Sở GD&ĐT An Giang tạm dừng dạy học trực tuyến, qua truyền hình đối với học sinh tiểu học một tuần. Vấn đề đặt ra là địa phương nên có chiến lược cho giai đoạn tiếp theo.
Nhằm đảm bảo sức khỏe, giảm áp lực căng thẳng cho giáo viên và học sinh tiểu học sau 9 tuần dạy và học trực tuyến, ngày 23/11, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang ban hành văn bản số 3530/SGDĐT-GDMN, GDTH về việc tạm dừng dạy và học trực tuyến, dạy học qua truyền hình đối với học sinh tiểu học từ ngày 29/11 đến hết ngày 5/12.
Theo quyết định của Sở GD&ĐT An Giang, tất cả giáo viên và học sinh tiểu học được tạm nghỉ dạy và học trực tuyến, dạy học qua truyền hình từ ngày 29/11 đến hết ngày 5/12. Ảnh: Báo Tin Tức. |
Đến ngày 6/12, giáo viên và học sinh tiểu học tiếp tục dạy và học trực tuyến, dạy học qua truyền hình theo chương trình của tuần 10.
Đại diện Sở GD&ĐT An Giang cho rằng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, học sinh phải tạm nghỉ học trực tiếp để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe.
Việc dạy học linh hoạt (trực tuyến, qua truyền hình, xem video, giao nhiệm vụ học tập…) là yêu cầu tất yếu mà ngành GD&ĐT phải thích nghi để có thể cung cấp kiến thức kịp thời cho học sinh, mặc dù các hình thức dạy học này không thể đạt chất lượng bằng dạy học trực tiếp, nhất là đối với học sinh tiểu học.
Toàn ngành GD&ĐT An Giang đã và đang nỗ lực bằng tất cả biện pháp có thể để nâng cao chất lượng học tập của học sinh, đồng thời khắc phục những hạn chế của việc dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, để bảo đảm sức khỏe, giảm áp lực căng thẳng cho giáo viên và học sinh tiểu học, sở giáo dục quyết định tạm dừng việc học trực tuyến, học qua truyền hình.
PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) – cho rằng việc cho học sinh tiểu học tạm nghỉ học online có thể do địa phương căn cứ trên tình hình học online quá dài.
Thực tế cho thấy nếu việc học online quá dài với trẻ sẽ có những tổn thương về sức khoẻ và tinh thần nếu không có những giải pháp đi kèm. Chẳng hạn việc học sinh ngồi học online nhiều khi cha mẹ đi làm hoặc không có các hoạt động thể chất xen kẽ.
Trong khi đó, với học sinh tiểu học, tinh thần và tâm thế học tập quan trọng hơn khối lượng kiến thức. Việc nuôi dưỡng cảm giác hứng thú với việc học, kết nối trong nhà trường có ý nghĩa nhiều hơn việc đưa quá nhiều kiến thức.
“Tôi cho rằng việc học online với học sinh tiểu học đã chạm tới ngưỡng khi bố mẹ đã trở lại làm việc trong bình thường mới. Việc trẻ ở nhà một mình có nhiều nguy cơ như cháy nổ, điện giật, nước nóng, ngã… Tuy nhiên, chính sách cho trẻ tạm dừng học online thì phải nhìn thêm ở khía cạnh khác.
Đó là, sở GD&ĐT nên có hướng dẫn chi tiết để giáo viên hướng dẫn học sinh, phụ huynh về việc linh hoạt các hoạt động tiếp cận kiến thức, hoạt động thể chất, đảm bảo việc học không bị gián đoạn, tinh thần được thoải mái. Chẳng hạn việc hướng dẫn phụ huynh giúp con tham gia hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên, giúp đỡ việc nhà…”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho biết việc cho học sinh tạm dừng học online cũng là cách để giảm áp lực cho giáo viên. Trong quãng thời gian tạm nghỉ này, ngành giáo dục địa phương nên có chiến lược cho việc tương tác với các con trong diễn biến mới nếu tiếp tục học online kéo dài. Đó có thể là những giờ học tương tác chất lượng chứ không kéo dài giờ học cơ học nữa.
Được biết, việc linh hoạt trong hoạt động dạy và học trực tuyến của các cơ sở giáo dục trên địa bàn là do địa phương quyết định phù hợp tình hình dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, thời gian tới, khi dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, thứ trưởng đề nghị các tỉnh/thành tiếp tục ưu tiên hàng đầu việc đảm bảo an toàn sức khoẻ cho học sinh, cán bộ, giáo viên. Bên cạnh các giải pháp đã và đang thực hiện, các sở GD&ĐT cần tích cực tham mưu, đề xuất để sớm hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine cho đội ngũ nhà giáo, nhân viên trường học và học sinh.
Trước đó, Bộ GD&ĐT phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức tập huấn trực tuyến cho 1.000 cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Các chuyên gia tâm lý Việt Nam và quốc tế đã chia sẻ với các thầy cô về kinh nghiệm và kiến thức của 4 chuyên đề quan trọng. Đó là nhận diện những vấn đề tâm lý học sinh phổ thông trong đại dịch Covid-19; hướng dẫn kỹ năng tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong đại dịch Covid-19 và sau khi quay lại trường học; nguy cơ tổn thương tâm lý trên không gian mạng và những phương thức giáo viên, phụ huynh tư vấn hỗ trợ và cuối cùng là hướng dẫn kỹ thuật cân bằng công việc và gia đình cho cán bộ, giáo viên.
Nguồn: News.zing.vn