Lãnh đạo CDC Thừa Thiên – Huế nói với hình thức chỉ định thầu, đơn vị không buộc phải mua vật tư phòng dịch của doanh nghiệp trúng thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trước đó.
Một công ty chuyên kinh doanh dược liệu và công nghệ y tế có trụ sở ở TP Huế (Thừa Thiên – Huế) vừa phản ánh một số dấu hiệu khuất tất trong đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, trang phục phòng chống dịch Covid-19 do CDC Thừa Thiên – Huế thực hiện.
Sau khi nhận thông tin phản ánh, Sở Y tế Thừa Thiên – Huế đã lập tổ công tác do thanh tra sở chủ trì để xác minh sự việc. Dự kiến việc xác minh sẽ hoàn thành trong khoảng 7-10 ngày.
“Không thiên vị khi chỉ định thầu”
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 13/9, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành quyết định 2252/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục, kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất, trang phục phòng chống dịch Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp.
Việc mua sắm đợt này gồm 8 gói thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu rút gọn. Chủ đầu tư thực hiện việc mua sắm là CDC Thừa Thiên – Huế, tổng mức đầu tư gần 19 tỷ đồng bằng nguồn vốn sự nghiệp y tế năm 2021.
Trụ sở CDC tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ảnh: Điền Quang. |
Trao đổi với Zing, ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết ông bất ngờ về việc doanh nghiệp tố đơn vị khuất tất trong mua sắm vật tư phòng dịch Covid-19. “Sau khi nhận thông tin phản ánh từ báo chí, đơn vị đã có báo cáo sự việc cho Sở Y tế. Sở cũng đã lập tổ công tác để xác minh làm rõ sự việc này”, ông Đức nói.
Lý giải về việc doanh nghiệp cho rằng việc thay đổi cấu hình vật tư phòng dịch so với gói thầu trước đó là không rõ ràng, có dấu hiệu khuất tất, Giám đốc CDC tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết gói thầu do Sở Y tế làm chủ đầu tư vào tháng 4 là đầu thầu rộng rãi qua mạng. Khi tình huống dịch cấp bách, CDC đã tham mưu tỉnh để xin xây dựng gói thầu với cơ chế mua sắm là chỉ định thầu rút gọn.
“Hình thức mua sắm trực tiếp thì chịu ảnh hưởng mua sắm theo gói thầu trước đó của Sở Y tế. Theo đó, CDC phải mua ngay nhà thầu vừa trúng thầu với cấu hình, giá vừa trúng thầu. Riêng hình thức chỉ định thầu rút gọn thì không bị ràng buộc điều đó”, ông Đức cho hay.
Theo ông Đức, sau khi được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt, CDC đã gửi thư mời thầu đến các nhà thầu hiện có trên địa bàn. Đơn vị đã cho đăng thông tin lên cổng thông tin để các nhà thầu biết và tham gia.
“Doanh nghiệp phản ánh sự việc cũng có tham gia dự thầu nhưng giá quá cao so với những nhà thầu khác. Chúng tôi chỉ ưu tiên những nhà thầu đảm bảo giá thấp nhất, không có sự thiên vị đơn vị nào khi áp dụng hình thức chỉ định thầu”, ông Đức chia sẻ.
”Đưa giá thấp để loại doanh nghiệp”
Còn doanh nghiệp tố cáo là Công ty kinh doanh dược liệu và công nghệ y tế Đ.T. cho rằng CDC tỉnh Thừa Thiên – Huế không gửi thông báo mời để đàm phán về giá, cấu hình vật tư phòng chống dịch Covid-19, dù trước đó đơn vị này đã trúng thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng.
Đại diện Công ty kinh doanh dược liệu và công nghệ y tế Đ.T. cho biết chủ đầu tư là CDC Thừa Thiên – Huế đưa giá sàn của bộ áo quần chống dịch thương hiệu Danameco quá thấp so với giá trị thực tế thị trường nhằm mục đích loại doanh nghiệp.
“Với giá sàn 84.000 đồng/bộ thì nhà sản xuất không thể cung ứng được, huống gì các đơn vị kinh doanh. Trên cổng thông tin của Bộ Y tế không có giá như vậy, đồng thời nhà sản xuất Damameco cũng báo giá là 130.000 đồng/bộ”, vị đại diện Công ty Đ.T. bức xúc.
Theo đại diện Công ty Đ.T., khi chủ đầu tư ưu tiên lựa chọn nhà thầu có giá thấp nhất, đơn vị này đã có công văn gửi Sở Y tế và CDC tỉnh Thừa Thiên – Huế thông báo về việc đơn vị này có áo quần chống dịch với giá 65.000 đồng/bộ, đảm bảo tiêu chuẩn phòng chống dịch của Bộ Y tế nhưng vẫn không được lựa chọn.
“Họ lấy lý do không chọn vì độ nặng của sợi vải không đảm bảo. Tuy nhiên, độ nặng sợi vải áo quần chống dịch của đơn vị khi so sánh với các nhà cung ứng khác thì tương đương”, đại diện Công ty Đ.T. chia sẻ.
Nói về việc chủ đầu tư điều chỉnh cấu hình bộ áo quần chống dịch, đại diện Công ty Đ.T cho rằng việc điều chỉnh đó không rõ lý do và có dấu hiệu bất thường.
Vị này dẫn chứng cụ thể các bộ trang phục bảo hộ chống dịch cấp độ 4 đã bị thay đổi các thành phần, gồm: Khẩu trang N95:3M – Mỹ đổi thành N95 – Pháp; bao giày Danameco – Việt Nam đổi thành Thời Thanh Bình – Việt Nam; găng tay HTC – Việt Nam đổi thành Merufa – Việt Nam; kính bảo vệ Polison Corporation – Đài Loan đổi thành Sugie – Đài Loan.
Nguồn: News.zing.vn