Cảnh tắc đường dài vài ki-lô-mét mùa vải thiều Lục Ngạn chín rộ ở Bắc Ninh

0
Cảnh tắc đường dài vài ki-lô-mét mùa vải thiều Lục Ngạn chín rộ ở Bắc Ninh

Cứ vào độ cuối tháng 5 và kéo dài hơn giữa tháng 7, xã Lục Ngạn ở Bắc Giang (tỉnh Bắc Ninh hiện nay) bước vào màu thu hoạch vải thiều nhộn nhịp nhất trong năm. 

Cảnh tắc đường dài vài ki-lô-mét mùa vải thiều Lục Ngạn chín rộ ở Bắc Ninh - 1

Những chuyến xe chở vải nhuộm đỏ cả tuyến đường (Ảnh: Trần Linh).

Được mệnh danh là thủ phủ vải của Việt Nam, vải thiều Lục Ngạn khi chín có màu đỏ tươi đặc trưng, cùi dày, vị ngọt sắc thơm ngon mà hạt nhỏ. Dọc quốc lộ 31 là nơi các xe chở vải lại tấp nập qua lại để mang bán, tạo thành chợ vải đặc biệt.

Vài năm trở lại đây, mùa vải chín nở rộ không chỉ thu hút các thương lái, còn là thời điểm thu hút nhiều nhiếp ảnh gia tới tác nghiệp, ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng nhất.

Anh Trần Linh (31 tuổi) vốn là nhiếp ảnh gia kiêm hướng dẫn viên du lịch, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Vốn ấp ủ thực hiện bộ ảnh chụp cảnh tượng mùa thu hoạch vải ở Bắc Ninh từ lâu, năm nay vải Lục Ngạn nở chín rộ càng tăng thêm động lực khiến anh quyết tâm lên đường.

Cảnh tắc đường dài vài ki-lô-mét mùa vải thiều Lục Ngạn chín rộ ở Bắc Ninh - 2

Để ghi lại khoảnh khắc này, anh Linh đã túc trực ở Lục Ngạn suốt 3 ngày (Ảnh: Trần Linh).

Để ghi lại những khoảnh khắc này, anh Linh phải túc trực ở Lục Ngạn 3 ngày 3 đêm.

Trong đó anh nhận thấy việc tiếp cận địa điểm khó khăn nhất là vấn đề giao thông. Từ 5h đến 8h hàng ngày, từng ngõ ngách lại tấp nập những xe chở vải mang tới nơi tập kết để cân đo trọng lượng và mang đi bán. Lúc này, các phương tiện không thể di chuyển được vì tắc đường có thể kéo dài vài cây số, anh Linh phải tác nghiệp bằng cách đi bộ.

Trong suốt 3 ngày, khi có thời gian rảnh, nhiếp ảnh gia 31 tuổi lại vào nhà người dân hỗ trợ đi hái vải, nhặt quả để bó thành từng chùm, cấp tập chuẩn bị cho sáng hôm sau đi bán sớm.

Sớm tinh mơ, dù trời mưa hay nắng nóng, các xe chở vải đã hối hả chạy tới điểm cân trọng lượng. Anh Linh cũng hòa cùng dòng người để ghi lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ.

Cảnh tắc đường dài vài ki-lô-mét mùa vải thiều Lục Ngạn chín rộ ở Bắc Ninh - 3

Người dân phấn khởi khi vải năm nay được mùa (Ảnh: Trần Linh).

“Những xe chở trái vải tươi đỏ rực ùn ùn xuất hiện khiến cảnh ách tắc kéo dài cả cây số. Đó là cảnh tượng cả trăm chiếc xe máy, xe ba gác đứng chôn chân xếp hàng chờ di chuyển. Nhìn từ trên cao, khoảnh khắc đỏ rực cả tuyến đường là cảnh tượng tôi chưa từng nhìn thấy ở bất cứ đâu”, anh nói.

Sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội, bộ ảnh lập tức nhận được sự chú ý, nhưng nhiếp ảnh gia Trần Linh cũng nhiều tâm tư. Đó là những buổi tối ăn bữa cơm đạm bạc cùng người dân, lắng nghe họ chia sẻ những nỗi niềm về câu chuyện “vải được mùa thì mất giá”.

Để ứng phó với tình trạng này, Sở Công thương Bắc Ninh đang đẩy mạnh mô hình chế biến sâu như sấy khô, ép nước, cấp đông trái vải nhằm đa dạng hóa kênh tiêu thụ.

Trước đó vào cuối tháng 6, trong chuỗi hoạt động của “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn”, ông Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã tham gia livestream bán hàng tấn vải thiều.

Chỉ trong một buổi sáng, các phiên live đã “chốt đơn” liên tục, tiêu thụ hàng chục tấn vải thiều đến khách hàng tại TPHCM, Hà Nội và nhiều tỉnh khu vực miền Trung…

Theo chính quyền địa phương, hoạt động này nhằm quảng bá vải thiều và nông sản đặc trưng của địa phương đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế; giới thiệu hình ảnh, quy trình sản xuất vải thiều và phương thức bán hàng trên các nền tảng số, kịp thời hưởng ứng, đồng hành tiêu thụ vải thiều với nông dân.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, năm 2025, diện tích vải thiều toàn tỉnh được duy trì ổn định ở mức 29.700ha gồm 8.000ha vải sớm và 21.700ha vải chính vụ.

Thời gian thu hoạch vải sớm diễn ra từ 20/5 đến 15/6 và thu hoạch chính vụ từ 10/6 tới khoảng 20/7.

Chất lượng vải thiều năm nay được nhận định tốt nhất từ trước tới nay.

Trong đó tỉnh có khoảng 16.000ha vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, 204ha đạt GlobalGAP và 10ha sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm đảm bảo yêu cầu khắt khe từ thị trường.

Nguồn: Dantri