Áp dụng máy móc các phương pháp nuôi dạy trẻ em của những blogger nổi tiếng, nhiều cha mẹ Trung Quốc gánh hậu quả khi con cái ngày càng ương bướng, ghét việc học tập.
Bước ra từ một tòa nhà đẹp mắt ở Thượng Hải, Chu Liang mang dáng vẻ của một bà mẹ vừa đảm đang, vừa sành điệu. Thế nhưng, ngay khi cuộc trò chuyện với Sixth Tone chuyển sang vấn đề nuôi dạy con cái, vẻ ngoài tự tin của người phụ nữ 36 tuổi hoàn toàn biến mất.
“Tôi nghĩ mình là kẻ thất bại”, cô nói.
Mối quan hệ của Chu và đứa con trai 6 tuổi của cô bắt đầu xấu đi trong những tháng gần đây. Cậu bé thường xuyên quấy phá, xáo tung phòng ngủ của mình và không chịu nghe lời Chu. Khi bị mẹ mắng, cậu bé nhìn chằm chằm vào Chu và không nói một lời.
Trước đây, chuyện không tệ như vậy. Chu nói mọi thứ thay đổi từ khi cô bắt đầu theo dõi một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc chuyên chia sẻ cách dạy con cái.
Nữ blogger đã thu hút hàng nghìn người theo dõi trên ứng dụng WeChat bằng cách đưa ra các kế hoạch học tập chi tiết cho trẻ nhỏ. Người này khẳng định phương pháp của mình đã giúp con trai đạt được thành công phi thường.
Blogger cho biết khi lên 6 tuổi, con trai cô đã đạt trình độ tiếng Anh của một học sinh lớp 5 của Mỹ.
Cha mẹ Trung Quốc đau đầu vì con ngày càng quấy phá sau khi họ áp dụng các phương pháp dạy học trên mạng. |
Tuy nhiên, phương pháp nuôi dạy được blogger đưa ra rất nghiêm khắc. Người này khuyến nghị các bậc cha mẹ nên lập danh sách hàng ngày về các bài tập về nhà. Nếu những đứa trẻ không hoàn thành đầy đủ, cô ấy gợi ý rằng đôi khi chúng phải bị trừng phạt bằng đòn roi.
Chu kể lại cảm giác bất an khi đánh con trai. Tuy nhiên, vì mong muốn con có được khởi đầu thuận lợi trong hệ thống giáo dục cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc, cô quyết định thử các phương pháp mà blogger đưa ra.
“Đó là một thảm họa. Bây giờ, con tôi ghét tiếng Anh và có lẽ ghét luôn cả mẹ”, Chu nói.
Nhiều bậc cha mẹ khác tại Trung Quốc cũng chia sẻ câu chuyện giống Chu. Những blogger đưa ra lời khuyên về cách biến trẻ thành “thiên tài” đã trở nên nổi tiếng trong bối cảnh cuộc chạy đua giáo dục ngày càng gay gắt tại quốc gia tỷ dân.
Tuy nhiên, nhiều người trong số này bị cáo buộc là người có ảnh hưởng xấu khi tạo nội dung gây hiểu lầm, chia sẻ thông tin không rõ ràng, thậm chí sai lệch.
Loạn kênh hướng dẫn nuôi dạy trẻ
Trên WeChat, hàng nghìn tài khoản nói về cách nuôi dạy con cái đã mọc lên trong những năm gần đây, với một số lượng lớn tập trung vào việc dạy trẻ em đọc, nói tiếng Anh và viết các tác phẩm văn học tiếng Trung.
Những người có ảnh hưởng này có thể kiếm được số tiền đáng kể do các gia đình Trung Quốc sẵn sàng đầu tư cho chuyện học hành của con cái.
Theo một cuộc khảo sát năm 2021, hơn 1/5 cặp vợ chồng Trung Quốc dành hơn 20% thu nhập hộ gia đình cho con cái. Thị trường dành cho các sản phẩm phục vụ cha mẹ và trẻ sơ sinh của Trung Quốc được ước tính trị giá 3,2 nghìn tỷ NDT (495 tỷ USD).
Li Danyang chia sẻ kinh nghiệm của cô khi kiểm tra danh sách bài tập về nhà hàng ngày với con trai mình. |
Tuy nhiên, sản phẩm quá phong phú đã gây hoang mang cho các bậc phụ huynh. Từ đây, những người ảnh hưởng xuất hiện để đưa ra những lời khuyên. Họ thậm chí mở kênh kinh doanh, trực tiếp bán các sản phẩm cho người theo dõi.
Vào năm 2018, Li Danyang – người có ảnh hưởng trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ thường được gọi là Niangao Mama – đã thu hút được 16 triệu người theo dõi. Tài khoản của cô được báo cáo tạo ra doanh thu trị giá 60 triệu NDT/tháng.
Theo Chang Hua, một bà mẹ sống ở Bắc Kinh, những nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm cải cách hệ thống giáo dục đã khiến những người có ảnh hưởng giống Li trở nên nổi tiếng hơn.
“Nhà trường giảm tải chương trình học và các lớp học kết thúc sớm hơn có nghĩa là các bậc cha mẹ sẽ phải thức khuya hơn để kèm cặp con học tại nhà. Đó là lý do các phụ huynh phải lên mạng tìm hiểu cách tự dạy con nhằm đảm bảo rằng chúng không bị bỏ lại phía sau”, Chang nói.
Lừa dối người theo dõi
Những người có ảnh hưởng thường lấy chính câu chuyện nuôi dạy con của mình để giới thiệu các phương pháp, sản phẩm giáo dục. Thế nhưng, không phải câu chuyện nào được kể cũng chính xác.
Liuma Luoluo, blogger có 670.000 người theo dõi trên Weibo, luôn lặp đi lặp lại trong các video của mình rằng cha mẹ nên xây dựng mối quan hệ thân thiết với con cái và khuyến khích trẻ sáng tạo từ khi còn nhỏ.
Tuy nhiên, vào đầu năm nay, Liuma bị phát hiện đã sống xa con gái 8 tuổi trong nhiều năm.
Sau khi dính lùm xùm, blogger thừa nhận vì quá bận rộn với công việc, cô đã để con gái ở với bố mẹ ở tỉnh Hà Nam, cách nhà cô ở Bắc Kinh 8 giờ lái xe. Đứa trẻ sau đó có các biểu hiện rối loạn hành vi nên được gửi đến một trường nội trú ở Hà Nam.
Liuma Luoluo chia sẻ hình ảnh con trai đang đọc một cuốn sách mà cô giới thiệu trên trang cá nhân. |
Theo Zhao Xiaohua, người điều hành kênh Weibo có 180.000 người theo dõi chuyên đăng clip đọc sách tiếng Anh cùng con gái, nói rằng ban đầu cô không dám chia sẻ kinh nghiệm dạy con của mình.
“Tôi không chắc các phương pháp giảng dạy của tôi có thể hiệu quả như thế nào đối với những đứa trẻ khác. Tôi tin rằng mỗi đứa trẻ đều khác nhau và cha mẹ nên lập kế hoạch phù hợp với con mình.
Tuy nhiên, thực tế là cha mẹ cần sự chắc chắn và họ muốn chúng tôi nói cho họ biết chính xác những gì phải làm. Hầu hết phụ huynh không giỏi tự mình đưa ra những phán đoán đó”, Zhao nói.
Nhiều tháng sau khi nhận ra sai lầm của mình, Chu Liang, phụ huynh ở Thượng Hải, vẫn chưa biết làm thế nào để hàn gắn mối quan hệ ngày một tồi tệ với con trai 6 tuổi.
Cô cũng không chắc mình còn có thể truyền cảm hứng cho con quay lại với tiếng Anh nữa hay không. Quá nhiều hoang mang nhưng Chu hiểu rằng việc ép con học sẽ không mang lại hiệu quả.
“Có lẽ những phương pháp đó có hiệu quả với những đứa trẻ ngoan ngoãn hơn và có thể chịu đựng áp lực lớn từ khi còn nhỏ. Nhưng nó chắc chắn không hữu hiệu với con tôi”, Chu nói.
Nguồn: News.zing.vn