Trong cuốn sách sắp xuất bản, hai tác giả Grady Hendrix và Chris Poggiali cho rằng việc Lý Tiểu Long qua đời làm thay đổi số phận dòng phim võ thuật ở Mỹ.
Theo SCMP, These Fists Break Bricks: How Kung Fu Movies Swept America and Changed the World – cuốn sách chuẩn bị xuất bản vào tháng 9 – là tác phẩm nghiên cứu tỉ mỉ về cách kung fu gây tác động đến điện ảnh Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn với SCMP, hai tác giả Grady Hendrix và Chris Poggiali nói về sự bắt đầu và suy thoái của dòng phim võ thuật từng gây tiếng vang tại Mỹ thập niên 1970.
Khởi đầu của dòng phim kung fu tại Mỹ
– Cuốn sách giải thích cách võ thuật Trung Quốc du nhập vào Mỹ và dẫn đến thành công của các bộ phim kung fu. Tại sao điều đó lại xảy ra?
– Ban đầu, judo du nhập sang Mỹ bởi những người nhập cư từ Nhật Bản, sau đó tạo lên cơn sốt vào đầu thế kỷ 20. Thậm chí, cả Tổng thống Teddy Roosevelt cũng học judo. Chiến tranh thế giới thứ hai tác động nhiều đến điều này. Sau Thế chiến II, môn võ thuật không còn phổ biến, thay vào đó là môn võ karatedo của Nhật Bản.
Những người quan tâm đến môn võ karatedo sau đó được truyền cảm hứng, tìm kiếm thứ gì đó mới mẻ hơn, và đó chính là kung fu của Trung Quốc. Những người đầu tiên đón nhận kung fu là cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Họ đến những khu phố Tàu, xem phim võ thuật và tỏ ra thích thú, góp phần đưa phim Trung Quốc phát triển rộng rãi.
Mao Anh là một trong những ngôi sao làm dòng phim võ thuật Trung Quốc phát triển ở Mỹ. Ảnh: SCMP. |
– Tại sao những bộ phim Hong Kong cuối thập niên 1960-1970 lại gây tiếng vang với khán giả trẻ da màu?
– Phần lớn các bộ phim Hong Kong giai đoạn đó đều lấy cảm hứng từ các cuộc biểu tình chống thực dân. Phim kể về những thanh niên giàu nhiệt huyết, thuộc tầng lớp lao động nghèo, chống lại thế lực từ bên ngoài.
Điều đó thực sự gây được tiếng vang ở Mỹ vào đầu những năm 1970. Ở Mỹ, người da màu thường xuyên đối mặt với vấn nạn phân biệt chủng tộc, thậm chí không được chính phủ coi trọng. Thanh niên da màu cảm thấy họ bị tước quyền công dân. Phim kung fu của Hong Kong truyền đến thông điệp không phải chỉ người da trắng, người giàu có mới có phẩm giá và lòng tự trọng.
– Có phải Lý Tiểu Long giúp phim kung fu nổi tiếng ở Mỹ không?
– Lý Tiểu Long là siêu sao của dòng phim kung fu. Tuy nhiên, ông không phải là người đầu tiên đặt nền móng. Five Fingers of Death ra mắt vào năm 1973, trước khi phim của Lý Tiểu Long được ra rạp chính thống ở Mỹ. Thời điểm đó, tác phẩm của ngôi sao võ thuật chỉ được chiếu ở những khu phố Tàu.
Five Fingers of Death là bộ phim thành công vang dội, mặc dù Warner Brothers thời điểm đó chỉ xem bộ phim là tác phẩm thử nghiệm, mở đường cho sự ra mắt tác phẩm Long Tranh Hổ Đấu của Lý Tiểu Long.
Sau Five Fingers of Death, các bộ phim của Mao Anh, tiêu biểu là Deep Thrust được phát hành và đều thành công rực rỡ. Hollywood đột nhiên chứng kiến sự xuất hiện của đả nữ gốc Hoa trong một bộ phim hành động. Điều đó chưa từng xảy ra ở Mỹ và nhanh chóng được chú ý. Sau đó, các bộ phim của Lý Tiểu Long được lồng tiếng Anh, phát hành rộng rãi ở các rạp, không chỉ giới hạn ở các khu phố Tàu.
Sau khi được nhiều tác phẩm dọn đường, Long Tranh Hổ Đấu của Warners Bros. trở thành hit lớn của phòng vé. Bộ phim đưa Lý Tiểu Long trở thành siêu sao, cuối cùng làm lu mờ những tài năng khác.
Vì sao phim kung fu giảm nhiệt?
– Tại sao tác giả cho rằng phim võ thuật chỉ thành công trong năm 1973, một năm sau dòng phim kung fu đã lỗi mốt?
– Phim võ thuật từng là xu hướng chủ đạo, nhưng cuối cùng cũng chịu cảnh lụi tàn. Nói cách khác, dòng phim này có số phận giống với phim gắn mác 18+ những năm 1970. Trong khoảng một năm, loại phim này cực kỳ phổ biến, khán giả thấy chú ý và nhanh chóng bị cuốn theo, nhưng trào lưu cũng có lúc nguội và chấm dứt.
Trong năm 1973, phim kung fu chiếm phần lớn các cụm rạp. Cái tên Mao Anh, Lý Tiểu Long, Long Tranh Hổ đấu, Five Fingers of Death… là những diễn viên, bộ phim đáng xem. Tuy nhiên, thời khắc đó trôi qua khi bước sang năm 1974.
Lý Tiểu Long qua đời làm thay đổi số phận dòng phim võ thuật tại Mỹ. Ảnh: SCMP. |
– Đằng sau sự giảm nhiệt đó là gì?
– Có nhiều nhà phân phối chọn chiếu phim kung fu, nhưng ưu tiên tác phẩm có cảnh thô thiển, khiêu dâm hạng nặng. Điều đó đã phản tác dụng. Có người cho rằng phim võ thuật chỉ cần tập trung vào chuyên môn, người xem sẽ theo dõi, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Ngoài ra, phim kung fu phần lớn được chiếu ở các rạp phim nằm trong khu vực thiếu an toàn, an ninh lỏng lẻo. Vì vậy, khán giả lo lắng, không dám đến rạp vì tình trạng trộm cướp. Nhưng khi bắt đầu xuất hiện trên sóng truyền hình vào những năm 1980, tác phẩm kung fu có được lượng khán giả trung thành. Người xem không phải đến những nơi thiếu an toàn để xem phim.
– Sự qua đời của Lý Tiểu Long có ảnh hưởng gì đến bối cảnh phim võ thuật ở Mỹ?
– Khi Lý Tiểu Long qua đời, các nhà sản xuất đều muốn kiếm tiền từ danh tiếng của ông. Ngay cả khi có cảnh quay nhỏ về Lý Tiểu Long, hoặc một số tư liệu về thời thơ ấu của nam diễn viên, đó cũng được xem là những thước phim vàng.
Nhiều người có thể dựng những tư liệu sẵn có về Lý Tiểu Long thành phim. Sau khi bí đề tài, nhiều nhà sản xuất lăng xê những tên tuổi ăn theo Lý Tiểu Long. Vài năm sau khi huyền thoại võ thuật qua đời, hàng loạt bản sao Lý Tiểu Long ra đời. Đó là khoảng thời gian điên rồ.
Thậm chí có người lợi dụng cảnh quay đám tang của Lý Tiểu Long, chèn vào một bộ phim thậm chí không liên quan gì đến nội dung. Có một cậu bé 11 tuổi ở New York chỉnh sửa cảnh quay của nam diễn viên trong chương trình truyền hình The Green Hornet thành phim và kiếm được hàng triệu USD.
Mọi người đã kiếm tiền nhờ hình ảnh của ông một cách vô độ. Họ không cần biết gì ngoài việc tạo ra tác phẩm về Lý Tiểu Long nhiều nhất có thể. họ chỉ muốn có thêm Lý Tiểu Long. Những bộ phim như Bruceploitation – lợi dụng tên tuổi của ông là quá khủng khiếp, khó chấp nhận. May mắn là điều đó cuối cùng cũng lắng xuống.
– Phim Hong Kong có trở nên tầm thường ở Mỹ sau thành công của “Ngọa hổ tàng long”?
– Khó mà đưa ra kết luận điều này. Trước khi dòng phim võ thuật bước vào giai đoạn suy thoái, điện ảnh Hong Kong phát triển suốt 40 năm, ảnh hưởng đến cách làm phim của nhiều đạo diễn khắp thế giới. Hong Kong thậm chí làm điện ảnh bùng nổ. Sự thoái trào đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nguồn: News.zing.vn