Cảnh trái ngược ở các quán nhậu tại TP.HCM

0
69

Trong khi một số địa chỉ được phép kinh doanh đồ uống có cồn tại TP.HCM tấp nập thực khách thì nhiều nhà hàng, quán nhậu gặp cảnh đìu hiu do quy định mới.

quan nhau anh 1

Trong khi một số địa chỉ được phép kinh doanh đồ uống có cồn tại TP.HCM tấp nập thực khách thì nhiều nhà hàng, quán nhậu gặp cảnh đìu hiu do quy định mới.

Từ ngày 28/10, nhiều cơ sở kinh doanh hoạt động ăn uống bắt đầu phục vụ khách đến dùng bữa tại chỗ. Chia sẻ với Zing, đại diện một số nhà hàng, quán nhậu tại TP.HCM cho rằng quy định không rượu, bia, đóng cửa sau 21h ảnh hưởng đến doanh thu. Họ đang chờ thông báo mới và tìm cách thích nghi với tình hình hiện tại.


Hoạt động hết công suất, khách phải đặt bàn trước

Nhà hàng BiaCraft, chi nhánh đường Xuân Thủy (TP Thủ Đức), nằm trong khu vực được phép phục vụ rượu, bia từ ngày 29/10.

Trả lời phỏng vấn của Zing, chị Vân Anh, Head of Marketing, cho biết lượng khách đến ăn uống trong 2 ngày đầu mở cửa trở lại khá khả quan. “Theo quy định của UBND, chúng tôi chỉ phục vụ tối đa 50% công suất so với thời điểm trước dịch, ở mức 150 người/lượt. Vì khá đông, khách muốn đến nhà hàng phải đặt bàn trước qua điện thoại hoặc fanpage”.

Chị Vân Anh lý giải do đợt mở cửa rơi vào mùa lễ Halloween cộng với việc chỉ có một số địa phương được thí điểm bán bia rượu nên khách đổ về các khu vực này nhiều.

Đại diện quán cho rằng giới hạn mở cửa đến 21h ảnh hưởng một phần về mặt kinh doanh và tâm lý khách hàng song đây chỉ mới là giai đoạn thí điểm. Các quy định sẽ sớm nới lỏng khi dịch bệnh được kiểm soát.

“Qua báo đài, hầu như khách nào cũng nắm thông tin quán sẽ đóng cửa trước 21h. Chúng tôi cũng dán thông báo trước cửa”, chị nói.

Ngoài chi nhánh ở Thảo Điền, nhà hàng còn mở cửa phục vụ khách tại chỗ ở khu vực Bình Thạnh và quận 3. Ban đầu, doanh nghiệp này lo việc không phục vụ rượu, bia sẽ là trở ngại lớn. Song khi đi vào hoạt động, doanh số khá ổn định, hơn hẳn so với việc chỉ bán mang về và giao hàng tận nơi.

“Sau thời gian ở nhà, nhiều khách hàng vẫn mong muốn quay lại trải nghiệm dịch vụ, không khí ăn uống tại nhà hàng”, chị Vân Anh nói.


Khách từ chối đến quán vì không bán rượu bia

Suối nhiều tháng qua, Xẻng, địa chỉ ăn uống trên con đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), phải đóng cửa do dịch bệnh. Anh Hoàng Long, chủ quán, cho biết mình sử dụng khoản tích lũy dự phòng duy trì quán và được chủ mặt bằng hỗ trợ tiền thuê để “sống sót” qua mùa dịch.

Ngày 28/10, Xẻng mở cửa hoạt động lại. Khách chủ yếu đến quán để tìm lại cảm giác ngồi tại chỗ, gặp gỡ bạn bè. Vẫn không gian cũ, món ăn quen nhưng điều khác biệt duy nhất và lớn nhất là khách không được dùng bia, rượu.

“Quán hoạt động theo mô hình phục vụ đồ ăn và thức uống có cồn nên khách quen còn bỡ ngỡ trước thông tin mới. Vài người gọi đặt bàn trước nhưng khi nhắc vấn đề không phục vụ đồ uống có cồn thì họ từ chối đến”, anh Long chia sẻ với Zing.

quan nhau anh 4

Khách từ chối đến quán nhậu vì không bán rượu, bia. Ảnh: Xẻng.

Quán đủ chỗ để đón tối đa 80 người/lượt, song 2 ngày qua, lượng khách chỉ ở mức 20-30%.

Hiện, anh Long vẫn chờ đợi những thay đổi tích cực để đưa ra phương án phát triển hợp lý. Trước mắt, nhà hàng tìm cách thích nghi với tình hình chung. Quán đóng cửa từ 21h, thực đơn được cô đọng lại, nguyên liệu nấu nướng cũng chỉ nhập số lượng cầm chừng do vắng khách.

Về đồ uống, thay vì rượu bia, quán tập trung vào các loại nước ngọt, mocktail, bia không cồn…


Đóng cửa chờ thông báo mới

Khác với 2 địa chỉ trên, chuỗi quán nhậu Làm Tí – Food Beer vẫn chưa có động thái mở cửa trở lại sau thời gian dài nghỉ dịch. Chị Diễm Thúy, chủ quán, chia sẻ bản thân cần thời gian suy nghĩ để đưa ra kế hoạch phát triển phù hợp.

Thứ nhất, về vấn đề không hoạt động hết công suất, đại diện quán lo ngại doanh thu khó bù đắp nổi các khoản kinh phí phải trả như điện, nước, nhân viên…

Thứ hai, nguyên liệu tăng giá khoảng 20% cũng là vấn đề phát sinh lớn sau mùa dịch. Quán phải đánh giá lại thị trường để đưa ra thực đơn phù hợp và chạy các chương trình khuyến mãi thu hút khách sau mùa dịch.

Thứ ba, quy định mới gây một số khó khăn cho doanh nghiệp ăn uống như việc đóng cửa trước 21h, không phục vụ rượu bia. Theo chị Thúy, thức uống có cồn là nguồn thu chính của những người làm kinh doanh quán nhậu.

“Tôi cho rằng một số quy định chưa rõ ràng. Chẳng hạn như trường hợp nhân viên đã tiêm 2 mũi, khách khai báo y tế đầy đủ nhưng xuất hiện F0 tại quán, tôi phải xử lý thế nào, hoạt động kinh doanh có bị ảnh hưởng gì không”, chị Thúy nêu thắc mắc.

Nếu tình hình không tốt hơn, chị dự định sẽ mở bán lại từ ngày 5/11. Bên cạnh việc thích ứng, tập trung nâng cao chất lượng đồ uống như trà trái cây, nước ép, chị Thúy mở rộng thêm mảng ăn trưa, phục vụ khách online.

Đại diện quán chia sẻ thêm: “Thực khách gặp gỡ bạn bè, đi nhậu thì thích đến quán để có không khí, ít ai mua về nhà. Vì vậy, ngành này sẽ còn gặp khó nếu chẳng may dịch bùng phát, thời gian giãn cách kéo dài”.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn