Cần sớm phủ vaccine cho người dân tại điểm du lịch

0
34

Trong hai ngày đầu tiên của đợt họp tập trung, Quốc hội thảo luận trên nghị trường về tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch.

Quốc hội thảo luận kinh tế – xã hội, công tác phòng, chống dịch Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận về kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19.
  • Nguồn lực chi cho chống dịch đến nay đã gần 100.000 tỷ

    Thông tin nguồn lực chi cho chống dịch đến nay đã gần 100.000 tỷ đồng, đại biểu Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng – An ninh) nhận định đây là con số rất lớn. Ông nhấn mạnh ngân sách Nhà nước thời gian qua phải căng ra lo chi cho chống dịch nên cần thắt chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý thu chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, triệt để tiết kiệm các khoản chi.

    “Lúc này ta phải thực sự tiết kiệm, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng”, vị đại biểu tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

    Cùng với đó, cần huy động tối đa nguồn lực vào hoạt động kinh tế, nhất là ở địa phương trọng điểm, có chính sách hỗ trợ để không gây thiếu hụt lao động, thu hút lao động trở lại để tránh tình trạng người dân rời thành phố về quê, “người nghèo lại phải nuôi người nghèo”.

  • Đại biểu nhắc việc cán bộ đi đánh golf, coi bánh mì không phải lương thực

    Nói về vấn đề thực thi công vụ trong phòng chống dịch, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng vẫn có những bất cập ở nhiều nơi.
    Điển hình như việc Chính phủ chỉ đạo thống nhất lưu thông hàng hóa, thông suốt giao thông vận tải, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, nhưng ở một số địa phương đã đặt ra yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
    Trong khi lãnh đạo Chính phủ thì sát sao chỉ đạo, thì một bộ phận cán bộ ở cơ sở còn lơ là, chủ quan trong chống dịch. Bà đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải là căn bệnh trầm kha bấy lâu, nhưng khi dịch bệnh càng bộc lộ rõ hơn?”.

    Đại biểu thẳng thắn nhắc đến việc có cán bộ địa phương vi phạm quy định chống dịch khi đi đánh golf, có chuyện cán bộ xô xát với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, có nơi thì cán bộ xa rời thực tế khi cho rằng bánh mì không phải là lương thực, một số cán bộ vào nhà dân ép phụ nữ làm xét nghiệm…

    “Những vấn đề này tạo ra hình ảnh phản cảm, làm mất uy tín của chính quyền. Tôi cho rằng với bất kỳ vấn đề gì thì cán bộ phải nêu gương, chấp hành trước”, bà Hoa nói.

    Theo đại biểu, với bất gì việc gì, phải tạo đồng thuận của người dân. Trong tình thế cấp thiết, với vi phạm thì phải xem xét xử lý hành chính, thậm chí là xử lý hình sự; tránh xử lý cảm tính, bất chấp quy định pháp luật.

    “Biện pháp gì cũng phải bảo đảm sức khỏe, tính mạng, lợi ích hợp pháp của người dân”, đại biểu  nói.

    Quoc hoi thao luan tinh hinh kinh te xa hoi anh 1
  • Dự báo tình hình dịch Covid-19 cần sát thực tiễn

    Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (tỉnh Bình Thuận) cho rằng bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống dịch còn bộc lộ nhiều hạn chế. Dự báo tình hình dịch Covid-19 có lúc chưa sát với thực tiễn; có nơi còn lơ là, cứng nhắc trong việc chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể.
    Việt Nam cũng đang phải nhập khẩu vaccine, kit xét nghiệm với số lượng lớn, giá cả cao; phân bổ số lượng vaccine chưa đồng đều.

    Ngoài ra, hệ thống y tế bộc lộ nhiều điểm yếu kém, đặc biệt là y tế cơ sở, nhân lực y tế tại chỗ còn thấp.
    Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Xuân Linh đề nghị Chính phủ thời gian tới cần quan tâm đẩy mạnh biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; nghiên cứu, tăng cường dự báo dịch Covid-19; chỉ đạo các địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn ứng phó, an toàn, linh hoạt…

  • Đề nghị nâng mức trần số giờ làm thêm lên 400 giờ/năm

    Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang) đánh giá cao việc Chính phủ chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch và việc các lãnh đạo cấp cao nỗ lực triển khai ngoại giao vaccine.

    Góp ý về giải pháp chống dịch thời gian tới, ông Thịnh nêu thực tiễn thời gian qua ở các địa phương đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế dự phòng vừa yếu về nhân lực lại thiếu trang thiết bị, điển hình việc xét nghiệm ở tuyến huyện không có nên dồn lên cấp tỉnh khiến việc xác định ca bệnh chậm trễ khi dịch bùng phát. Vì vậy, ông kiến nghị dành nhiều nguồn lực cho y tế dự phòng với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

    Về kế hoạch kinh tế xã hội năm 2022, trong khi chưa quyết định tăng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ tăng đầu tư toàn xã hội bằng việc tăng đầu tư vòng quay tiền thông qua cải cách hành chính trong triển khai dự án ngoài ngân sách và dự án đầu tư công, đảm bảo thủ tục hành chính được thực hiện nhanh gọn, dễ giám sát.

    “Tăng đầu tư toàn xã hội bằng cách này còn tác dụng không đem lại rủi ro lạm phát cho nền kinh tế”, ông phân tích.

    Ngoài ra, đại biểu tỉnh Bắc Giang chuyển đến Quốc hội ý kiến ông ghi nhận trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, đó là các doanh nghiệp đề nghị nâng mức trần số giờ làm thêm lên 400 giờ/năm để các doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất kịp hoặc bù đơn hàng cho đối tác, đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng thu nhập cho người lao động.

    “Các doanh nghiệp thiết tha mong muốn Chính phủ và Quốc hội sớm có văn bản cho việc này, bằng không doanh nghiệp sẽ lo lắng bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đình chỉ sản xuất do quá giờ làm thêm”, ông Thịnh nói.

  • Đề nghị sớm phủ vaccine cho người dân tại điểm du lịch

    Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) dành thời lượng phát biểu để đóng góp ý kiến về khôi phục các hoạt động du lịch trên cả nước, chuẩn bị cho thời kỳ hậu Covid-19. Ông Quân nhấn mạnh đây là ngành chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế và đang bị ảnh hưởng nặng nề.

    Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2021 đã giảm 97% so với cùng kỳ, du lịch trong nước chịu tình cảnh tương tự. Đại biểu đề nghị nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp du lịch, từ xúc tiến quảng bá cho đến xác định thị trường, mục tiêu, đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, hàng hóa, sản phẩm.

    Ông cũng đề nghị cần có chính sách hợp lý hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực này.
    Ngoài ra, người dân, người lao động tại các điểm du lịch cần sớm được tiêm vaccine để đảm bảo an toàn khi mở cửa các hoạt động du lịch quốc tế.

    Quoc hoi thao luan tinh hinh kinh te xa hoi anh 2

    Đề xuất miễn giảm giá cước Internet cho học sinh, sinh viên

    Đề cập đến vấn đề dạy, học trực tuyến thời gian qua, đại biểu Dương Tấn Quân mong muốn các địa phương, ngành giáo dục hỗ trợ học sinh, giáo viên về trang thiết bị, tập huấn kỹ năng sử dụng các phần mềm dạy, học trực tuyến.
    Ông đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, nâng cao chất lượng đường truyền, hạ tầng công nghệ, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa để đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh. Bộ GD&ĐT sớm rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn dạy và học trực tuyến, đào tạo từ xa; xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá, ngân hàng câu hỏi phù hợp với chương trình học trực tuyến.

    Đại biểu Quân cũng đề nghị Bộ Y tế sớm triển khai kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho học sinh các cấp học, tạo điều kiện đến trường trong giai đoạn tới; tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông tích cực hỗ trợ cơ sở giáo dục trong xây dựng phần mềm học trực tuyến; xem xét miễn giảm giá cước Internet cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cơ sở giáo dục…

  • Cần tạo điều kiện cho sản xuất quy mô lớn

    Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) trình bày về khó khăn trong phát triển kinh tế nông thôn của bà con tại Đồng bằng sông Cửu Long. Theo bà Hương, đất đai nông nghiệp khu vực này còn manh mún, phân tán, ảnh hưởng đến sản xuất và thu hút đầu tư. Bà đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Đất đai, tạo điều kiện cho đơn vị sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

    Đại biểu An Giang cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và cơ quan liên quan có chính sách, biện pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, phân bón và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho người dân giai đoạn này.
    Bà đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp bộ ngành liên quan, xây dựng mô hình mới, kết nối cung cầu, chuỗi cung ứng đảm bảo hiệu quả, chấm dứt tình trạng “được mùa – mất giá” người nông dân vẫn phải gánh chịu.

    Quoc hoi thao luan tinh hinh kinh te xa hoi anh 3
  • Chuẩn bị khoản ngân sách bất thường để giải quyết tình huống không bình thường

    Là người đầu tiên phát biểu, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam) dành nhiều thời gian nói về công tác phòng, chống dịch kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát. Bên cạnh nỗ lực và kết quả đạt được, đại biểu cho rằng vẫn còn những lúng túng trong ứng phó khiến chúng ta phải chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt tại TP.HCM.

    Để phục hồi kinh tế, ông đề nghị quan tâm hơn tới công nhân vì đây là lực lượng vừa qua bị sang chấn tinh thần, điều chưa từng xảy ra, có thể để lại di chứng lâu dài. “Đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng”, ông nhấn mạnh.

    Từ nhận định này, đại biểu Khải đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động.
    Trước hết, cần chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại tìm việc trong môi trường an toàn, hỗ trợ tài chính ổn định cuộc sống, có chính sách khuyến khích người lao động và doanh nghiệp…

    Nhấn mạnh hệ thống an sinh xã hội, đại biểu đề nghị bảo đảm an toàn cho người dân trong biến động về kinh tế, xã hội. Muốn vậy, Chính phủ cần có giải pháp lâu dài về nguồn lực, bảo đảm một số dịch vụ cơ bản, đảm bảo cơ hội công bằng cho toàn dân, nhất là hệ thống y tế ở cơ sở.

    Đặc biệt, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình tình huống không bình thường, mạnh dạn sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động.

    Quoc hoi thao luan tinh hinh kinh te xa hoi anh 4
  • Hơn 100 đại biểu đăng ký phát biểu

    Điều hành phiên thảo luận kinh tế – xã hội sáng 8/11, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh Quốc hội sẽ thảo luận về những nội dung rất quan trọng như kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2021 và kế hoạch cho năm 2022; tình hình ngân sách Nhà nước năm 2021 và kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2022; công tác phòng chống, dịch Covid-19.

    Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các nội dung này đã được thảo luận tại tổ trong phiên họp trực tuyến với hơn 300 lượt phát biểu tại 72 tổ đại biểu Quốc hội.

    Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị mỗi đại biểu phát biểu tối đa 7 phút, tranh luận tối đa 3 phút. Trong quá trình thảo luận, đoàn Chủ tịch sẽ đề nghị các thành viên Chính phủ giải trình những vấn đề đại biểu quan tâm.

    “Đến giờ phút này, đã có 109 đại biểu đăng ký phát biểu”, ông Hải thông tin.

    Quoc hoi thao luan tinh hinh kinh te xa hoi anh 5
  • Hai đoàn đại biểu tiếp tục họp trực tuyến

    Trong đợt họp tập trung, các đại biểu họp tại Nhà Quốc hội, riêng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và Kiên Giang tiếp tục họp trực tuyến do đoàn TP.HCM có 2 trường hợp đại biểu mắc Covid-19; còn đoàn Kiên Giang đang cách ly y tế theo quy định của tỉnh vì tiếp xúc với một F0.

    Những đại biểu Trung ương trong hai đoàn này vẫn dự họp trực tiếp tại Nhà Quốc hội.

  • Mục tiêu năm 2022: Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch

    Tại phiên khai mạc trong đợt họp trực tuyến vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022.

    Người đứng đầu Chính phủ cho biết tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, song do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch thứ tư, riêng quý III giảm 6,17%. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP tăng 1,42%.

    Trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ xác định tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19; khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế.

    Chính phủ cũng yêu cầu thúc đẩy viện trợ, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất trong nước, đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vaccine, chuẩn bị thuốc điều trị cần thiết, nâng cao năng lực y tế, nhất là công tác điều trị và ở cơ sở.

    Chính phủ xác định mục tiêu đề ra cho năm 2022 là: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

    Bên cạnh đó là việc tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

    Về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, Chính phủ xác định 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%.

Cập nhật tình hình Covid-19

Xem chi tiết

Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021

Ca nhiễm

Hôm nay

Tỉnh Hôm nay Tổng số ca

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn