‘Cha hùm mẹ hổ’ Trung Quốc đã đi đâu?

0
‘Cha hùm mẹ hổ’ Trung Quốc đã đi đâu?

Chuẩn mực nuôi dạy con cái của phụ huynh Trung Quốc đã thay đổi, không còn quá tập trung vào các hình phạt hay ám ảnh bởi sự vâng lời, theo Sixth Tone.

cha me ho trung quoc anh 1

Thời điểm đó, giáo sư luật của ĐH Yale Amy Chua vừa xuất bản cuốn sách Battle Hymn of the Tiger Mother để nói về phong cách nuôi dạy con ở Trung Quốc gồm nhiều hình thức kỷ luật, trừng phạt thể chất để nhắm tới mục tiêu thành công trong học tập. Cuốn sách trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông của Mỹ.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi sách nhanh chóng được dịch ra tiếng Trung, song nó đã được đổi tên thành Mothering in the United States. Và điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là cuốn hồi ký không được đón chào quá nồng nhiệt.

Nhiều bà mẹ ở trường mầm non của Thượng Hải, nơi tôi thực hiện nghiên cứu, đã đọc cuốn sách. Nhưng khi được hỏi cảm nhận, họ nói rằng phong cách nuôi dạy con của Chua không giống với mình chút nào. Họ thấy cách khai thác “cha hùm mẹ hổ” khá chán, nếu không muốn nói là rất kỳ lạ.

cha me ho trung quoc anh 2

“Mẹ hổ” Amy Chua (bên phải), tác giả cuốn hồi ký “Battle Hymn of the Tiger Mother”, yêu cầu hai con Sophie (bên trái) và Lulu luyện đàn 3 tiếng/ngày. Ảnh: Lorenzo Ciniglio/Polaris.

Với tư cách là một phụ huynh Trung Quốc thuộc thế hệ Millennial, tôi hoàn toàn chia sẻ điều đó.

Nguyên mẫu “cha mẹ hổ” đã tận dụng và củng cố một số định kiến ​​lâu đời của phương Tây về người Trung Quốc. Thực tế, những định kiến ​​này ngày càng lỗi thời.

Thông qua nghiên cứu của mình, tôi hy vọng sẽ khám phá ra sự thay đổi này đã diễn ra như thế nào. Mục tiêu giáo dục con cái của cha mẹ Trung Quốc thế kỷ 21 là gì? Và nếu không phải là sự vâng lời một cách tuyệt đối, các bậc phụ huynh ngày nay mong muốn gì ở con cái họ?

Thay đổi

Quay trở lại đầu những năm 1990, khi nhà nhân chủng học David Y.H. Wu khảo sát các gia đình ở Thượng Hải về cách giáo dục con cái, ông nhận thấy rằng việc nuôi dạy những đứa trẻ ngoan ngoãn vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Một đứa trẻ ngoan được định nghĩa biết nghe lời. Theo Wu điều này là kết quả của những ảnh hưởng thời cổ đại lẫn hiện đại.

Ông cho rằng các bậc phụ huynh tập trung vào kỷ luật vì lo ngại viễn cảnh về một thế hệ con cái “hư hỏng”, đồng thời do ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, vào thời điểm tiến hành nghiên cứu của mình vào khoảng hai thập kỷ sau đó, tôi nhận thấy bối cảnh nuôi dạy con cái đã rất khác.

41% người được hỏi nói rằng họ đánh giá cao nhất đức tính “hòa đồng”, tiếp đến là “lòng tốt và quan tâm người khác”, “sự độc lập” ở những đứa trẻ. “Vâng lời” là lựa chọn ít phổ biến nhất: Chỉ 2% phụ huynh cho biết đây là đặc điểm quan trọng nhất để con trẻ học hỏi.

cha me ho trung quoc anh 3

Phụ huynh chờ đợi bên ngoài trường học khi học sinh dự Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia ở Thẩm Dương, vào ngày 7/7/2020. Ảnh: AFP.

Những kết quả này cho thấy quan niệm nuôi dạy một đứa trẻ ngoan đang thay đổi ở Trung Quốc.

Mặc dù nỗi lo về “sự hư hỏng” không bao giờ nguôi ngoai, các hình thức kỷ luật nghiêm khắc – được giới học thuật gọi là “cách nuôi dạy độc đoán” – không còn được ưa chuộng. Thay vào đó, kể từ đầu những năm 2010, các bậc cha mẹ đã tìm cách truyền dạy những hành vi xã hội tích cực và ý thức độc lập cho con cái.

Tuy vậy, cách dạy con của phụ huynh Trung Quốc vẫn rất khác với cha mẹ phương Tây.

Ví dụ, khi nói về chạy đua thành tích học tập, người Trung Quốc không còn bị ám ảnh như xưa, nhưng đó không phải là kết quả của việc học đòi hay bắt chước phương Tây.

Tất cả bắt nguồn từ việc nhiều người không còn tin kết quả học tập hay bằng cấp là yếu tố quyết định duy nhất cho tương lai, nhất là trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện tại.

Mâu thuẫn

Nếu trước đây, cha mẹ Trung Quốc khắt khe với con trẻ vì nỗi lo buông thả sẽ dẫn đến sự hư hỏng trong tương lai, ngày nay, nhiều người có suy nghĩ ngược lại. Con cái được che chở quá mức được cho sẽ dễ bị tổn thương hơn khi bước ra đời.

Do đó, sự độc lập mang một ý nghĩa mới. Nó không còn là dấu hiệu của sự bất tuân, mà là sự tự lập và khả năng phục hồi tâm lý. Khả năng phục hồi này đặc biệt được đánh giá cao trong bối cảnh cạnh tranh ngày một khốc liệt.

Tuy quan niệm nuôi dạy con của cha mẹ Trung Quốc đã thay đổi nhiều, triết lý giáo dục của đa số trường học không có nhiều chuyển biến. Không phải độc lập hay sáng tạo, trường lớp vẫn ưu tiên cho chuẩn mực và sự nghe lời.

Hệ thống trường học không phải là khó khăn duy nhất mà các bậc cha mẹ ngày nay phải đối mặt. Nhiều người tôi từng phỏng vấn cảm thấy vất vả khi cố trau dồi đạo đức cho con cái của họ trong một môi trường xã hội rộng lớn hơn vẫn khuyến khích “chiến thắng bằng mọi giá”.

Các bậc cha mẹ luôn ấp ủ lý tưởng rằng con cái phải ngây thơ, trong sáng, thể hiện lòng tốt, lòng nhân hậu mà không bị vẩn đục bởi những giá trị giả tạo của thế giới người lớn.

cha me ho trung quoc anh 4

Một học sinh ôm mẹ trước khi bước vào trường để tham dự Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia ở Bắc Kinh vào ngày 7/7/2020. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, đó chỉ là lý tưởng. Ai cũng lo sợ những đứa trẻ ngây thơ, thực sự tốt bụng sẽ không thể đối đầu với cuộc sống khắc nghiệt chờ đón phía trước.

Thực tế này làm nảy sinh một hiện tượng mâu thuẫn: Trong khi các bậc phụ huynh Trung Quốc từ bỏ phương pháp “cha hùm mẹ hổ” một cách tự nhiên, họ đã dành cả thập kỷ qua để cho con cái tham gia rất nhiều lớp học thêm, dạy kèm, ngoại khóa.

Động cơ cho cuộc chạy đua này không nhất thiết phải là nội tại hoặc là kết quả của việc cha mẹ “hổ” châu Á muốn con cái họ trở thành người giỏi nhất.

Thay vào đó, nhiều người cảm thấy họ buộc phải thúc ép con cái, dù biết rằng việc nuôi dạy một đứa trẻ ngoan không phải lúc nào cũng giống như dạy dỗ một học sinh giỏi.

Các bậc cha mẹ trung lưu tại một trường mầm non tư thục ở Thượng Hải không đại diện cho cả đất nước, nhưng nỗi lo về ý nghĩa của việc nuôi dạy một đứa trẻ “tốt” ở Trung Quốc ngày càng phổ biến, cho dù bạn ở thành phố lớn hay nông thôn.

Thật không may, một thập kỷ sau khi tôi bắt đầu thực hiện nghiên cứu của mình, những vấn đề mà tôi quan sát được vào năm 2011 đang ngày một trầm trọng hơn.

Các bậc phụ huynh Trung Quốc không muốn nghĩ mình là “cha hùm mẹ hổ” độc đoán, nhưng họ cũng biết rằng thế giới thực tế không phải là nơi dành cho “những chú mèo con”.

Nguồn: News.zing.vn