Theo kinh nghiệm của những bạn đã từng đến châu Âu cho biết, vẫn có thể đến đây chỉ với 40 triệu trong 22 ngày, nhưng chuyến đi của bạn sẽ phải tiết kiệm hết mức.
Mặc dù câu chuyện cầm 40 triệu đi du lịch châu Âu của cô bạn Quỳnh Nhi gây tranh cãi vào ngày hôm qua đã được bóc mẽ rằng “đó không phải là số tiền thật sự mà mình đã dùng”. Sau đó có rất nhiều bình luận trái chiều cho rằng Quỳnh Nhi đã nói quá khi 40 triệu làm sao có thể đến được trời Âu? Tuy nhiên cũng có những nhận xét từ những người đã từng trải, từng thực hiện chuyến du lịch châu Âu rằng các con số, cũng như chi phí mà Quỳnh Nhi nêu ra là không sai.
Vậy cuối cùng là cô nàng ấy đúng hay sai?
Gói gọn lại hành trình của Quỳnh Nhi, thì cô nàng này ngoại trừ vé máy bay, thủ tục làm visa, cũng như các chi phí di chuyển từ nhiều phương tiện công cộng như bus, train,… là bình thường ra thì hầu như ở các khoản khác đều phải tiết kiệm đến mức tối đa như phải ở Hostel thay vì khách sạn 4 sao như thực tế của Quỳnh Nhi, hay phải ăn kem tại khách sạn cho bữa sáng, ăn mì bò hoặc vào siêu thị mua thức ăn nhanh,…
Sau khi tìm hiểu, bạn Lê Thanh Châu (Sn 1990) hiện đang là giáo viên thanh nhạc tại TP.HCM cho biết, mình là người đã từng có kinh nghiệm du lịch Pháp, Bỉ, Hà Lan và Đức vào năm ngoái trong vòng 8 ngày nhưng số tiền chi trả đã lên đến hơn 120 triệu đồng. Tuy nhiên, Thanh Châu cũng không phủ nhận về những thông tin mà Quỳnh Nhi chia sẻ. Châu nói:
Ảnh: Châu Joan
Với số tiền 40 triệu này, bạn có thể dùng để chi trả hết theo đúng như từng khoản phí mà Quỳnh Nhi đã liệt kê trong bài viết. Tuy nhiên về Hostel hay việc mua vé di chuyển, ăn uống không phải lúc nào cũng mua được ở mức giá đó. Nó giống với việc bạn đi mua đồ hạ giá vậy, người ta nói hạ đến 80% nhưng đâu phải món nào cũng hạ hay hạ đúng thời điểm mà bạn mua!
Khi mình đến Pháp, một Hostel mà mình cảm thấy là cực nhỏ, tạm đủ tiện nghi mà cũng không được nằm quá gần trung tâm mà đã lên đến 15-20 Euro/đêm thay vì giá 12 Euro mà cô bạn chia sẻ. Để tiết kiệm chi phí thì mình thuê theo đúng lịch trình, có nghĩa là ở tới đâu thì thuê tới đó. Đến nơi khác thì mình thuê chỗ mới nên giá sẽ lại thay đổi chứ không thể tính cố định một mức như trên.
Ảnh: Châu Joan
Đồ ăn ở một số quốc gia công nhận là rất rẻ, nhưng mình nói thế này nhé, đi du lịch mà không thưởng thức ẩm thực, món ăn ngon ở nước ngoài thì đi du lịch để làm gì? Trong khi ẩm thực là một trong những cách để mình cảm nhận, cũng như khám phá, tìm hiểu nền văn hóa của nước bạn. Còn như bài viết chia sẻ lại ăn sáng bằng kem mà còn kham khổ ăn đồ siêu thị, lót dạ tô mì và chai coca thì với mình là quá sức chịu đựng.
Đồng quan điểm như Thanh Châu, bạn Sỹ Tuệ cũng là người đã du lịch đến 3 quốc gia trong vòng 12 ngày nhận xét thêm. Trong hành trình trước đây mình cũng đã đi theo hướng tự túc và mình nói là mọi thứ đều rất cực khổ. Thường xuyên di chuyển, thay đổi địa điểm liên tục nên người luôn dễ bị mất sức mà ăn uống còn không được thoải mái nữa thì… không biết sống sao.
Còn với hành trình 40 triệu như được chia sẻ thì mình nghĩ chắc phải cực vô cùng, đừng nói gì ăn uống vặt vãnh. Mà có khi cơm ba bữa cũng không đủ để ăn, trừ khi vác theo mấy thùng gói mì tôm ăn suốt trong 22 ngày, nếu không bạn sẽ chỉ có thể thưởng thức các món ăn nhanh trong siêu thị. Ở Pháp bạn có thể vào các siêu thị mua Pasta, Piazza hay bánh mì sandwich với giá 3-4 Euro/chiếc. Đặc biệt ở Đức đồ ăn không hề rẻ, nên gần như phải tiết kiệm tối đa thì bạn có thể vào siêu thị mua đồ về tự nấu cho bữa tối. Mà nghĩ cảnh đi du lịch đã mệt mà còn phải về tự nấu đồ ăn thì thật sự đã thấy nản.
Mặc dù thức ăn trong siêu thị ở nước ngoài có nhiều món vẫn khá ngon, nhưng với 22 ngày lúc nào cũng như thế thì thật sự là có khi bạn chẳng cầm cự được đến hết chuyến đi.
Di chuyển thì có thể cố gắng tiết kiệm bằng phương tiện công cộng. Như trước đây mình từng sử dụng thử có vé 24h ở Hà Lan giá 7.5 Euro mà không hạn chế số lần trong trung tâm Amsterdam, hay ở Italy có vé 24h giá 7 Euro không bạn chế số lần trong trung tâm Rome chẳng bạn. Sang Pháp thì mình mua vé Mobilis giá 7 Euro đi trong zone 1&2, loanh quanh hết các điểm tham quan mà còn đi được bus ra sân bay nữa chứ.
Chưa kể còn có hàng tá những thứ cần phải tham quan khác khi đến những nơi này. Có thể vì bạn hoặc bất cứ ai muốn tiết kiệm một cách tối đa nhưng có những thứ cần phải thử và đáng phải chi trả thì tại sao không? Còn với hành trình này thì mình đoán chỉ có thể đến nước này, nước kia, xong đi loanh quanh ngoài phố, chụp ảnh check in ở các địa điểm công cộng rồi đi về, thế thôi. Còn đâu là ý nghĩa của du lịch và trải nghiệm nữa cơ chứ?
Ảnh: Denis
Khung cảnh tuyệt đẹp ở Berlin được Tuệ lưu lại.
Và theo các bạn thì với 7 quốc gia mà Quỳnh Nhi chia sẻ là Pháp, Cộng Hòa Séc, Đức, Iceland, Hà Lan, Hy Lạp với Ý trong vòng 22 ngày thì ít nhất cũng phải có trong tay sẵn 90 – 110 triệu là hợp lý, đúng ý cho những bạn nào có tính tiết kiệm, nhưng vẫn đủ để bạn ghé thêm nhiều nơi hoặc ăn uống ở mức gọi là không quá kham khổ.
Trong đó, giá vé visa luôn là 1.500.000 đồng. Vé máy bay bạn có thể đặt mua từ các hãng Qatar với giá khoảng 15 – 20 triệu đồng (tùy thời điểm), chi phí khách sạn/hostel rơi vào mức 13 – 14 triệu, khoảng 16 – 17 triệu cho phương tiện di chuyển, ăn uống khoảng 9 – 10 triệu (nếu bạn muốn được thử thêm nhiều món ngon và khám phá văn hóa địa phương thì nên cần nhiều hơn một chút để thưởng thức), phí tham quan khoảng 3 – 4 triệu và còn lại là để phòng thân, hoặc chi trả cho những chi phí phát sinh như điện thoại, sóng 4G,… lẫn bất trắc khác có thể xảy ra trong chặng đường.
Đừng bao giờ tham rẻ khi du lịch xa, đặc biệt những nơi càng xa thì càng phải có sự chuẩn bị chu đáo, nhất là tiền phòng thân và dự phòng để cần là có sử dụng. Ngoài ra du lịch là cần phải có sự thưởng ngoạn, khám phá và học hỏi, chứ không phải chỉ hồng hộc đến nơi rồi check in xong đi về. Bởi vậy du lịch giờ đây muốn tiết kiệm cũng được nhưng phải học cách tiết kiệm một cách thông minh và hợp lý.
Nguồn: KENH14.VN