Tiểu đường thai kỳ là căn bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà bầu và em bé nếu không được kiểm soát tốt.
Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng cách các tế bào của cơ thể sử dụng đường (glucose). Bệnh gây ra lượng đường trong máu cao, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của phụ nữ mang thai và em bé nếu không được kiểm soát.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), ở phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ, lượng đường trong máu thường sớm trở lại bình thường sau khi sinh. Nhưng nếu từng bị tiểu đường thai kỳ, phụ nữ có nguy cơ mắc tiểu đường type II cao hơn. Những người này sẽ phải kiểm tra nồng độ đường trong máu thường xuyên hơn để phòng ngừa nguy cơ.
Nguyên nhân
Theo Mayo Clinic, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết lý do chính xác một số phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ trong khi nhiều người không gặp phải tình trạng này. Cân nặng dư thừa trước khi mang thai thường đóng vai trò nào đó.
Thông thường, các hormone khác nhau hoạt động để giữ cho lượng đường trong máu luôn ở trong mức kiểm soát. Nhưng khi mang thai, lượng hormone thay đổi, khiến cơ thể khó xử lý lượng đường trong máu hiệu quả. Điều này khiến đường huyết dễ tăng cao.
Phụ nữ có tiền sử mắc tiểu đường thai kỳ nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên hơn. Ảnh: CDC. |
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), bệnh tiểu đường có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, nhưng phổ biến hơn là 6 tháng cuối.
Một số phụ nữ có rủi ro mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn, bao gồm:
– Thừa cân và béo phì (chỉ số khối BMI >30)
– Thiếu hoạt động thể chất.
– Từng mắc tiểu đường hoặc có tiền sử tiểu đường thai kỳ.
– Mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
– Tiền sử gia đình mắc tiểu đường.
– Từng sinh con nặng cân (trên 4,1 kg).
– Chủng tộc – Phụ nữ da đen, gốc Tây Ban Nha, người Mỹ da đỏ và người Mỹ gốc Á có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn.
Đối với hầu hết phụ nữ, bệnh tiểu đường thai kỳ không gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng đáng chú ý. Bệnh thường được phát hiện trong quá trình tầm soát tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, một số người có thể xuất hiện triệu chứng nếu có lượng đường huyết quá cao, bao gồm: khát nước quá mức, đi tiểu thường xuyên, khô miệng, mệt mỏi.
Biến chứng
Bệnh tiểu đường thai kỳ không được kiểm soát cẩn thận có thể dẫn đến lượng đường huyết cao. Điều này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nguy hiểm tới bà bầu và thai nhi, bao gồm khả năng sinh mổ. Phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ cũng có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
– Cao huyết áp và tiền sản giật: Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ cao huyết áp, cũng như tiền sản giật – biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ gây ra huyết áp cao và các triệu chứng khác có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và con.
– Bệnh tiểu đường trong tương lai: Nếu mắc tiểu đường thai kỳ, bạn có nhiều khả năng mắc lại bệnh này trong lần mang thai tiếp theo. Bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type II cao hơn khi về già.
Không kiểm soát tốt bệnh tiểu đường thai kỳ có thể gây hại cho bà bầu và thai nhi. Ảnh: Riversidehealthsystem. |
Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, em bé có thể tăng nguy cơ có cân nặng khi sinh quá mức. Lượng đường trong máu cao hơn bình thường ở người mẹ có thể khiến thai nhi phát triển quá lớn. Những em bé quá lớn (nặng từ 4,1 kg trở lên) có nhiều khả năng bị chèn ép trong ống sinh, bị chấn thương khi sinh hoặc chỉ định sinh mổ.
Lượng đường trong máu cao có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh con trước ngày dự sinh. Hoặc nếu em bé có cân nặng quá mức, bác sĩ có thể khuyến nghị sinh sớm.
Thai nhi cũng có nguy cơ gặp phải hội chứng suy hô hấp, khó thở nếu mẹ mắc tiểu đường thai kỳ. Bé dễ bị béo phì, tiểu đường type II trong tương lai.
Trẻ sơ sinh được sinh ra từ các bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ bị hạ đường huyết. Điều này là do gan của trẻ đáp ứng kém với glucagon, dẫn đến tình trạng giảm sản xuất glucose.
Rủi ro nguy hiểm nhất đối với em bé là thai chết lưu. Bệnh tiểu đường thai kỳ không được điều trị có thể gây thai lưu hoặc nguy cơ tử vong ở trẻ ngay sau khi sinh.
Cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ
Các nhà khoa học cho biết không có gì đảm bảo khi nói đến việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ nhưng cũng khuyến cáo phụ nữ nên có nhiều thói quen lành mạnh trước khi mang thai. Nếu bạn đã từng bị tiểu đường thai kỳ, những thói quen này cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh lần nữa trong các lần mang thai tiếp theo.
Ăn đồ ăn có lợi cho sức khỏe
Bạn nên chọn thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo, tập trung vào trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Cố gắng tìm kiếm sự đa dạng để giúp bạn đạt được mục tiêu mà không ảnh hưởng hương vị hoặc dinh dưỡng.
Thường xuyên tập thể dục, vận động
Tập thể dục trước và trong khi mang thai có thể giúp bảo vệ bạn khỏi phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ. Mục tiêu có thể là 30 phút hoạt động vừa phải hàng ngày, bao gồm đi bộ, đi xe đạp, bơi lội…
Có cân nặng hợp lý khi bắt đầu mang thai
Nếu bạn dự định mang thai, giảm cân trước đó để có mức cân nặng hợp lý, chuẩn bị cho thai kỳ khỏe mạnh. Bạn nên tập trung vào việc thực hiện những thay đổi lâu dài đối với thói quen ăn uống lành mạnh, chẳng hạn ăn nhiều rau và trái cây hơn.
Hạn chế tăng cân ở mức khuyến cáo
Tăng cân trong thời kỳ mang thai là bình thường và khỏe mạnh. Nhưng tăng cân quá nhanh và nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Vì vậy, khi mang thai, bạn nên hỏi kỹ bác sĩ về mức tăng cân hợp lý cho bản thân.
Nguồn: News.zing.vn