(TITC) – Phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng đã và đang tạo ra bước đột phá trong du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua. Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã có cuộc phỏng vấn với ông Trương Thế Vinh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng về vấn đề này. Trân trọng giới thiệu nội dung phỏng vấn.
Thác Bản Giốc
Biên tập viên (BTV): Thưa ông, với những tiềm năng du lịch phong phú cùng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, tỉnh Cao Bằng xác định đâu là hướng phát triển bền vững và mục tiêu của ngành du lịch tỉnh nhà?
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Trương Thế Vinh: Trong những năm qua, du lịch Cao Bằng có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, du lịch Cao Bằng đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, điểm xuất phát thấp so với các địa phương khác; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ, nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức cộng đồng về du lịch chưa đầy đủ, dịch vụ, sản phẩm du lịch chất lượng chưa cao; thời gian lưu trú, mức chi tiêu của khách còn thấp.
Nhận thức được tiềm năng phát triển du lịch, qua nghiên cứu và thực tiễn của tỉnh Hà Giang cũng như một số nước trên thế giới, Cao Bằng nhận thấy CVĐC toàn cầu là mô hình vừa phát triển kinh tế – xã hội bền vững, vừa bảo vệ được môi trường, bảo tồn được thiên nhiên, lại sử dụng hợp lý tổng thể mọi dạng tài nguyên, mọi giá trị di sản, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời sẽ xây dựng, phát triển và phát huy hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Vì vậy, năm 2015, tỉnh Cao Bằng đã làm việc với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và đã thống nhất chủ trương thành lập CVĐC Cao Bằng, coi đó như một mô hình phát triển kinh tế – xã hội mới, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương.
Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu là sự ghi nhận của UNESCO về sự đa dạng phong phú của cảnh quan, thiên nhiên, giá trị văn hóa tinh thần tại khu vực CVĐC Non nước Cao Bằng. Là điều kiện để xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch bền vững, coi CVĐC là nhân tố cốt lõi để xây dựng một mô hình phát triển kinh tế – xã hội mới, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, góp phần thúc đẩy nâng cao dân trí và đời sống của nhân dân địa phương.
Việc xây dựng CVĐC non nước Cao Bằng và được công nhận là CVĐC toàn cầu UNESCO vào tháng 4/2018 là sản phẩm du lịch mới, thực sự đã và đang tạo ra bước đột phá trong du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua.
Thác Bản Giốc
Hiện nay, Cao Bằng hướng đến phát triển các loại hình du lịch lấy các giá trị về màu xanh thiên nhiên, giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử và các giá trị về địa chất, đa dạng sinh học làm cốt lõi: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thực hiện mô hình kết hợp du lịch xanh – nông nghiệp xanh, thiết kế các tour du lịch lễ hội, du lịch Trekking, du lịch về nguồn….; đồng thời, tiến hành đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch. Đồng thời, xây dựng thành phố Cao Bằng trở thành trung tâm dịch vụ du lịch với đa dạng các dịch vụ: khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, phố ẩm thực, chợ đêm… Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác bảo vệ môi trường; tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khách; thu hút đầu tư, xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Phấn đấu đến năm 2020 định hình cơ bản mô hình phát triển Du lịch Cao Bằng với những đặc trưng riêng biệt, đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, có sản phẩm du lịch đa dạng, có sức cạnh tranh cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện môi trường, đưa Cao Bằng trở thành điểm đến của các du khách trong nước và quốc tế.
BTV: Thưa ông, trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Cao Bằng sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục thúc đẩy du lịch phát triển theo mục tiêu đã đề ra?
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Trương Thế Vinh: Tỉnh sẽ tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc Lạng Sơn – Cao Bằng, các tuyến giao thông kết nối giữa các khu, điểm du lịch; đầu tư chỉnh trang đô thị, tôn tạo cảnh quan tại các khu, điểm du lịch; nâng cấp và xây dựng mới cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ du lịch tại một số điểm đến trọng điểm.
Cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, giảm các thủ tục, chi phí khuyến khích phát triển du lịch; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các hoạt động đầu tư, xúc tiến, quảng bá du lịch với nhiều hình thức mới; khuyến khích các doanh nghiệp, người dân tham gia vào hoạt động du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo.
Du khách tham quan tại Khu di tích Pác Bó
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch: Làm tốt công tác dự báo, đánh giá toàn bộ nguồn nhân lực của ngành, phân tích nhu cầu nhân lực du lịch, tạo tiền đề xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho từng đối tượng, từng vị trí làm việc nhằm từng bước chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đưa các nội dung việc tuyên truyền bảo vệ môi trường và đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản vào nếp sống của người dân.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch với nhiều hình thức đổi mới, đa dạng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện: Khánh Trang
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn