
Ngày 10/4, hai vợ chồng chị Ánh Nguyệt và Ngọc Thăng di chuyển khoảng 30km từ Đồng Nai, kịp có mặt tại bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM) lúc 5h để chụp bộ ảnh cưới.
Mặc chiếc váy cưới trắng tinh khôi, chị Nguyệt hạnh phúc xen lẫn sự tự hào và nắm chặt tay chồng khi khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời mình được chụp tại khu vực có bối cảnh là dàn pháo lễ ở bến Bạch Đằng.
Đây cũng là trận địa pháo lễ, nơi bắn 21 loạt đại bác chào mừng 50 năm Thống nhất đất nước vào ngày 30/4 sắp tới.
“Nhiều người thấy chúng tôi chụp ảnh cưới tại đây đã gửi lời chúc mừng. Đây sẽ là bộ ảnh cưới độc đáo vì 50 năm mới có một lần”, chị Nguyệt chia sẻ.
Hiện 2 vợ chồng sống và làm việc ở TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Tuy nhiên TPHCM là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm yêu thương nên cặp đôi muốn quay lại đây chụp ảnh cưới.
Hòa trong bầu không khí hân hoan náo nức của dân tộc chuẩn bị chào mừng 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cặp đôi trẻ muốn khoảnh khắc ý nghĩa ấy được ghi hình tại một số địa điểm mang dấu ấn lịch sử khác tại thành phố.
Đó là bộ ảnh mang phong cách “mừng đất nước thống nhất” nên cả hai bàn bạc, lên kế hoạch rồi tìm ê-kíp chụp hình để thảo luận.
“Khi biết bến Bạch Đằng sẽ có dàn pháo lễ chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm, chúng tôi quyết không bỏ lỡ cơ hội hiếm có này. Lần đầu tận mắt chứng kiến dàn pháo hoành tráng, chúng tôi đều trào dâng cảm xúc tự hào và biết ơn các thế hệ đi trước để có cuộc sống hòa bình như hiện tại”, chị Nguyệt nói.
Đinh Duy, chủ tiệm ảnh cưới Chiêu Anh Bridal cho biết, những bức hình chụp tại bến Bạch Đằng diễn ra rất nhanh gọn chỉ khoảng 15 phút là xong. Thời điểm cả ê-kíp tới chụp, khu vực khá đông người nhưng đều diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.
Theo anh Duy, từ đầu tháng 4, nhiều cặp đôi mới cưới đều có chung ý tưởng muốn chụp hình tại các khu vực có dấu ấn lịch sử của thành phố như Dinh Độc Lập, bảo tàng thành phố, bến Bạch Đằng, cầu Ba Son…
Để có bộ ảnh phù hợp, ê-kíp sẽ lên ý tưởng bối cảnh, lựa chọn trang phục lịch sự, phù hợp. Thông thường cô dâu có thể mặc áo dài và chú rể diện sơ mi, quần tây với đạo cụ chính là cờ Tổ quốc.
“Không chỉ muốn ghi dấu khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc đời, các cặp đôi còn muốn sống trong không khí yêu nước sục sôi của dân tộc. Đó là ý nghĩa chính của những bộ ảnh”, anh Duy cho biết.
Được biết, từ đầu tháng 4 tới nay, người dân và du khách tới TPHCM khi đi qua bến Bạch Đằng (quận 1) được chứng kiến 15 khẩu đại bác xếp thành hàng ngang trên thảm đỏ. Sự kiện này dự kiến sẽ thu hút lượng khách rất lớn.
Mỗi khẩu pháo nặng khoảng 4 tấn, được đưa từ Đồng Nai tới TPHCM. Khẩu pháo 105mm cần 6 chiến sĩ phối hợp di chuyển. Hiện người dân và du khách được phép chụp hình lưu niệm với các khẩu pháo nhưng không được tiếp cận gần khu vực pháo.
Những ngày này, khu vực bến Bạch Đằng trở nên náo nhiệt hơn khi người dân và du khách quốc tế đổ về, chiêm ngưỡng và chụp hình cùng dàn pháo lễ.
Dịp lễ 30/4 năm nay dự kiến sẽ là cú hích mạnh mẽ cho ngành du lịch khi số lượng du khách quốc tế và nội địa đều được dự báo tăng cao.
Một trong những hoạt động được mong chờ nhất chính là Lễ kỷ niệm cấp quốc gia và chương trình diễu binh, diễu hành diễn ra vào sáng 30/4.
Đoàn khách quốc tế tới TPHCM dịp này thường lựa chọn những điểm đến mang tính biểu tượng của thành phố như Dinh Độc Lập, chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, hay địa đạo Củ Chi, du ngoạn sông Sài Gòn và tham gia vào các hoạt động du lịch đêm sôi động.
Trong khuôn khổ đại lễ 30/4, TPHCM sẽ bố trí nhiều điểm bắn pháo hoa phục vụ người dân và du khách.
Dự kiến các khu vực bố trí tại đầu đường hầm vượt sông Sài Gòn (TP Thủ Đức), khu vực đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi), khu vực tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn); khu di tích Láng Le – Bàu Cò (huyện Bình Chánh); sân bóng đá huyện Cần Giờ; Công viên Lịch sử – Văn hóa Dân tộc (TP Thủ Đức); Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11).
Nguồn: Dantri