Cánh cổng phân cách thiên đàng và địa ngục ở Bali

0
Cánh cổng phân cách thiên đàng và địa ngục ở Bali

Trong văn hóa Bali, những cánh cổng Candi Bentar là cầu nối giữa thực tại và thế giới tâm linh, giữa sự sống và cái chết.

Cánh cổng phân cách thiên đàng và địa ngục ở Bali

Kiến trúc của Bali là nơi phản ánh tôn giáo, tập quán và văn hóa hàng trăm năm của cư dân sinh sống trên đảo. Khi bạn đến tham quan một ngôi đền ở Bali, Indonesia, điều đầu tiên bạn trông thấy là những cánh cổng chia đôi hay còn gọi là Candi Bentar. Ảnh: Sailing Stone Travel.

Cánh cổng phân cách thiên đàng và địa ngục ở Bali

Cổng Candi Bentar là kiến trúc truyền thống của người Bali được xây dựng ở các đền thờ, nhà ở, cung điện hay nghĩa trang. Cánh cổng bao gồm hai nửa đồng dạng, đối xứng và được đặt hai bên lối vào. Khác với những kiến trúc thông thường, Candi Bentar không hề có điểm kết nối mà hoàn toàn là hai nửa tách biệt, mở ra một lối đi ở trung tâm. Ảnh: Bali Tour.

Cánh cổng phân cách thiên đàng và địa ngục ở Bali

Để giải thích ý nghĩa của Candi Bentar, người Bali có một truyền thuyết kể về sự chia cắt của núi Meru, ngọn núi vàng thần thoại nằm ở trung tâm của vũ trụ, nơi liên kết giữa thiên đàng và tâm trái đất. Theo truyền thuyết cổ của người Hindu, núi Meru là nơi ngự trị của những vị thần tối cao Brahma, Shiva, Vishnu và Davas. Trong đó, các vị thần sẽ ngự ở những vị trí cao thấp khác nhau trên phần thiên đàng của ngọn núi cao một triệu km này. Ảnh: Bali Free Information.

Cánh cổng phân cách thiên đàng và địa ngục ở Bali

Người Bali tin rằng ngọn núi Meru thần thoại thực sự tồn tại ở tiểu lục địa Ấn Độ, sau đó đã được thần Shiva mang đến Bali và chia chúng ra làm hai. Hai phần của ngọn núi hay hai phần của cổng Candi Bentar mang ý nghĩa tượng trưng cho sự cân bằng giữa ánh sáng và bóng đêm của Bali. Ảnh: Get Your Guide.

Cánh cổng phân cách thiên đàng và địa ngục ở Bali

Người Bali tin rằng mọi sự vật trong thế giới đều có hai mặt tồn tại để đảm bảo sự cân bằng cho vũ trụ. Vì vậy nếu đã có thiện sẽ tồn tại cái ác, sự sinh sôi cân bằng với cái chết, niềm vui đi đôi với nỗi buồn, tuổi trẻ cân bằng với tuổi già và sức khỏe cân bằng với bệnh tật. Ảnh: Bali Tour.

Cánh cổng phân cách thiên đàng và địa ngục ở Bali

Trong cuộc sống hàng ngày, người Bali thường sử dụng màu đen, trắng để làm phép ẩn dụ cho sự cân bằng. Màu đen tượng trưng cho cái ác còn màu trắng là sự hiện thân của điềm lành. Vì vậy trong các nghi lễ ở Bali, người dân sử dụng những loại vải có hoa văn đen trắng để cuốn lên thân những cây đa và trang trí đền thờ. Ảnh: Villa Bossi Bali.

Cánh cổng phân cách thiên đàng và địa ngục ở Bali

Một trong những cánh cổng chia đôi đặc trưng nhất của Bali nằm tại đền Pura Lempuyang, một trong sáu ngôi đền Hindu linh thiêng nhất hòn đảo. Ngoài ra, cổng Candi Bentar còn xuất hiện trong các khu nghỉ dưỡng và sân golf. Ảnh: Bali Tour.

Cánh cổng phân cách thiên đàng và địa ngục ở Bali

Đền Lempuyang nằm trên núi cùng tên ở độ cao 1.175 m so với mực nước biển và được bao quanh một khu rừng. Vì vậy để tham quan đền Lempuyang và chiêm ngưỡng phong cảnh của núi Agung phía đối diện, du khách phải chinh phục con đường leo núi với 1.700 bậc thang. Ảnh: Economic Calex.

Cánh cổng phân cách thiên đàng và địa ngục ở Bali

Một địa điểm nổi tiếng khác để tham quan Candi Bentar là cổng Handara thuộc khu nghỉ dưỡng sân golf Handara, cao nguyên Bedugul, phía bắc Bali. Được bao quanh bởi những ngọn núi hùng vĩ và thảm cỏ uốn lượn, cổng Handara đã trở thành một trong những điểm chụp ảnh được nhiều du khách tìm tới. Ảnh: Location Scout.

Lan Hương

Nguồn: Vnexpress.net