một vấn đề nhạy cảm tới như vậy”, anh nói thêm.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn