Chàng thợ xăm ở TP.HCM thực hiện dự án với tiếng Việt

0
33

Từ câu chuyện xúc động của một vị khách, anh Nguyễn An đã quyết định thực hiện dự án “Xăm tiếng Việt”. Người thợ này giảm giá 50% và sẽ in thành sách tặng những người tham gia.

Du an xam tieng viet anh 1

“‘Xăm tiếng Việt đi’ là dự án mà tôi ấp ủ từ vài tháng trước, bây giờ có lẽ là thời điểm thích hợp để tôi triển khai. Nếu tổng hợp đủ 100 tác phẩm xăm tiếng Việt, tôi sẽ in thành sách tặng riêng cho những bạn cùng tham gia”, Nguyễn An viết trên Instagram của mình.

Xuất thân từ hoạ sĩ vẽ truyện tranh, Nguyễn An (31 tuổi) từng có khoảng thời gian thử sức ở mảng game và làm việc tại các agency quảng cáo trước khi bước chân vào nghề xăm. Cũng trong những năm tháng này, anh tìm đến nghệ thuật xăm hình qua một người bạn với mục đích duy nhất là thỏa mãn đam mê.

Muốn thể hiện tình yêu tiếng Việt

“Tôi học trên YouTube rồi nghiên cứu, tự vẽ. Thời gian đầu, tôi nhờ bạn bè làm ‘chuột bạch’, nói nôm na là làm mẫu để mình thử nghiệm. Xăm trở thành công việc bán thời gian, tôi làm vào mỗi thứ 7 và chủ nhật. Trải qua nhiều chuyện, tôi nghỉ việc ở công ty cũ để chuyển sang làm xăm hẳn”, anh kể lại.

Tính tới hiện tại, Nguyễn An đã theo đuổi công việc này được 3 năm, quãng thời gian bằng với số tuổi của chi nhánh đầu tiên anh mở ở quận 1.

Thời điểm dịch bệnh trở nên phức tạp, phòng xăm xếp vào danh sách dịch vụ không thiết yếu. Nguyễn An tạm đóng cửa tiệm.

Tận dụng khoảng nghỉ, anh bắt tay vào kế hoạch xây dựng cộng đồng “Hôm nay bạn xăm gì” trên Facebook và đạt hơn 65.000 người tham gia. Trên hết, dự án “Xăm tiếng Việt” khiến anh tâm đắc hơn cả.

“Mọi thứ diễn ra tình cờ. Trước đó, tôi cũng thử nghiệm qua kha khá hình xăm tiếng Việt nên cảm thấy nó rất thú vị. Cái tiếng Việt nó gần gũi, hai người nói chuyện với nhau cũng có sự kết nối hơn”, Nguyễn An bộc bạch.

Ví dụ như lúc An xăm dòng chữ “Con gai an com chua con” (Con gái ăn cơm chưa con – PV), anh bồi hồi vì xúc động. Ít ai biết được, đây là dòng tin nhắn cuối cùng mà Ái Linh – bạn khách của tiệm nhận được từ người ba đã mất. Qua Nguyễn An, cô muốn ký ức về ba sống mãi cùng mình.

Du an xam tieng viet anh 2

Dòng tin nhắn của ba được Ái Linh lưu giữ lại trên người. Ảnh: NVCC.

“Bình thường hai ba con thân thiết như tri kỷ. Cứ tầm sáng ba Thiện dậy sẽ nhắn tin báo đi chạy bộ, trưa sẽ nhắn tin nhắc nhở con gái ăn cơm. Có một hôm tôi mới mua hộp cơm về, theo thói quen tôi chụp hình đồ ăn gửi sang số Zalo của ba. Tôi lướt thấy tin nhắn ba hỏi ăn cơm nhưng không trả lời được. Tổng đài báo số này không còn hoạt động, tôi mới nhận ra ‘À thì ra ba đã mất thật rồi’. Tôi nhắn cho anh An để xăm, sau khi hai anh em trao đổi thì anh đồng ý bắt tay vào làm liền”, chị Ái Linh chia sẻ lại.

Chính khoảnh khắc mang tính bước ngoặt đó đã khiến Nguyễn An thêm yêu tiếng Việt và nảy ra ý tưởng cho dự án “Xăm tiếng Việt”.

Nguyễn An hy vọng có thể tạo ra một dự án có tính lan truyền mạnh mẽ đến cộng đồng. Anh biết khả năng gây được sự chú ý cao nhưng không nghĩ nó lại nổi đến vậy.

Như thông báo từ trước, Nguyễn An giảm 50% chi phí cho bất kỳ bạn trẻ nào đến tiệm để xăm tiếng Việt. Anh xem đây như cách hỗ trợ khách bởi nhiều bạn tuy có nhu cầu nhưng lo ngại về mặt giá cả.

Vượt qua cả mong chờ, những cái hẹn đặt lịch tại phòng xăm của Nguyễn An đã gần đầy. “Ban đầu tôi ghi ‘dự án tương đối dài’, tức là tôi nghĩ mình sẽ phải làm trong vòng 3 tháng. Nhưng rất nhiều bạn trẻ ủng hộ, chỉ trong 10 ngày đã có hơn 70 người đăng ký”, anh hào hứng cho biết.

Dù vậy, anh thợ xăm 31 tuổi này vẫn giữ nguyên dự định như ban đầu là thực hiện đúng 100 người. Sau đó, anh sẽ dừng dự án lại để làm một quyển sách kỷ niệm với 100 hình xăm để tặng mỗi người một phần.

Hy vọng thay đổi góc nhìn về hình xăm

“Nhiều cô chú lớn tuổi không có thiện cảm với hình xăm, họ nghĩ đây là thứ gì đó rất nặng nề. Dù không thể thay đổi hoàn toàn hay ngay lập tức, tôi muốn cho mọi người cái nhìn tốt hơn về công việc mình đang làm”, Nguyễn An bày tỏ.

Mỗi ngày trôi qua, Nguyễn An đọc bình luận trên mạng xã hội để học hỏi thêm kinh nghiệm. Anh nhận thấy nhiều bạn cho rằng tiếng Việt đẹp nhưng thanh sắc của nó lại không tốt cho việc thiết kế.

Chia sẻ với Zing, Nguyễn An nói: “Nếu để ý, mọi người sẽ thấy đa số hình xăm của tôi có những phông chữ tương đồng, khá đơn giản. Tôi muốn truyền tải thông điệp hơn là hình xăm được thiết kế quá đẹp”.

Du an xam tieng viet anh 6

Khoảnh khắc Nguyễn An tập trung xăm cho khách được chụp trước giai đoạn giãn cách. Ảnh: NVCC.

Nhiều người hiểu lầm “xăm là phải đẹp về thiết kế” nhưng Nguyễn An không nghĩ như vậy. Anh cho rằng nó đẹp vì mình đọc vào thấy hay, ngôn ngữ và nội dung chứa đựng nhiều xúc cảm chứ không đơn thuần về mặt thiết kế.

Cũng vì vậy, anh thường góp ý cho khách lựa chọn phông chữ phù hợp thay vì chạy theo những phông thịnh hành. Cách làm này giúp chuyển tải được toàn bộ nội dung, khiến hình xăm có ý nghĩa và cá tính hơn.

Trong 3 năm theo đuổi nghề xăm, Nguyễn An may mắn gặp gỡ những người bạn, anh em và cũng là đồng nghiệp. Cùng nhau, họ phát triển thương hiệu “Tattoonista”.

Hiện tại, nhóm của Nguyễn An có tổng cộng 5 thợ chính. Mỗi người đều có một phong cách riêng biệt chứ không rập khuôn hay trùng lặp. Trong tương lai, Nguyễn An mong muốn ngành xăm được phát triển như những gì mà nó xứng đáng có được.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn