Câu chuyện đằng sau những tấm bằng xuất sắc

0
79

Sách “Con nhà người ta” gửi tới những người trẻ thông điệp hãy yêu và sống mãnh liệt cho tuổi trẻ của mình.

Không chỉ nói về quan niệm, hay lối đi khác nhau của những thủ khoa tốt nghiệp tại các trường đại học, sách Con nhà người ta còn là câu chuyện của những người trẻ dám sống, dám mơ ước, khát khao, dấn thân, vươn lên.

Cuốn sách còn là trải nghiệm thực tiễn của người trong cuộc và những bài học được rút ra từ chính trải nghiệm đó.

Nhiệt huyết của người trẻ

Con nhà người ta được hình thành từ một dự án của nhóm bạn trẻ yêu viết, yêu đời, có tên là Winbooks (với ý nghĩa như một luồng gió tươi mới, đầy ắp tình yêu thương, thổi vào cuộc sống đôi khi nhàm chán này). Nhóm có 6 thành viên gồm: Nguyễn Hoàng Hiệp, Nguyễn Thị Huế, Vũ Hoàng Long, Nguyễn Thành Đạt, Trinh Anna và Lương Thùy Trang.

Con nha nguoi ta anh 1

Sách Con nhà người ta. Ảnh: M.C.

Xuất phát từ việc muốn tìm hiểu những bí quyết thực sự để trở thành thủ khoa, đồng thời mong muốn giúp các bạn trẻ đánh thức tuổi trẻ của mình, Winbooks đã tiến hành các cuộc phỏng vấn (hoặc hội thoại) thủ khoa các trường đại học.

Từ các bức thư ngỏ, cuộc hẹn (có khi nhanh chóng diễn ra, nhưng cũng không ít lần tiếc nuối vì lỡ duyên), nhóm đã thực hiện một loạt cuộc phỏng vấn (hội thoại ghi âm) với những thủ khoa tốt nghiệp tại các trường đại học ở Hà Nội.

Mỗi thủ khoa là một câu chuyện về hoài bão, tuổi trẻ, con đường đi đến thành công. Đằng sau sự thành công đó không chỉ có nụ cười, mà có cả nước mắt, sự thất bại, tranh đấu… Song tựu trung, đó là sự nhiệt huyết, lạc quan và sự cầu tiến của những người trẻ.

Sống hết mình vì đam mê

Trần Huyền Anh, thủ khoa tốt nghiệp khoa Phát thanh và Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2016, mang đến câu chuyện của người có tình yêu duy nhất dành cho truyền hình, sống hết mình vì tình yêu và làm tất cả để giữ lửa yêu nghề.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Huyền Anh đăng ký nguyện vọng duy nhất là chuyên ngành đào tạo truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (bất chấp rủi ro có thể trượt).

Sau khi đỗ đại học ngành này, Huyền Anh mang sự mộng mơ của cô gái trẻ đến giảng đường đại học. Dù được anh trai kể về hành trình làm nghề, cô không tránh khỏi những phút chếnh choáng, vì giữa đam mê và thực tế luôn có khoảng cách nhất định.

Huyền Anh coi những lần vỡ mộng trong quá trình va vấp với nghề không có gì quá đau đớn và suy sụp, mất hết đam mê, ý chí. Ngược lại, chính những lần vỡ mộng đó trở thành đòn bẩy để cô đi xa hơn.

Nghề truyền hình không đơn thuần chỉ có một MC duyên dáng với cái máy quay nhỏ, mà để làm ra một chương trình phát sóng cho triệu người xem là công sức của cả một ê-kip.

Nghề truyền hình cũng không cho Huyền Anh nhiều thời gian rảnh rỗi, lúc nào cũng luôn tất bật…

Dẫu vất vả chịu nhiều hy sinh nhưng Huyền Anh chưa bao giờ thấy hối hận khi chọn nghề này, cô thấy hạnh phúc khi được làm điều mình yêu thích.

Con nha nguoi ta anh 2

Lễ tốt nghiệp và trao bằng cử nhân 2019 của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Nguồn: USSH.

Câu chuyện của Ngô Thanh Thanh Huyền, thủ khoa tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế – Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2018 kể về người đứng lên từ thất bại.

Năm đó, Thanh Huyền thi ngành công an theo nguyện vọng của bố mẹ và đã bị trượt. Đó là một điều tồi tệ với cô.

Thanh Huyền đã quá bối rối để có thể lựa chọn lai hướng đi khác, nên chỉ loay hoay một chương trình liên quan tiếng Anh để duy trì vốn ngoại ngữ của mình.

Nhận được sự tư vấn của người thân, cô lựa chọn ngành Kinh doanh quốc tế – Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và bắt đầu tập yêu kinh tế, kinh doanh. Trước đó, nữ sinh không thích kinh tế, một phần vì cô nghĩ nó liên quan Toán và dân ban D không phải ai cũng học giỏi môn này.

Trần Tùng Ngọc, thủ khoa tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) không dừng lại giới hạn của bản thân, không sợ hãi, hãy cứ trải nghiệm.

Trước khi tham gia thi tuyển đại học, Tùng Ngọc may mắn được tuyển thẳng vào khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tuy nhiên, với sở thích tìm hiểu văn hóa lịch sử Hàn Quốc, bạn đã tìm hướng đi khác cho mình.

Không dừng lại ở việc được tuyển thẳng, vào một ngôi trường có truyền thống và danh tiếng, Tùng Ngọc lựa chọn thi vào khoa Đông Phương học, để có thể tìm hiểu về văn hóa Hàn Quốc, học tiếng Hàn.

Trong quá trình học tập, Tùng Ngọc đã mở rộng biên độ phạm vi nghiên cứu, cũng như cơ hội nghề nghiệp ngoài các công việc có liên quan văn hóa Hàn Quốc. Hiện, Tùng Ngọc làm công việc dịch thuật ở chương trình tiếng Hàn thuộc VOV5 và đảm nhận thêm công việc giảng dạy tiếng Hàn tại Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Câu chuyện của Huyền Anh, Thanh Huyền, Tùng Ngọc là ba trong số ít những câu chuyện của các thủ khoa trong cuốn Con nhà người ta tràn đầy màu sắc thanh xuân.

Cuốn sách không khuyến khích những người trẻ bắt buộc phải trở thành thủ khoa, hoặc trở thành chàng trai, cô gái hàng đầu. Nó gửi tới những người trẻ thông điệp hãy yêu, sống mãnh liệt cho tuổi trẻ của mình.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn